Lèo lái con thuyền kinh tế qua các con sóng trước mắt

Năm 2020 chứng kiến những thách thức chưa từng có đối với thương mại quốc tế và hoạt động kinh tế - xã hội toàn cầu. Thế nhưng, Việt Nam lại có một năm thành công ngoạn mục trong 'mục tiêu kép' - vừa đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân vừa phát triển kinh tế - khi là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới - trên nền của tăng trưởng âm ở hầu hết các nước lớn nhỏ. Ngoài môi trường vĩ mô ổn định và thặng dư thương mại kỷ lục (19,1 tỉ đô la Mỹ), ấn tượng nhất là Việt Nam được tạp chí The Economists xếp thứ 12 trên 66 quốc gia mới nổi về sức khỏe tài chính (tháng 5-2020) và được một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới xếp vào nhóm 16 quốc gia mới nổi thành công khi chuyển dịch lên nhóm có năng suất cao nhất thế giới (tháng 7-2020)(1).

Ở thời điểm chuẩn bị chuyển giao nhiệm kỳ và kết thúc một năm nhiều thử thách, những dự báo phục hồi và tăng trưởng cao trong năm 2021 sẽ càng có cơ sở thành công hơn nếu Việt Nam nắm bắt và kiểm soát tốt những cơn “sóng ngầm” nội tại và bên ngoài.

2020 ghi nhận nền kinh tế của “đại phong tỏa” đang mở ra và định hình nhiều hướng đi mới, cuộc chơi lớn mới

Sự xuất hiện và lan rộng của dịch Covid-19 đã đưa đến những thay đổi lớn trong diện mạo kinh tế toàn cầu. Cuộc khủng hoảng kép về sức khỏe và kinh tế đã được truyền thông nhắc đến hàng ngày, trong đó các giải pháp mạnh về phong tỏa, hạn chế di chuyển và cách ly để kiểm soát sự lây lan của virus... đã được sử dụng ở hầu hết các quốc gia. Trong khi chờ đợi người dân toàn cầu được tiêm phòng vaccin thì kinh tế thế giới sẽ vẫn tiếp tục phải đối mặt với cảnh “ngăn sông cấm chợ” trong năm 2021, do khác biệt về thời điểm kiểm soát dịch bệnh giữa các nước. Một số ngành như du lịch, dịch vụ, hàng không... còn tiếp tục bị ảnh hưởng mạnh.

Việt Nam tuy không nằm trong các nước có rủi ro nợ công cao, nhưng mô hình kinh tế mở và dựa vào xuất nhập khẩu như hiện tại cũng sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng.

Covid-19 không chỉ đưa đến khó khăn cho hoạt động kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, mà còn thách thức hội nhập và tạo ra những khác biệt, mâu thuẫn lợi ích ngày một lớn trong các liên minh kinh tế, trong bối cảnh gia tăng bất ổn chính trị, chiến tranh thương mại, chiến tranh công nghệ và cạnh tranh địa chính trị. Chỉ riêng cạnh tranh vị thế siêu cường Mỹ-Trung, Brexit, những căng thẳng chủ quyền ở châu Á - Thái Bình Dương cũng đã và đang tác động sâu rộng và đa chiều đến nền kinh tế toàn cầu. Là một nền kinh tế mở nhất nhì ở châu Á cùng với Singapore, Việt Nam nằm trực tiếp trong vòng xoáy ảnh hưởng này.

Sau năm 2020, thế giới chắc chắn sẽ không như trước. Tuy “bình thường mới” đã được xác lập ngày một rõ, công cuộc tìm kiếm trật tự thế giới, định vị kinh tế - chính trị mới trên phạm vi toàn cầu sẽ cần thời gian. Việt Nam đang có một nền tảng chiến lược và vị thế quốc tế đủ lớn để thúc đẩy một trật tự thế giới mới hòa bình - hợp tác đa phương - tôn trọng chủ quyền lẫn nhau. Điều này không chỉ cần chủ động định vị quốc gia mà còn phải tích cực tham gia hiệu quả vào các cuộc chơi lớn đang ngày một khốc liệt như hội nhập hiệu quả để không bị thua thiệt trong các hiệp định thương mại tự do, nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh toàn cầu, coi trọng phát triển thị trường nội địa để tăng năng lực “kháng cự” với sự gia tăng các cú sốc bất ổn trên thế giới, và thu hẹp khoảng cách, tiến tới tiên phong trong chuyển đổi số, ứng dụng và sáng tạo công nghệ số - công nghệ nền tảng (dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa...).

