Liên quan đến các vụ bạo hành trẻ mầm non: Công tác quản lý nhà nước còn lỏng lẻo

Trong hơn một năm qua, liên tục xảy ra những vụ bạo hành trẻ độ tuổi mầm non khá thương tâm, mới đây, bảo mẫu Trần Thị Phụng (SN 1958, ngụ ở 191, tổ 14, ấp Bình Thuận 1, xã Thuận Giao, Thuận An, Bình Dương) đã bị tạm giữ hình sự do bạo hành trẻ mầm non. Trao đổi với Đại Đoàn Kết, bà Phan Lan Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non Bộ GD&ĐT cho rằng: “Vai trò quản lý nhà nước của chính quyền tại nhiều địa phương còn lỏng lẻo”.

Những vụ bạo hành trẻ em liên tiếp vừa qua không chỉ làm các bậc phụ huynh đau lòng mà còn khiến dư luận hết sức phẫn nộ Vừa qua, dư luận trong nước một lần nữa phẫn nộ trước cảnh bạo hành trẻ mầm non do bảo mẫu Trần Thị Phụng gây ra. Bà có đánh giá gì về công tác quản lý những trường mầm non chui, tự phát? Quản lý trường mầm non đã có phân cấp theo quy chế, quy định của Bộ GD&ĐT ban hành từ nhiều năm nay. Trong đó, nhiều văn bản pháp quy hướng dẫn cụ thể điều kiện mở, thành lập và giải thể các trường mầm non. Riêng quy chế về khía cạnh chuyên môn, được ban hành rất cụ thể và chặt chẽ nhằm đảm bảo tính hiệu quả, an toàn, phối hợp nhiều cơ quan, cấp ủy, chính quyền. Thực tế, ở nhiều địa phương hiện nay, vẫn tồn tại những cơ sở mầm non không phép, hoạt động chui. Đây chưa hẳn là hình thức nhóm giữ trẻ mà chỉ là điểm trông trẻ tự phát, quy mô mang tính gia đình. Người trông trẻ tự phát thường không có nghiệp vụ, không được đào tạo bài bản, không có kỹ năng sư phạm nên đã xảy ra những chuyện đáng tiếc trong thời gian qua. Chúng tôi đã trao đổi với Phòng Mầm non, Sở GD&ĐT Bình Dương và yêu cầu ngành Mầm non địa phương có báo cáo giải trình. Thông tin ban đầu nắm được là bà Trần Thị Phụng trông 2 cháu ngoại, hàng xóm gửi thêm 4 cháu nữa, trong đó, cháu bé bị bạo hành (trong video clip) đã được gửi từ 2 năm nay. Ý kiến cá nhân của bà sau khi xem đoạn video clip đó? Bản thân tôi thấy rất đau lòng. Cháu bé vốn là một đứa trẻ vô tội, không đáng bị đối xử thô bạo như thế. Về khía cạnh xã hội, vụ việc đáng lên án. Tuy nhiên, phải hiểu đây là người trông trẻ không được qua đào tạo, chưa được trang bị kỹ năng, kiến thức và nghiệp vụ; không hiểu được tâm sinh lý trẻ nhỏ. Điều đó khẳng định, người làm nghề giữ trẻ đều phải được đào tạo, bồi dưỡng phương pháp nghiệp vụ, cho dù không nhất thiết đó phải là giáo viên mầm non. Đó là “chuẩn” tối thiểu cần phải có. Trẻ em bị bạo hành đến thương tích Ảnh: T.L Theo bà, trách nhiệm chính trong những vụ bạo hành trẻ mầm non thuộc cơ quan chức năng quản lý nào? Vai trò ngành giáo dục sẽ can thiệp đến đâu đối với những trường hợp này? “Quy chế tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thục” đã được Bộ GD&ĐT ban hành vào tháng 7-2008. Quy định phân cấp quản lý nêu rõ, ngành giáo dục quản lý chuyên môn, còn chính quyền địa phương phải có trách nhiệm về mặt quản lý nhà nước, hành chính. Việc mở trường, đóng cửa trường tư thục là do chính quyền. Khi mở trường phải thông qua Phòng Mầm non quận huyện, Sở thẩm định, xét duyệt điều kiện chuyên môn. Ngành giáo dục địa phương sẽ kiểm tra định kỳ, chặt chẽ các cơ sở mầm non, kể cả tư thục. Chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm chính trong việc rà soát, nắm bắt và quản lý những điểm giữ trẻ không được cấp phép; đình chỉ hoạt động những điểm trông trẻ tự phát, không có chuyên môn. Sự việc trên cho thấy, sự rà soát, quản lý những cơ sở tự phát, không giấy phép của địa phương rất yếu, đặc biệt là tại các khu công nghiệp có nhiều công nhân có hoàn cảnh khó khăn sinh sống. Vụ Mầm non nói riêng và Bộ GD&ĐT nói chung sẽ có giải pháp gì nhằm hạn chế những tình trạng trên, thưa bà? Hàng năm, Bộ đều có văn bản gửi các Sở, UBND các tỉnh, thành phố đề nghị siết chặt quản lý đối với giáo dục mầm non. Tôi cho rằng, các cấp chính quyền địa phương cần làm tốt hơn nữa vai trò quản lý trong rà soát, xử lý và báo cáo thực trạng tự phát điểm giữ trẻ không phép. Ngoài ra, đã là người làm công tác giữ trẻ (công lập, tư thục, hay điểm giữ tạm thời) đều phải trải qua khóa đào tạo nghiệp vụ. Muốn hạn chế các vụ việc đáng tiếc xảy ra, chính quyền địa phương phải quan tâm sát sao hơn đến thế hệ trẻ mầm non. Xin cảm ơn bà! Hoàng Anh Thắng (thực hiện) Bà Trần Thị Thanh Thanh- Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em (QTE) Việt Nam: Không phải do hệ thống pháp luật hạn chế mà do các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này quá chậm và lỏng lẻo. Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á - nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước quốc tế về QTE. Cam kết quốc tế này được thể hiện qua việc ban hành Luật Bảo vệ và chăm sóc, giáo dục trẻ em. Hệ thống pháp luật quy định rõ những điều khoản để xử lý nghiêm khắc đối với các hành vi xâm hại trẻ em như: xâm phạm tính mạng, sức khỏe, xâm hại tình dục, mại dâm trẻ em; các hành vi xao nhãng, bỏ rơi, mua bán trẻ em... Thế nhưng, vẫn có những lỗ hổng pháp lý cần điều chỉnh. Qua những vụ việc trên cho thấy, nhận thức của người dân về chăm sóc trẻ em đối với Luật là rất kém. Dường như người lớn vẫn cho mình cái quyền được đánh trẻ con và coi đó là “luật” để dạy trẻ nhỏ. Bên cạnh đó vai trò quản lý nhà nước còn quá lỏng lẻo, các quy định về pháp luật đối với những cơ sở giữ trẻ vẫn chưa được các địa phương giám sát chặt chẽ. Mới đây, Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTB & XH) đã xây dựng Chương trình Hành động Quốc gia vì trẻ em năm 2011-2020. Nhìn ở góc độ bảo vệ trẻ em bà thấy chương trình này thế nào? Ý tưởng xây dựng Chương trình bắt đầu từ năm 2005, nhưng đến nay vẫn chưa xong. Điều đó cho thấy vấn đề này chưa thực sự được các cơ quan, ban, ngành quan tâm, trên thực tế việc chăm sóc, phát triển, bảo vệ và phát huy sự tham gia của trẻ em vẫn chưa được triển khai đồng bộ. Mục tiêu đặt ra trong Chương trình hành động Quốc gia đến năm 2020 sẽ có 100% trẻ em ở các tỉnh, thành phố phổ cập hệ 9 năm, 100% trẻ em ở các vùng miền núi, dân tộc trong độ tuổi đi học tiểu học và THCS, 92% hoàn thành hệ trung học và 70% trẻ em khuyết tật được hòa nhập cộng đồng. Chiến lược đặt ra là tốt, nhưng sẽ khó đạt được nếu chúng ta chưa phát huy đúng vai trò các tổ chức xã hội trong việc tham gia bảo vệ trẻ em. Bởi sự nghiệp bảo vệ trẻ em phải từ gia đình, từ cộng đồng chứ không thể dựa vào các cơ quan nhà nước, các cơ quan chức năng. Các tổ chức xã hội phải được đóng vai trò quan trọng trong phòng ngừa, làm các dịch vụ chăm sóc trẻ em. Hiện nay, các tổ chức xã hội như hội phụ nữ, thanh niên, công đoàn... đã có những đóng góp nhất định trong việc hỗ trợ cho trẻ em. Tuy nhiên mới mạnh về vật chất, hỗ trợ học bổng giúp các em khắc phục khó khăn, còn các kỹ năng bảo vệ trẻ em thì chưa có. Hầu hết các tổ chức chưa được tập huấn chuyên môn về bảo vệ trẻ em như kỹ năng phát hiện, phòng ngừa, giải quyết các nguy cơ... Đặc biệt giữa các tổ chức chưa có sự liên kết để hỗ trợ cho nhau cùng thực hiện vai trò của mình trong công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Sự chậm triển khai Chiến lược hành động Quốc gia cũng là nguyên nhân khiến công tác bảo vệ trẻ em gặp nhiều khó khăn. Khảo sát gần đây của các ban, ngành, tổ chức xã hội cho thấy, đa số trẻ em bị bạo hành đều nằm trong nhóm lao động nghèo. Phải chăng chính sách an sinh cũng như mức lương tối thiểu theo quy định quá thấp là một trong nhân tố khiến trẻ em có nguy cơ bị bạo hành cao? Theo khảo sát tại một số địa phương những trẻ em sinh từ gia đình nghèo, gia đình không có việc làm, lương thấp chiếm tỷ lệ cao trong những vụ bạo hành. Đặc biệt con em công nhân khu công nghiệp phần lớn không được thụ hưởng các chính sách an sinh như nhà trẻ, khu vui chơi, giải trí. Trước đây, các xí nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất có quyền tổ chức hệ thống xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo riêng. Nhưng sau đó, chúng ta bỏ chính sách này và nhập hết về cho ngành giáo dục quản lý. Sự quá tải về quản lý đã dẫn tới hệ lụy nhiều nhà trẻ tư nhân không phép vẫn “hồn nhiên” mở. Theo tôi, ngành quản lý giáo dục phải có những chính sách như xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo cho phù hợp với đối tượng công nhân. Bên cạnh đó, Bộ LĐTB &XH cũng cần có những điều chỉnh mức lương vùng tối thiểu cho hợp lý để con em người lao động được thụ hưởng những dịch vụ tốt nhất. Lan Hương (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=20365&menu=1364&style=1