Liên tiếp những vụ xe khách gặp sự cố nghiêm trọng: Cần mở đợt sát hạch bổ sung cho tài xế

Việc hàng chục người thoát chết trong vụ xe khách mất phanh, được xe tải “dìu” xuống an toàn ở đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) là vô cùng hi hữu. May mắn này không thể xảy ra liên tục nếu như lái xe chủ quan, bất cẩn và bị động trước những sự cố bất ngờ.

Xe khách 47 chỗ mất phanh khi đổ đèo gây tai nạn tại Lâm Đồng ngày 19/6 khiến 7 người chết và nhiều người bị thương. Ảnh: Quốc Dũng

Cứ tai nạn là đổ cho “mất phanh”, “mất lái”

Thỉnh thoảng đọc báo, người ta lại giật mình biết tin một xe khách, xe giường nằm gặp tai nạn khi đổ đèo hoặc trên những cung đường nguy hiểm. Cụm từ “xe mất phanh” được nhắc lại nhiều lần và coi đó như nguyên nhân dẫn đến những thảm họa đau lòng. Điển hình nhất, trong vụ TNGT tại Lâm Đồng ngày 19/6 khiến 7 người chết, cơ quan chức năng xác định nguyên nhân khi đổ đoạn đèo đang sửa chữa, xe khách 47 chỗ mất phanh, tông công nhân làm đường và va chạm vào hông xe 29 chỗ trước khi lật nghiêng.

Một vụ tai nạn khác để lại hậu quả nghiêm trọng xảy ra gần đây nhất vào ngày 5/8, khi chiếc xe khách chở gần 50 người từ Nha Trang đi Đà Lạt xuống đèo trên tỉnh lộ 723 (đoạn qua địa phận huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) thì đột ngột bị mất phanh. Chỉ vài phút sau, chiếc xe lao vào vách núi. Tài xế, phụ xe và một nữ hành khách thiệt mạng tại chỗ.

Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, tại những địa hình đèo dốc, hiểm trở đã xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm mà nguyên nhân do xe mất phanh, tài xế không làm chủ được tốc độ. Từ thực trạng đau lòng ấy cho thấy, việc lái xe vì “chạy đua với thời gian” mà phóng nhanh vượt ẩu, tranh giành khách, lái đêm, cướp đường... là rất phổ biến. Đó là chưa kể đến việc nhiều tài xế đường dài do thiếu ngủ triền miên lại thường xuyên phải ôm vô lăng đến 12 giờ/ngày dẫn đến thiếu tỉnh táo khi gặp sự cố.

Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, Thiếu tá Dương Đình Ngô (Lái xe thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội) cho rằng việc hàng chục hành khách thoát chết trong vụ xe khách mất phanh ở đèo Bảo Lộc, Lâm Đồng ngày 6/9 là vô cùng hi hữu. May mắn này không thể xảy ra liên tục nếu như lái xe chủ quan, bất cẩn hoặc thiếu nhạy bén khi sự cố đến bất ngờ.

Lý giải về nguyên nhân “xe mất phanh”, Thiếu tá Ngô cho hay: “Khi xe đổ đèo với tốc độ lớn, trước hết, do lái xe chủ quan không về số thấp. Khi đổ dốc với số cao, tốc độ xe sẽ lớn buộc tài xế phải dùng phanh liên tục để giảm tốc độ. Đối với các xe dùng phanh thủy lực thì việc đạp phanh kéo dài, sẽ xảy ra hiện tượng cháy phanh và mất tác dụng. Khi bị mất phanh, tốc độ xe tăng rất cao khiến lái xe không thể về số thấp được. Lúc này, xe sẽ lao tự do và tay lái rất nhẹ nên xe bị chao đảo, không thể điều khiển được theo ý mình. Nếu xe bị lấn ra phía taluy âm thì lao xuống vực, còn lao sang taluy dương thì đâm vào vách núi”.

Cùng chung quan điểm trên, tài xế Vương Văn Vinh (hiện đang lái xe khách cho Công ty Minh Thành Phát) cho hay, khi đổ đèo tài xế nên đi số thấp và hạn chế dùng phanh đến mức tối đa. Nhiều xe khách mất phanh ở cuối đèo do lái xe xuống đèo quá nhanh ở số 3 hay 4, cho nên cứ vào cua là lại rà phanh. Nhất là những xe chở khách nặng thì rà phanh liên tục dẫn đến nóng rực tăm bua, trơ lì má phanh, thậm chí sôi cả dầu phanh. Đến gần cuối đèo, nhiệt độ lên quá cao và lúc này cả hệ thống phanh đột nhiên vô tác dụng. Sự mất phanh xảy ra đột ngột và không có dấu hiệu báo trước dẫn đến tai nạn thảm khốc xảy ra.

Cẩn trọng hay sát hạch lại?

Đèo Khau Phạ (tuyến QL 32 chạy qua tỉnh Yên Bái) là một trong những con đèo quanh co, dốc đứng thuộc hàng bậc nhất Việt Nam.

