Liên tiếp các vụ giáo viên bạo hành học sinh: Cần thiết xây dựng Luật Nhà giáo

Liên tiếp những câu chuyện buồn, những hành động và lời nói thiếu đạo đức đang khiến ngay cả các thầy cô giáo trong ngành cũng phải thốt lên: không thể chấp nhận được dù vì bất cứ lý do gì.

Thầy giáo Trường THPT Phan Huy Chú, huyện Thạch Thất, Hà Nội, xưng “mày - tao”, chỉ tay vào mặt học sinh và mắng “hiểu chưa con chó”. Một học sinh hút thuốc lá điện tử bị thầy hiệu phó tát ù tai. Một nữ sinh lớp 12 bị cô giáo túm áo kéo lê trên đất khi em đã kiệt sức vì bị cô đuổi ra khỏi lớp do mắc lỗi mua bánh không đúng với yêu cầu của cô. Liên tiếp những câu chuyện buồn, những hành động và lời nói thiếu đạo đức đang khiến ngay cả các thầy cô giáo trong ngành cũng phải thốt lên: không thể chấp nhận được dù vì bất cứ lý do gì. Hay nói như TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội: Nhiều thầy cô giáo không ý thức giữ gìn hình ảnh nghề nghiệp, không nắm được nguyên tắc sư phạm, coi thường tâm lý giáo dục...

Ứng xử sư phạm của các thầy cô giáo đang có những hạn chế

Sau loạt vụ lạm thu các khoản đầu năm học thì phụ huynh và dư luận bàng hoàng khi liên tiếp xảy ra các vụ bạo hành học sinh từ mầm non cho đến cấp THPT.

Đầu tiên là vụ cô giáo Trường THPT Đa Phúc, huyện Sóc Sơn, Hà Nội đuổi một nữ sinh lớp 12 ra khỏi lớp quỳ khóc đến kiệt sức rồi kéo lê trên mặt đất chỉ vì “không mua bánh sinh nhật đúng cửa hàng”. Tiếp theo, một thầy giáo dạy tiếng Anh ở Trường THPT Phan Huy Chú – Thạch Thất, Hà Nội đã bóp cằm, chỉ vào mặt nam sinh xưng “mày tao”, thậm chí ở cuối clip, thầy giáo còn xúc phạm học sinh chỉ vì em làm bài tập sai.

Chưa dừng lại ở đó, một học sinh lớp 4 của Trường Tiểu học Hải Hòa, phường Hải Hòa, thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa đã bị cô giáo dùng roi tre đánh vào lưng bầm tím vì không làm bài tập. Hay mới đây nhất là vụ phụ huynh tố cô giáo tại Trường Mầm Non Ngôi Sao Nhỏ - Little Star đánh con mới 14 tháng tuổi.

Ứng xử sư phạm của các thầy cô giáo đang có những hạn chế, gây ra hệ lụy khiến nhiều người hiểu sai vai trò của người thầy, thậm chí có những phản ứng tiêu cực từ học sinh, phụ huynh” - TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội nhận định như vậy.

Ông Lâm cho rằng: Những sự xảy ra việc vừa qua với các nhà giáo, trước tiên các thầy cô giáo đã hành xử không đúng nguyên tắc sư phạm, không phù hợp với đạo đức nhà giáo, không có ý chí quyết bảo vệ nhân phẩm, an toàn cho bản thân mỗi nhà giáo. Theo tôi, dường như nhiều thầy cô giáo không ý thức về nghề nghiệp và việc giữ gìn hình ảnh của mình. Thêm nữa, các thầy cô không nắm được nguyên tắc sư phạm, tức là nghề nghiệp không tinh thông, coi thường tâm lý giáo dục. Đáng lo ngại là vẫn còn mang nặng tư tưởng quyền uy trong nhà trường. Điều này rất nguy hiểm. Để giáo dục học sinh, trong nguyên tắc và phương pháp sư phạm thì nhà giáo được quyền phạt học sinh để duy trì nề nếp kỷ luật của nhà trường, của lớp học. Tuy nhiên, dù hình thức kỷ luật nào cũng không được hạ nhục, vi phạm nhân cách học sinh.

