Liệu hàng ngàn gara ô tô sẽ bị ảnh hưởng?

Ủy ban Kinh tế nhận thấy, hiện cả nước có hàng ngàn cơ sở hoạt động bảo hành, bảo dưỡng ô tô, việc quy định điều kiện đối với ngành, nghề kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô cần phải “cân nhắc kỹ lưỡng”.

Hàng ngàn gara ô tô nhỏ lẽ sẽ bị tác động ra sao khi được đưa vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện? Ảnh: TL.

Kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô được bổ sung thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục 4 Luật đầu tư về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện sẽ được đưa ra thảo luận tại Quốc hội tới đây. Quy định này làm dấy lên lo ngại cho hàng ngàn doanh nghiệp trong lĩnh vực này sẽ bị tác động.

Trong các báo cáo gửi tới Quốc hội về dự thảo luật, Chính phủ gần như không đánh giá về điều kiện kinh doanh này, trong khi lại đánh giá về các điều kiện kinh doanh bổ sung khác. Trong khi các điều kiện kinh doanh khác được các bộ chuyên ngành đánh giá, nêu ý kiến, thì “Kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô” lại không có đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải, cơ quan đã từng lên tiếng phản đối quy định này.

Lý do bổ sung ngành nghề này chỉ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thay mặt Chính phủ giải thích đơn giản rằng “xe ô tô là sản phẩm công nghệ cao, cấu tạo phức tạp và có giá trị lớn. Chất lượng xe ô tô có ảnh hưởng lớn đến việc bảo đảm tính mạng, sức khỏe con người, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường. Do vậy, cần áp dụng điều kiện kinh doanh ô tô từ khâu sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu đến bảo hành”.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội bày tỏ băn khoăn: “Ủy ban Kinh tế nhận thấy, hiện cả nước có hàng ngàn cơ sở hoạt động bảo hành, bảo dưỡng ô tô, việc quy định điều kiện đối với ngành, nghề kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô cần phải cân nhắc kỹ lưỡng nhằm bảo đảm tính phổ quát chung đối với các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường sắt, vừa bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh”.

Báo cáo thẩm tra cho biết, có ý kiến trong Ủy ban Kinh tế cho rằng, không cần thiết quy định điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề này vì dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô thực chất là vấn đề chăm sóc khách hàng được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự (từ Điều 446 đến Điều 449) và được điều tiết bởi nhu cầu, xu hướng lựa chọn của người tiêu dùng và yêu cầu cạnh tranh trên thị trường. Định kỳ các loại xe ô tô đều phải được kiểm tra tại các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới và cấp chứng nhận an toàn kỹ thuật mới đủ điều kiện tham gia giao thông.

Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra cho biết thêm, cũng có ý kiến cho rằng ô tô là sản phẩm có khả năng gây mất an toàn cao, vì vậy, dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng cần phải tuân thủ các điều kiện nghiêm ngặt để đáp ứng yêu cầu của nhà sản xuất, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, bảo đảm an toàn giao thông, đồng thời cũng hạn chế tác động có hại từ các cơ sở cung cấp dịch vụ này tới môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Trong khi đó, quan điểm của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tỏ ra dứt khoát hơn. Trong báo cáo gửi tới Ủy ban Kinh tế theo chức trách (VCCI phải có ý kiến về các dự thảo luật theo quy định của Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật), VCCI đề nghị bỏ “Kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô” ra khỏi Danh mục Luật Đầu tư sửa đổi.

Cơ quan này giải thích, hoạt động bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô là một trong những dịch vụ kỹ thuật thông thường – tương tự như các hoạt động bảo dưỡng, bảo hành hàng hóa khác trên thị trường. Vì vậy, chưa tìm thấy tính đặc thù của loại dịch vụ này hơn các dịch vụ tương tự khác để có thể quy định về điều kiện kinh doanh.

Quan trọng hơn, bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô là dịch vụ thường đi kèm với dịch vụ bán hàng hoặc sản xuất ô tô và trong quan hệ này trách nhiệm đối với chất lượng sản phẩm thuộc về nhà sản xuất là chủ yếu chứ không phải là người bảo hành, bảo dưỡng.

“Vì vậy, việc xem hoạt động bảo hành, bảo dưỡng ô tô là ngành nghề kinh doanh có điều kiện là rất bất hợp lý”, VCCI đề nghị.

Bên cạnh đó, cơ quan này khẳng định, ngay cả khi việc kiểm soát các dịch vụ này là hợp lý đi nữa thì các điều kiện kinh doanh với ngành này như quy định hiện tại cũng không thể hiện được các mục tiêu quản lý nào trong khi lại cản trở đáng kể đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào thị trường này.

Tuy nhiên, Quốc hội sẽ là cơ quan quyết định thông qua hay không quy định này trong phiên thảo luận ngày 18-11 tới đây.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/154009/lieu-hang-ngan-gara-o-to-se-bi-anh-huong.html/