“Đã làm nghề lái xe, hay ngồi sau vô lăng thì không ai có thể nói hay được. Đường đèo dốc rất khó đi, nhất là những đoạn cua tay áo. Ở nhiều tuyến đường đồi, núi nhỏ hẹp một bên là vách núi dựng đứng, bên kia là vực sâu thăm thẳm do đó tầm quan sát bị hạn chế và tiềm ẩn TNGT. Chính vì vậy, muốn phòng ngừa tai nạn thì tất cả các lái xe đi trên đường đều phải cẩn thận, giữ bình tĩnh trong mọi tình huống để giữ gìn an toàn cho bản thân, hành khách và người tham gia giao thông”, tài xế Vinh chia sẻ.

Tài xế xe khách Nguyễn Ngọc Bắc (chạy tuyến Thanh Hóa – Hà Nội) tâm sự: “Mỗi cung đường rừng núi sẽ có những sự khác biệt riêng. Dù đường xá không đông đúc như trong nội đô, nhưng đi đường đèo, dốc, rừng núi lại vô cùng quanh co, hiểm trở. Chính vì vậy, nguy cơ xảy ra TNGT sẽ nhiều hơn so với mặt đường bằng phẳng, rộng rãi trên quốc lộ hay trong phố lớn. Hiện nay, có không ít người chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng vẫn cầm vô lăng xe khách dẫn đến hiểm họa khôn lường. Trong khi đó, việc sát hạch, nâng bằng lái xe còn quá đơn giản và mang nặng hình thức. Đến khi cầm vô lăng, lái xe chủ quan, quá tự tin vào tay lái dẫn đến khi gặp nguy hiểm không biết xử lý thế nào cho an toàn”.

Lý giải điều trên, tài xế Nguyễn Ngọc Bắc cho hay: “Hiện nay điều kiện nâng hạng giấy phép hạng D, E để lái xe khách không quá khó. Một trong số những yêu câu là lái xe có thời gian hành nghề 5 năm trở lên và có trên 100.000 km lái xe an toàn. Về thủ tục nâng hạng giấy phép lái xe cũng khá đơn giản, thậm chí bản khai thời gian hành nghề và số km lái xe an toàn vẫn có thể hợp thức hóa theo mẫu quy định được. Có hiện tượng một số trung tâm đào tạo, sát hạch, cấp phép lái xe nhưng không qua đào tạo. Thậm chí, có trường hợp đi học, đi thi hẳn hoi, nhưng không đạt yêu cầu, song chỉ cần nộp một khoản phí gọi là “chống trượt” là nghiễm nhiên có bằng lái”.

Thiếu tá Dương Đình Ngô, hiện đang dạy thêm thực hành lái cho một trung tâm đào tạo lái xe tại Hà Nội cũng đưa ra đề xuất song song với việc thắt chặt việc cấp bằng, nâng bằng lái xe thì Bộ GTVT cần mở những đợt đào tạo lý thuyết, kỹ năng xử lý tình huống cũng như sát hạch lại bằng lái xe đối với các tài xế xe tải, xe khách.

“Bản thân mỗi người cầm vô lăng cần ý thức rõ trách nhiệm của mình đối với hành khách cũng như người tham gia giao thông. Bên cạnh đó, Nhà xe cũng cần tăng cường kiểm tra toàn bộ xe để kịp thời bảo dưỡng theo định kỳ. Riêng với tài xế cũng cần kiểm tra hệ thống phanh trước, trong và sau quá trình vận chuyển hành khách để đảm bảo an toàn”, Thiếu tá Dương Đình Ngô chia sẻ.

Bảo hiểm xe khách đường dài có thể được tính lại

Nhiều vụ tai nạn xe khách kinh hoàng liên tiếp xảy ra gần đây không chỉ khiến các cơ quan chức năng phải nhìn lại vấn đề an toàn giao thông đường bộ, mà các doanh nghiệp bảo hiểm cũng suy xét về vấn đề bảo hiểm cho đối tượng này. Vụ tai nạn thảm khốc mới đây tại Bình Thuận diễn ra khi xe khách của hãng Phương Trang va chạm với ôtô khách Sơn Quy (Hà Tĩnh) vừa được các công ty bảo hiểm thống kê sơ bộ thiệt hại về người và tài sản. Số tiền bồi thường bảo hiểm ước tính ban đầu là khoảng 6 tỷ đồng.

Trao đổi với PV, đại diện một công ty bảo hiểm phi nhân thọ đang phát triển rất mạnh bảo hiểm xe cơ giới cho hay, các hãng bảo hiểm đang phải tính toán lại việc bán bảo hiểm cho xe khách, xe chạy đường dài, bởi ý thức tuân thủ Luật giao thông của lái xe hiện nay không cao. Trong trường hợp không may xảy ra va chạm thì hậu quả thường rất nghiêm trọng, dẫn đến tỷ lệ bồi thường bảo hiểm cao. Bên cạnh đó, bảo hiểm xe khách đường dài cũng được đánh giá là nghiệp vụ bảo hiểm kém hiệu quả, góp phần làm tăng tỷ lệ bồi thường cho nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới.

Cao Tuân

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/lien-tiep-nhung-vu-xe-khach-gap-su-co-nghiem-trong-can-mo-dot-sat-hach-bo-sung-cho-tai-xe-20161003082718169.htm