Lệnh cấm múa lân kéo dài ba thập kỷ tại Indonesia

Sau hơn 30 năm bị cấm hoạt động, môn nghệ thuật truyền thống dần được khôi phục ở Indonesia, chủ yếu nhờ người địa phương.

Bên trong nhà máy bị bỏ hoang từ lâu nằm cách thủ đô Jakarta (Indonesia) 50 km, các thành viên của đoàn múa lân sư rồng Rồng Đỏ và Trắng đang tập luyện theo nhịp trống mạnh mẽ và tiếng chũm chọe náo nhiệt.

Họ muốn hoàn thiện các điệu nhảy chuẩn bị cho những buổi biểu diễn sắp tới nhân dịp Tết Nguyên đán.

Lệnh cấm nhiều thập kỷ

Múa lân sư rồng, hay còn được biết đến nhiều hơn với tên Barongsai, là một truyền thống Trung Quốc rất phổ biến ở Indonesia, có khả năng thu hút người xem ở mọi tầng lớp xã hội và sắc tộc.

Phần lớn nghệ sĩ biểu diễn ở Indonesia không phải người Trung Quốc. Chẳng hạn, đoàn Rồng Đỏ và Trắng chỉ có 2 thành viên gốc Hoa trên tổng số 40 thành viên.

Januar là một trong hai thành viên gốc Hoa duy nhất trong đoàn múa lân 40 người.

“Tất cả chúng tôi rất hợp nhau và đoàn kết, gắn bó. Chúng tôi giống như anh em”, Januar (29 tuổi), một thành viên người Hoa của đoàn nghệ thuật, nói với Channel News Asia. Việc là một người gốc Hoa giúp anh đánh giá cao và hiểu biết sâu sắc hơn về môn nghệ thuật hàng trăm năm tuổi.

Từ những năm 1960, tất cả hoạt động liên quan đến Trung Quốc, bao gồm múa lân sư rồng, bị cấm dưới thời tổng thống Indonesia Suharto.

Arifin Himawan, Phó tổng thư ký Liên đoàn Múa lân Indonesia (FOBI), cho biết gần như tất cả đoàn lân sư rồng đã bị giải tán. Số còn lại chỉ có thể tập luyện bí mật và biểu diễn với ít người xem hơn.

Đội múa Rồng Đỏ và Trắng tập luyện tại một nhà máy bỏ hoang ở Bogor (Indonesia).

Sau khi ông Suharto từ chức vào năm 1998, tổng thống kế nhiệm Abdurrahman Wahid đã dỡ bỏ lệnh cấm sau hơn 30 năm. Chính quyền cho phép biểu diễn múa lân sư rồng kể từ dịp Tết Nguyên đán năm 2000.

“Đột nhiên, những câu lạc bộ múa lân mọc lên khắp nơi. Họ trình diễn ở khắp mọi nơi, tại trung tâm thương mại, đám cưới và thậm chí cả sinh nhật. Mọi người đều muốn chiêm ngưỡng một màn biểu diễn đẹp mắt”, Himawan nhớ lại.

Tuy nhiên, hồi sinh môn nghệ thuật sau nhiều thập kỷ không phải điều dễ dàng. Gần như không có ai ở Indonesia vẫn còn tập luyện vào thời đó, và những chiếc đầu lân cũng rất khó kiếm.

“Chúng tôi đã phải học các động tác qua đĩa VCD. Những câu lạc bộ có nhà tài trợ mới đủ điều kiện mời người dạy từ nước ngoài”, phó tổng thư ký liên đoàn chia sẻ.

Huấn luyện viên múa sư tử Adi (đứng bên trái) hướng dẫn các học trò trong buổi tập múa rồng.

Adi, giáo viên dạy múa lân sư rồng, một trong những người Indonesia gốc Hoa đầu tiên tham gia đoàn múa vào đầu thế kỷ 21, cho biết câu lạc bộ của ông phải tìm kiếm khắp nơi mới mua được một chiếc đầu sư tử cũ.

Đầu sư tử truyền thống thường rất lớn, được làm bằng khung tre nên nặng và khó sử dụng. Do trọng lượng của đạo cụ và tình trạng thiếu giáo viên, nhiều người trong đoàn của ông chỉ có thể thực hiện những động tác đơn giản.

Ít người gốc Hoa theo đuổi múa lân

Thời điểm đó, nhiều người Trung Quốc rất hào hứng tham gia đoàn nghệ thuật. Nhưng dần dần, họ giảm dần sự hứng thú.

“Bây giờ thật khó để thuyết phục mọi người tham gia. Mỗi năm, chúng tôi tuyển được rất ít người mới. Hầu hết tân binh cũng không phải người gốc Hoa”, ông Adi nói.

Đội múa Rồng Đỏ và Trắng biểu diễn ở một trung tâm thương mại tại Bogor (Indonesia).

Guntur Santoso, một trong những người đồng sáng lập Rồng Đỏ và Trắng, ước tính 80-90% thành viên đoàn múa lân sư rồng ở Indonesia không phải là người gốc Hoa.

Tuy nhiên, thực trạng này không đồng nghĩa sẽ ảnh hưởng xấu tới môn múa lân sư rồng.

Firman (27 tuổi) cho biết anh bắt đầu luyện tập và biểu diễn múa lân sư rồng từ năm 10 tuổi.

“Tôi thích môn nghệ thuật này vì nó đem lại niềm vui. Nó hàm chứa những yếu tố liên quan đến thể thao, biểu diễn và nghệ thuật mà tôi yêu thích. Nhưng trên hết, tôi thích tình bạn thân thiết giữa những thành viên trong đoàn. Chúng tôi tựa như anh em trong nhà”, anh nói.

Arifin Himawan, Phó tổng thư ký FOBI, hy vọng nhiều người gốc Hoa có thể tham gia phát triển môn múa lân sư rồng.

Tuy nhiên, ông Himawan đang kêu gọi cộng đồng người Hoa ở Indonesia chú ý hơn đến loại hình nghệ thuật này. Người Hoa có thể tham gia với tư cách nghệ sĩ trình diễn, nhà tài trợ hoặc cung cấp không gian tập luyện, hay thuê đoàn múa biểu diễn.

“Chúng tôi vẫn cần sự hỗ trợ từ cộng đồng người Hoa bởi đây là di sản của họ. Cộng đồng người Hoa cần có ý thức sở hữu, cũng như hỗ trợ các câu lạc bộ và nghệ sĩ múa lân sư rộng trong khu vực để họ có thể đạt nhiều thành tích hơn nữa”, ông nói.

Ánh Dương

Ảnh: Channel News Asia

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/lenh-cam-mua-lan-keo-dai-ba-thap-ky-tai-indonesia-post1395916.html