Liên kết sắc màu du lịch

Việc đưa làng bè sắc màu ngã ba sông Châu Đốc vào khai thác du lịch (DL) là điểm nhấn mới của An Giang. Tuy nhiên, cần phải đặt sản phẩm này trong sự liên kết khai thác những nét đặc sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Chăm thì làng bè sắc màu càng thêm thú vị, hấp dẫn.

Làng bè sắc màu ngã ba sông Châu Đốc. Ảnh: N.C

Làng bè sắc màu ngã ba sông Châu Đốc là một phần trong làng bè của các hộ dân nằm trải dài khoảng 4km từ ngã ba sông Châu Đốc lên phía đầu nguồn châu thổ sông Hậu (thuộc huyện An Phú), là nơi nuôi cá nước ngọt nổi tiếng của tỉnh An Giang. Đây là địa điểm DL mới lạ, độc đáo, phát triển trong thời gian gần đây.

Điểm đặc biệt của làng bè sắc màu là những căn nhà nổi cùng các bè cá nép gần nhau, được sơn màu, tạo thành “làng” dọc sông. Với 165 lồng bè nuôi cá được phủ lên màu sắc theo thứ tự đỏ, vàng, cam, lục, lam, tím; vị trí nằm trên tuyến tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm đời sống sông nước và văn hóa cộng đồng người Chăm An Giang.

Các lồng bè là những mảng màu đan xen kết nối, tạo nên quang cảnh rực rỡ sắc màu, là điểm nhấn độc đáo tại khu vực ngã ba sông Châu Đốc. Mặt khác, khi được đầu tư đèn màu về đêm sẽ tạo nên một làng bè lung linh soi mình trong nước. Đây là địa điểm lý tưởng để du khách thưởng lãm và chụp ảnh “check-in”.

Gần làng bè đa sắc màu ngã ba sông Châu Đốc, có những điểm tham quan DL hấp dẫn với nhiều nét đặc sắc về văn hóa, con người DTTS Chăm. Có những làng Chăm đã hình thành khoảng 120 năm, với nhiều thánh đường, đặc trưng là thánh đường EHSAN và thánh đường SUNNAH (huyện An Phú), là 2 công trình kiến trúc độc đáo, được xây dựng và trùng tu rất khang trang, là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng DTTS Chăm. Nơi đây còn là điểm đến của nhiều du khách, nhất là khách nước ngoài, với khoảng 2.000 lượt du khách/tháng. Tuy nhiên, DL nơi đây chỉ phát triển tự phát, chưa có sự liên kết chặt chẽ, chưa có quy hoạch, chưa khai thác hiệu quả tương xứng tiềm năng, lợi thế sẵn có.

Với những đặc trưng và vị trí thuận lợi trong liên kết phát triển DL, các ngành chức năng cần tăng cường liên kết với các địa phương có người Chăm sinh sống để phát triển sản phẩm DL làng bè sắc màu ngã ba sông Châu Đốc trên cơ sở đa dạng hóa loại hình DL, đáp ứng thị hiếu của khách hàng với xu hướng tìm về với thiên nhiên và tìm hiểu các nét đặc trưng văn hóa các dân tộc.

Trong đó, cần nghiên cứu, xây dựng các tour, tuyến DL, tăng cường liên kết để chào đón du khách đến với làng bè sắc màu ngã ba sông Châu Đốc. Đến đây, du khách được giới thiệu, tham quan những nét văn hóa đặc sắc của người dân vùng sông nước Tây Nam Bộ, đến với các làng Chăm trên địa bàn huyện An Phú, TX. Tân Châu và các địa phương khác.

Tại làng bè sắc màu, cần thiết kế nhiều dịch vụ phong phú bên cạnh những đặc sắc của làng bè. Trong đó, người dân vừa nuôi cá tạo thu nhập, vừa phục hồi sản xuất các sản phẩm truyền thống của các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn An Giang, vừa tái hiện lại cuộc sống, văn hóa, con người vùng sông nước, vừa phục vụ nhu cầu tham quan DL của du khách…

Tại đây, hình thành sân khấu biểu diễn, giao lưu văn hóa - văn nghệ giữa du khách và người dân các dân tộc đang sinh sống tại An Giang; quy hoạch nhà hàng trên sông phục vụ du khách; dịch vụ câu cá, chài cá trải nghiệm, du khách tự chế biến sản phẩm do mình tự thu hoạch dưới sự hướng dẫn của đầu bếp chuyên nghiệp; dịch vụ gia đình du khách tự chế biến các món ăn sau khi nhà hàng đã chuẩn bị sẵn các nguyên liệu và có hướng dẫn chế biến; bán các sản phẩm quà lưu niệm được chế tác, tạo ra bởi người dân địa phương…

Đồng thời, nghiên cứu những công nghệ hiện đại, đặc biệt là công nghệ ánh sáng kết hợp với nước tạo nêu sự lung linh, huyền ảo bên cạnh không khí trong lành, thoáng mát của vùng sông nước, tạo cho du khách cảm giác thoải mái, đắm chìm, hòa quyện với thiên nhiên, cảm nhận được sự yên bình của vùng quê.

Khi du khách đã được giới thiệu những đặc sắc của làng bè sắc màu ngã ba sông Châu Đốc, điểm tiếp theo sẽ đưa du khách đến tham quan, trải nghiệm tính đặc sắc, đặc trưng văn hóa của người Chăm Islam ở An Giang mà không nơi nào có được. Để tăng tính hấp dẫn, cần khai thác các sản phẩm vật thể và phi vật thể mang đậm giá trị văn hóa dân tộc Chăm; khai thác giá trị văn hóa ẩm thực của người Chăm và phong tục ăn uống của họ; khai thác những nét độc đáo về điều kiện tự nhiên tại búng Bình Thiên.

Khi du khách đã tham quan các điểm DL trong tour DL, cần nghiên cứu hình thành các khách sạn bè nổi trên sông nhằm tạo cảm giác khác lạ, nơi nghỉ ngơi thoải mái cho du khách sau ngày tham quan trải nghiệm các dịch vụ DL của vùng.

Làng bè sắc màu ngã ba sông Châu Đốc có tiềm năng rất lớn trong phát triển DL bởi những nét đặc trưng độc đáo. Nếu thực hiện liên kết với những giá trị văn hóa đặc sắc của DTTS Chăm trong khu vực, sẽ làm cho sản phẩm DL càng trở nên hấp dẫn đối với du khách trong và người nước.

TS LÊ QUANG VINH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/lien-ket-sac-mau-du-lich-a388408.html