Lên núi làm giàu

Ở cái tuổi lục tuần sau khi nghỉ hưu, ai cũng bảo ông ở nhà nghỉ ngơi vui vầy với con cháu lúc cuối đời. Nhưng ông không nghĩ vậy. Ông rời bỏ thủ đô phồn hoa mang giống bưởi đặc sản nơi ông sinh ra để lên vùng đất đá Hòa Bình gây dựng cơ nghiệp và cũng để lưu tồn giống bưởi quý quê mình. Sau hơn chục năm ông đã làm được như vậy.

Trang trại bưởi của ông Chiểu đã nổi tiếng trên miền đất Lương Sơn.

Chúng tôi tìm đến ông Nguyễn Viết Chiểu ở xóm Ngái, xã Cao Dương, huyện Lương Sơn. Đưa đi tham quan hết mảnh vườn 4ha với hơn 1000 cây bưởi xanh mướt hàng lối thẳng tắp, ông hái cho chúng tôi một vài quả bưởi đầu mùa.

Lưỡi dao đưa đến đâu là hương bưởi tỏa ra đến đó. Vỏ bưởi mỏng tựa như vỏ cam. Chẳng thế mà ông phải lựa kĩ lắm, mới không cắt vào cùi. Ông Chiểu bảo, giống bưởi của tôi, khách ăn ai cũng cảm nhận được vị ngọt, thơm. Với một người bình thường có thể ăn đến 2-3 quả.

Năm 2001, ông đã mạnh dạn bỏ ra hơn 200 triệu đồng mua 4ha đất ở xóm Om Ngái để trồng bưởi Diễn. Quyết định rời thủ đô lên Hòa Bình mang theo giống bưởi quý của ông bị vợ cho là “dở hơi”, các con không ủng hộ ông, bởi lẽ với số tiền đó, ông có thể mua được cả một cơ ngơi rộng lớn ở đất Diễn.

Ông chỉ nghĩ, đất Diễn bị đô thị hóa ông muốn tìm một nơi để lưu lại cái giống bưởi này. Mặc sự phản đối, ông vẫn ôm tiền lên núi trồng bưởi. Khi đó ông đã bước sang đến tuổi lục tuần.

Một mình, không người thân thích mấy năm trời ông cặm cụi cải tạo đất trồng bưởi làm hàng rào, dựng lều. Thế rồi, mồ hôi công sức, ước mơ của ông đã trở thành hiện thực.

Vườn bưởi Diễn ra hoa, kết trái. Ngày đầu hái thử trái bưởi, ông rưng rưng nước mắt. Ông không ngờ được chất lượng bưởi không kém gì nơi đất Diễn quê ông. Nhưng ở đây có vị ngọt thơm của đất rừng.

Ông kể: Tôi đã khóc, mồ hôi công sức và cả quyết tâm của tôi đã nuôi trái bưởi. Thế là công sức của mình đổ ra không uổng.

Sau hơn chục năm vật lộn với cây, với đất, giờ đây ông Chiểu mới được hưởng cái ung dung của người làm trang trại. Hơn 1000 cây bưởi đã ra hoa, kết trái, mỗi năm mang lại cho ông cuộc sống đầy đủ lúc cuối đời.

Năm vừa rồi, có cây bưởi cho 400 quả, cây ít cũng gần 200 quả, giá bán bưởi 35.000đ/quả. Như vậy, có cây bưởi mang lại cho ông hàng chục triệu đồng. Tư thương ở khắp nơi về ăn thử bưởi của ông rồi đặt hàng. So với việc trồng bưởi Diễn ở đất Diễn, trồng bưởi ở Cao Dương năng suất cao gấp 3 lần.

Ông Chiểu còn kể, cách đây 5 năm, khi mang bưởi về quê ông cũng là đất Diễn để mời các cụ cao niên nếm thử. Lúc đầu ai cũng bảo: Anh có chăm sóc kiểu gì cũng không thể ngon hơn bưởi quê được.

Nhưng trước tấm thịnh tình của người con đất Diễn các cụ đã nếm thử và ai cũng tấm tắc khen ngon không kém gì đất Diễn nhưng vị ngọt của nó đậm hơn so với Diễn.

Dự kiến năm nay, ông sẽ đưa một số lô hàng xuất sang Nhật Bản. Đây là điều ông mong muốn nhất, vì khi trái cây xuất khẩu được, giá trị của nó sẽ lên cao gấp đôi so với việc bán ở trong nước. Ông cũng mong muốn nhiều bà con ở đây cùng trồng bưởi để trở thành vùng hàng hóa xuất khẩu xóa được nghèo.

Hà Giang

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/cong-tac-mat-tran/len-nui-lam-giau/129145