Trong những sự việc này, bộ phận quản lý nhà trường cũng có lỗi của mình. Nhà trường để giáo viên không nắm được nguyên tắc, kỹ năng sư phạm, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, danh dự của nhà giáo và để cha mẹ học sinh, người ngoài vào xâm hại nhà giáo, không bảo đảm an toàn về con người và nhân phẩm cao quý của nhà giáo...

Ứng xử sư phạm của các thầy cô hiện nay hết sức hạn chế, nó gây ra hệ lụy làm cho nhiều người hiểu sai vai trò của người thầy, nên gây ra những mâu thuẫn không đáng có. Khi người ta coi thường nhà giáo, học sinh cũng coi thường thầy cô sẽ tạo ra bức xúc không đáng có. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình phát triển giáo dục, vì thầy cô không chỉ dạy học sinh bằng tri thức mà phải dạy bằng chính nhân cách của mình. Nếu thầy cô nhân cách bị hạ thấp thì hiệu quả giáo dục rất thấp, thậm chí nó còn mang lại tác dụng ngược. Chúng ta phải nhìn vấn đề thấu đáo như vậy chứ không chỉ rút kinh nghiệm rồi cho qua như một số vụ việc vừa rồi.

Usinxki - nhà giáo dục danh tiếng của thế giới cho rằng: Nhân cách của người thầy là sức mạnh có ảnh hưởng to lớn đối với học sinh. Sức mạnh đó không thể thay thế bằng bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào, bất kỳ câu chuyện châm ngôn đạo đức, bất kỳ một hệ thống khen thưởng hay trách phạt nào khác. Nghề dạy học là cao quý vì nó phát triển nhân cách, xây dựng tương lai cho mỗi đứa trẻ.

Vì thế, việc thầy cô giữ hình ảnh của mình, giữ nhân cách của mình là vô cùng quan trọng, không chỉ cho bản thân mình mà đây cũng chính là công cụ để dạy học, công cụ để phát triển nhân cách cho chính học trò của mình. Đó là một đòi hỏi của nghề nghiệp, đòi hỏi của xã hội, nếu ai không đáp ứng được thì không nên theo nghề giáo.

Làm thế nào để chấm dứt nỗi ám ảnh bạo lực học đường?

Ông Nguyễn Trọng An - nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em cho hay, vấn đề bạo lực học đường xảy ra đã lâu, mặc dù đã được tuyên truyền giáo dục rất nhiều nhưng các vụ việc vẫn liên tục xảy ra, năm sau cao hơn năm trước. Đây là vấn đề đáng lo ngại trong ngành giáo dục hiện nay.

Với kinh nghiệm nhiều năm làm trong lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ trẻ em, ông An cho rằng, những sự việc xuất hiện trên báo chí mới chỉ là một phần nổi của tảng băng chìm, thực tế còn nghiêm trọng hơn nhiều lần. Bởi gần đây có những sự vụ bạo lực rất tàn bạo, học sinh đánh học sinh, thầy cô giáo đánh học sinh, bảo mẫu bạo hành trẻ nhỏ... Nghiêm trọng hơn, có những em nhỏ đã phải tìm đến cái chết, khi điều tra thì nguyên nhân là do bạo lực học đường, bị nói xấu, bị đe dọa trên mạng xã hội.

Ông An khẳng định, những vụ bạo lực học đường cho thấy, ngành giáo dục hiện nay chưa có chuẩn mực đạo đức học đường cho từng cấp học, cho từng lứa tuổi phù hợp.

Việc giáo dục về tâm lý, kỹ năng sống trong các nhà trường còn hạn chế, đó là sự thiếu hụt nghiêm trọng và cần phải thay đổi; Cần tăng cường giáo dục về kỹ năng, về đạo đức, lối sống cho trẻ, không nên nhồi nhét quá nhiều kiến thức và chạy theo thành tích. Phải chăng, sự thiếu hụt trong giáo dục đã dẫn các vụ bạo lực học đường gia tăng, học trò đánh học trò, thầy cô giáo bạo hành học sinh” - ông Nguyễn Trọng An chia sẻ.

