Liên quan đến đường dây đưa 49 người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam: Khởi tố, bắt giam thêm 14 đối tượng

Mở rộng điều tra đường dây tổ chức, môi giới đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép liên quan đến Đinh Xuân Hiền, Cơ quan An ninh điều tra - Công an TP Đà Nẵng tiếp tục tống đạt quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam 14 đối tượng khác trong đường dây.

Vận chuyển người nhập cảnh trái phép với giá từ 28-40 triệu đồng/chuyến

Theo điều tra của cơ quan công an, vào cuối tháng 12/2020, tổ công tác của Trạm CSGT Cửa ô Hòa Hiệp (thuộc Phòng CSGT Công an TP. Đà Nẵng) phát hiện ôtô 7 chỗ BS: 17A-178.43 do Đinh Xuân Hiền (SN 1991; ngụ xã Thái Dương, huyện Thái Thụy, Thái Bình) điều khiển vi phạm giao thông. Qua kiểm tra, Tổ CSGT phát hiện trên xe có 5 người nữa gồm Đinh Công Quân (SN 1989; ngụ xã Thái Dương, huyện Thái Thụy, Thái Bình) và 4 người Trung Quốc gồm: Huang Zhi Min (SN 1999); Wang Cheng (SN 1997); Wu Jia Wen (SN 1995) và Yang Xiao Yu (SN 1991). Cả 4 người Trung Quốc đều không xuất trình được hộ chiếu, thị thực nhập cảnh. Đến ngày 6/1/2021, Cơ quan ANĐT Công an TP. Đà Nẵng khởi tố, bắt Hiền và Quân.

Mở rộng điều tra, đến nay, Cơ quan ANĐT Công an TP. Đà Nẵng làm rõ, khởi tố bị can và bắt tạm giam thêm 14 đối tượng cư trú tại các tỉnh, thành như: Hà Nam, Hòa Bình, Hà Nội, Hưng Yên, Ninh Bình... về hành vi “Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép”. Công an xác định, từ ngày 21 đến 29/12/2020, Hiền, Quân và 14 người trên đã đưa 49 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam lưu trú hoặc vào Việt Nam rồi tiếp tục sang Campuchia để làm việc cho các nhóm tội phạm đánh bạc, lừa đảo qua mạng internet do người Trung Quốc điều hành. Thủ đoạn của chúng là phân chia người đón những người Trung Quốc vượt biên trái phép vào Việt Nam; dùng xe máy chở xuống núi rồi di chuyển về Hà Nội và các địa phương khác bằng ôtô. Mỗi chuyến như vậy có khoảng 3-4 người Trung Quốc đi, chi phí tại Việt Nam số tiền mỗi chuyến từ 28-40 triệu đồng. Sau đó, các đối tượng tiếp tục đưa những người Trung Quốc đến lưu trú tại các khách sạn ở Việt Nam hoặc tiếp tục trốn đưa sang Campuchia.

Theo thống kê sơ bộ, từ đầu năm 2020 đến nay, Công an TP. Đà Nẵng đã đấu tranh, xử lý 16 vụ “Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép”; khởi tố 55 bị can (trong đó có 11 người mang quốc tịch Trung Quốc); đã đưa ra xét xử 7 vụ.

1 trong 14 đối tượng bị cơ quan ANĐT, Công an TP. Đà Nẵng tống đạt quyết định khởi tố.

Phải xử lý nghiêm hành vi đưa người khác nhập cảnh trái phép

Liên quan đến sự việc ngành chức năng TP. Đà Nẵng và nhiều địa phương khác liên tiếp phát hiện các trường hợp người nước ngoài nhập cảnh trái phép, lưu trú không khai báo, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, lây lan dịch COVID-19, dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Nguyễn Tiến Thủy - Văn phòng Luật sư Việt Lý (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, trong lúc nước ta đang ở giai đoạn phòng chống dịch bệnh COVID-19, nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh từ bên ngoài là rất cao, hành vi tổ chức đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam đã và đang là mối nguy hại cho những nỗ lực phòng dịch mà cả nước đã đạt được trong suốt thời gian qua. Để xử lý nhóm người này, cần khởi tố “Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép” theo Điều 348 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và mức hình phạt cao nhất là 15 năm tù giam. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm theo quy định tại Khoản 4, Điều 348 BLHS.

Đối với những người tổ chức cho người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và làm lây truyền dịch bệnh thì cần thiết phải áp dụng tình tiết tăng nặng hình phạt theo Điểm l, Khoản 1, Điều 52 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) là Lợi dụng tình trạng dịch bệnh để phạm tội. Trong trường hợp cơ quan chức năng truy xét được nguồn gốc lây lan dịch bệnh do những đối tượng tổ chức, môi giới cho người khác nhập cảnh trái phép vào Việt Nam gây ra thì còn bị truy tố theo quy định tại Điều 240, tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”.

Theo luật sư Thủy, hiện nay, một trong những nguyên nhân khiến tình trạng nhập cảnh trái phép diễn ra nhiều ở nước ta đó là do chế tài xử phạt chưa thật sự cứng rắn để răn đe đối với hành vi xuất cảnh, nhập cảnh trái phép. Việc chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính đối với những người vi phạm lần đầu về hành vi “Qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định” mà chưa bị xử lý hình sự thì chưa tạo được sự răn đe. Nhiều người sẽ nghĩ là thực hiện một lần thôi thì sẽ không sao cả, cùng lắm chỉ bị phạt tiền. Chính vì thế, với những chế tài hiện nay, việc răn đe cũng như ngăn chặn thực hiện hành vi xuất cảnh, nhập cảnh trái phép là chưa đủ, cần phải có những quy định cứng rắn cũng như rõ ràng hơn, quyết liệt hơn để ngăn chặn tình trạng vượt biên trái phép. Đặc biệt khi diễn biến dịch bệnh COVID-19 đang rất phức tạp và nguy hiểm, tình trạng vượt biên trái phép này có thể dẫn đến lây lan dịch bệnh trong cộng đồng mà không thể nắm được nguồn gốc.

H. Phong

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/lien-quan-den-duong-day-dua-49-nguoi-nhap-canh-trai-phep-vao-viet-nam-khoi-to-bat-giam-them-14-doi-tuong-n191015.html