Các “cuộc chơi lớn” rất cần Việt Nam “vững tay lái” trước năm làn sóng ngầm thách thức con đường vươn tầm phía trước

Cải thiện năng suất: tăng năng suất là chìa khóa của tăng trưởng và năng lực cạnh tranh trong dài hạn. Theo báo cáo “Năng suất toàn cầu: Xu thế, Động lực và Chính sách” của Ngân hàng Thế giới thì xu thế giảm năng suất xuất hiện từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009. Nguyên nhân là nhiều động lực tăng trưởng năng suất suy giảm (già hóa dân số, sụt giảm thương mại quốc tế, dịch chuyển cấu trúc lao động giữa các khu vực kinh tế chậm chạp, giáo dục chưa theo kịp các xu thế mới...) và tác động tiêu cực từ các cú sốc về bất ổn chính trị, dịch bệnh, thiên tai, khủng hoảng.

Để tăng năng suất, các hành động chính sách phải tập trung vào nâng cao chất lượng hệ thống quản trị, chất lượng máy móc thiết bị và công nghệ, và chất lượng nguồn lực con người. Đột phá về năng suất phụ thuộc vào đầu tư nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo, giáo dục - đào tạo, và các cơ chế khuyến khích hiệu suất như lương, thưởng, đãi ngộ, áp dụng phương pháp quản lý điều hành hiện đại.

Quản trị ở đây có thể bao hàm cả quản trị nhà nước, và quản trị của các doanh nghiệp. Một doanh nghiệp có khả năng quản trị tốt các nguồn lực có thể đạt được hiệu quả tối ưu, với chi phí thấp nhất. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng có thể đưa ra khung quản trị hiệu suất và có chính sách giảm thuế cho doanh nghiệp được chứng nhận mức độ quản trị hiệu quả (đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhà nước).

Áp lực từ xu thế số hóa và tiến bộ trong khoa học công nghệ đang khiến việc làm giảm mạnh trong nhiều ngành sản xuất truyền thống. Việc làm thay thế cho nhóm dân số trẻ của nhiều nước đang phát triển như Việt Nam cũng hạn chế.

Do đó, Chính phủ có vai trò lớn trong phát triển chất lượng nguồn nhân lực và kiến tạo một thị trường lao động linh hoạt dựa trên việc xác lập các lĩnh vực kinh tế cạnh tranh, để từ đó tạo ra việc làm bền vững và định hướng chính xác các chương trình đào tạo và dạy nghề phù hợp. Công việc này cũng cần thực hiện đồng thời với cải thiện môi trường sinh sống - làm việc và tiền lương cho người lao động.

Thúc đẩy phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ: các căng thẳng thương mại quốc tế hiện nay là phần nổi của “tảng băng chìm” cạnh tranh công nghệ. Thị trường nội địa bão hòa nên các công ty công nghệ Trung Quốc rất khao khát mở rộng các thị trường bên ngoài để tái định hình nền tảng công nghệ toàn cầu, trong khi các nước có lợi thế công nghệ ở châu Âu và Mỹ buộc phải tập trung đầu tư vào các lĩnh vực mũi nhọn và tạo ra các xu hướng mới nhằm giữ lợi thế độc quyền.

Nếu không nhanh chóng tự chủ được các nền tảng công nghệ số, không tự phát triển được công nghệ lõi của riêng mình, Việt Nam rất dễ trở thành một sân chơi đầy màu sắc của các tập đoàn công nghệ đa quốc gia. Cuộc chiến giữa taxi truyền thống, Uber và Grab tại thị trường Việt Nam trong vài năm trở lại đây là một ví dụ.

Vì vậy, thiết lập một sân chơi công bằng và minh bạch, tạo điều kiện cho doanh nghiệp công nghệ Make in Vietnam phát triển, tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, đầu tư trọng điểm vào một số ít các ngành khoa học cơ bản có tính ứng dụng cao, đồng thời hội nhập tích cực vào dòng chảy tri thức và công nghệ mở toàn cầu chính là chìa khóa để Việt Nam từng bước từ nước đi sau vươn lên trở thành một quốc gia trong nhóm dẫn đầu.