Theo ông An, để hạn chế bạo lực học đường, biện pháp đầu tiên là giáo dục gia đình. Do áp lực cơm, áo, gạo, tiền nên vấn đề giáo dục trong gia đình từ lâu đã bị coi nhẹ. Nhiều nhà phó mặc việc giáo dục con cho nhà trường, thầy cô giáo. Nhiều bậc cha mẹ không lắng nghe trẻ nói, sao nhãng việc giáo dục con, chỉ đến khi xảy ra các sự việc đáng tiếc thì mới tỉnh ngộ.

Bên cạnh đó, nhiều gia đình có quan niệm “yêu cho roi cho vọt” và thường xuyên dùng roi vọt để giáo dục con. Một đứa trẻ khi bị đánh nhiều quá sẽ trở thành một đứa bé lì lợm và xuất hiện mầm mống bạo lực. Dù ở trường hay ở nhà, đứa bé đều có thể dùng bạo lực với anh em hay bạn bè. Do đó, vấn đề giáo dục gia đình là cốt lõi.

Luật Trẻ em 2016 đã quy định là kiện toàn mạng lưới bảo vệ trẻ em 3 cấp độ. Đó là phải có mạng lưới nhân viên công tác xã hội bảo vệ trẻ em ở cộng đồng; Phải có mạng lưới công tác hội, phải có giáo viên tâm lý học đường trong các nhà trường để hỗ trợ, ổn định tâm lý cho học sinh, từ đó mới giảm thiểu được tình trạng bạo lực học đường” - ông Nguyễn Trọng An cho hay.

Ông An khẳng định, việc mua nhầm bánh sinh nhật của học sinh là chuyện quá nhỏ để cô giáo bắt lỗi và có hình thức phạt thiếu văn hóa như vậy. Những hành động này của cô giáo không chỉ là hành động thiếu chuẩn mực mà còn là hành động vô cảm trong bối cảnh học sinh này đang có vấn đề về sức khỏe, đó là xúc phạm nhân phẩm học sinh, là bạo lực học đường đúng nghĩa.

Theo luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp, những hình ảnh thể hiện trong clip cho thấy, hành vi ứng xử của cô giáo là không phù hợp. Một sự việc khá nhỏ không đáng để có hành động lôi kéo, lớn tiếng như vậy trước rất nhiều em học sinh, nhất là trong điều kiện sức khỏe của em học sinh không được tốt và trạng thái tâm lý thì bất ổn. Đáng nói hơn, đây là cô giáo dạy môn giáo dục công dân, là giáo viên chủ nhiệm lớp. Thay vì ôn tồn giải thích hoặc có những ứng xử phù hợp thì cô giáo này lại trút sự bực tức lên đầu cho học sinh, dẫn đến những hành động phản cảm, thiếu tính giáo dục. Hiện nay, cơ quan chức năng đang vào cuộc xác minh, chưa có kết luận cuối cùng.

Trường hợp có căn cứ cho thấy, cô giáo có hành vi bạo hành, mà cụ thể là hành vi làm nhục người khác, hành hạ người khác, để lại hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe và tâm lý của học sinh thì có thể bị xử lý hình sự. Trường hợp có hành vi bạo lực học đường mà chưa đến mức gây nguy hiểm cho xã hội và để lại hậu quả nghiêm trọng thì cũng có thể bị xử phạt hành chính, xử lý kỷ luật đối với giáo viên đó. Cơ quan công an sẽ làm rõ giáo viên này giảng dạy ở trường dưới hình thức nào, là viên chức hay là giáo viên hợp đồng, đã giảng dạy bao lâu rồi, trong quá trình làm việc đã chấp hành kỷ luật thế nào, việc phạt học sinh như vậy là phù hợp với pháp luật hay chưa?

Luật sư Cường khẳng định, đây là hành động không thể chấp nhận được, không được phép xảy ra trong một môi trường giáo dục vì bất cứ lý do nào. Đó là hành động phản giáo dục, phản sư phạm… Giáo viên này xứng đáng nhận một mức kỷ luật nghiêm khắc hơn rất nhiều so với việc chỉ nhắc nhở về hành vi, chuyển công tác giảng dạy và công tác chủ nhiệm sang giáo viên khác.

Với những gì đã diễn ra công khai trên clip thì việc đình chỉ công tác của giáo viên hoặc chuyển sang làm công việc khác để chờ cơ quan chức năng xác minh là điều cần thiết, để ổn định tâm lý cũng như suy nghĩ của các học sinh trong lớp và tránh những sự việc tương tự có thể xảy ra. Môi trường giáo dục là môi trường đòi hỏi giáo viên phải là người chuẩn mực, phải nêu gương và phải có ứng xử phù hợp, thể hiện sự vị tha, lòng nhân ái, tình yêu với con trẻ, có như vậy thì hoạt động giáo dục mới thực sự hiệu quả. Bản thân các thầy cô giáo là những người rao giảng về đạo đức mà có hành vi ứng xử không phù hợp thì bài giảng có hay đến mấy nhưng bản thân các thầy cô không làm gương thì hiệu quả giáo dục sẽ không đạt được như mong muốn” - luật sư Đặng Văn Cường chia sẻ.

Cần thiết xây dựng Luật Nhà giáo

Thầy Nguyễn Duy Khánh, giáo viên Sinh học tại Hà Nội cho hay: “Đã đến lúc cần có sự quan tâm nhiều hơn nữa về vấn đề đạo đức nhà giáo trong trường học. Luật Giáo dục năm 2019 đã trình bày rất rõ chuẩn mực ứng xử và quyền hạn của giáo viên. Trong đó, Điều 22 của Luật cũng như điều lệ của các trường học đều nêu nghiêm cấm xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, người lao động của cơ sở giáo dục và người học.

Lớp học là địa điểm bạo hành xảy ra thường xuyên nhất. Thực trạng này diễn ra với mức độ và tính chất khác nhau. Do ranh giới giữa việc giáo viên nghiêm khắc, kỷ luật và bạo lực học đường cũng tương đối gần nhau nên giáo viên cũng không nhận thức được là thái độ, hành vi của mình là bạo lực học đường”.

Theo Tiến sĩ Đặng Văn Cường - Giảng viên Luật, Trường Đại học Thủy lợi: “Hoạt động giáo dục là hoạt động nghề nghiệp đặc thù, thể hiện sự nhân văn, văn hóa, hướng thiện. Chính vì vậy, đòi hỏi thầy cô giáo, cán bộ giáo dục phải là những người có chuẩn mực đạo đức, có hành vi ứng xử phù hợp thì mới có hiệu quả trong công tác giáo dục.

Trước nhiều vụ bạo hành học sinh xảy ra thời gian qua, tôi thấy rất cần thiết sớm xây dựng Luật Nhà giáo để thống nhất các văn bản quy phạm pháp luật và bổ sung các văn bản mới về hoạt động nghề nghiệp giáo viên trong đó Luật Nhà giáo sẽ định danh nhà giáo; Làm cơ sở để xây dựng tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; Quy định đầy đủ thống nhất về tuyển dụng, sử dụng, điều kiện làm việc và tiêu chuẩn của nhà giáo; Đào tạo bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; Quản lý nhà nước về nhà giáo.

Mới đây, Chính phủ đã họp phiên chuyên đề pháp luật, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã kết luận: Thống nhất với Tờ trình của Bộ GDĐT về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo, về các chính sách dự kiến đưa vào nội dung của Luật.

Luật Nhà giáo kết hợp với Luật Giáo dục và các văn bản pháp luật khác có liên quan sẽ là hệ thống cơ sở pháp lý quan trọng để hoạt động giáo dục được thực hiện một cách có hiệu quả, có nền nếp, giảm đến mức tối thiểu những sự vụ bạo lực học đường có thể xảy ra. Đặc biệt là những vụ việc giáo viên không đủ năng lực phẩm chất, không đủ tiêu chuẩn vẫn tham gia giảng dạy để rồi thực hiện các hành vi bạo hành, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của học sinh”.

Khánh An

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/lien-tiep-cac-vu-giao-vien-bao-hanh-hoc-sinh-can-thiet-xay-dung-luat-nha-giao-post267350.html