Xây dựng tính bền vững cho các tỉnh thành như nền tảng tăng cường “khả năng chống chịu” cho nền kinh tế: các đợt thiên tai, bão lũ liên tiếp trong năm 2020 cho thấy một mô hình phát triển bền vững cụ thể ở mỗi địa phương là một ưu tiên hàng đầu. Việt Nam nằm trong nhóm năm quốc gia có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu và tác động tiêu cực sẽ không loại trừ địa phương nào.

Những đặc tính quan trọng nhất của một thành phố bền vững là tính tự cường cao, tính tuần hoàn và có khả năng chống chịu với các cú sốc thiên nhiên. Báo cáo quốc gia đa chiều Việt Nam của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) tháng 12-2020 đã đưa ra những khía cạnh quan trọng nhất cần chú ý như khả năng tiếp cận giáo dục, độ bao phủ và tập trung của hệ thống bảo trợ xã hội, hệ thống lương hưu và chăm sóc sức khỏe; và hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên, giảm thiểu ô nhiễm và lượng khí thải ra môi trường, sự chủ động trong dự báo và kiểm soát các tác động từ thiên nhiên.

Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt: các hiệp định thương mại tự do đưa đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt, như thu hút đầu tư, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm - dịch vụ, và cơ cấu lại mạng lưới sản xuất, đa dạng hóa nguồn nguyên liệu. Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt cơ bản còn hạn chế, đa số doanh nghiệp mới chỉ tham gia vào những công đoạn tạo ra ít giá trị gia tăng, và phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu từ các nguồn không thuộc phạm vi của các hiệp định thương mại. Thủ tục hành chính phức tạp hơn để chứng nhận nguồn gốc cũng đưa đến tăng chi phí.

Ở chiều ngược lại, khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ, áp lực cạnh tranh từ các sản phẩm bên ngoài đối với các doanh nghiệp Việt sẽ gia tăng mạnh. Với kinh nghiệm quản lý, chất lượng vượt trội, các doanh nghiệp nước ngoài có lợi thế trong các ngành quan trọng như logistics, cảng biển, dịch vụ tài chính, chế biến chế tạo, và phân phối.

Bên cạnh một chương trình quốc gia đủ tầm về nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt, một phần lớn lời giải đáp cho con sóng ngầm này nằm ở khả năng cải thiện năng suất và ứng dụng liên tục khoa học công nghệ trong quản lý, sản xuất kinh doanh.

Đảm bảo tính bền vững của tài chính công: Covid-19 buộc các quốc gia phải sử dụng tối đa không gian của chính sách tiền tệ và tài khóa để hỗ trợ và duy trì nền kinh tế. Cùng với nó là xu thế gia tăng nhanh của nợ công và áp lực cho việc tìm kiếm nguồn lực đầu tư cho tăng trưởng.

Các tính toán của Quỹ Tiền tệ quốc tế dự báo tỷ lệ nợ trung bình năm 2021 sẽ tăng lên 20% GDP ở các nền kinh tế phát triển, 10% GDP ở các nền kinh tế mới nổi và khoảng 7% ở các nước có thu nhập thấp. Khi tăng trưởng cao quay trở lại thì áp lực nợ công sẽ giảm đi, nhưng những thách thức về cấu trúc, nội tại của các nền kinh tế nhiều khả năng sẽ kìm hãm tốc độ phục hồi, từ đó đưa đến nguy cơ khủng hoảng nợ công hệ thống. Việt Nam tuy không nằm trong các nước có rủi ro nợ công cao, nhưng mô hình kinh tế mở và dựa vào xuất nhập khẩu như hiện tại cũng sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng. Điều đó đặt việc phát triển thị trường nội địa và đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu vào vị trí trung tâm trong những năm tới đây để tránh bẫy nợ công.

(*)Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng

Phó giám đốc phụ trách nghiên cứu, trường Kinh doanh IPAG, Paris

Chủ tịch Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global)

(1) Dieppe, A., Celik, S. K., & Kindberg-Hanlon, G. (2020). Global Productivity: Trends, Drivers, and Policies, Washington: The World Bank. https://www.worldbank.org/en/research/publication/global-productivity

GS.TS. Nguyễn Đức Khương (*)

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/td/313058/leo-lai-con-thuyen-kinh-te-qua-cac-con-song-truoc-mat.html