'Lên đời' cho khoai lang, dứa bằng công nghệ Nhật Bản

Khoai lang, dứa lúa gạo... và nhiều nông sản Việt Nam khác có cơ hội tăng sản lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường Nhật Bản.

Phía Nhật Bản sẽ tạo điều kiện để hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực cho sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, thậm chí trực tiếp đưa nông dân Việt Nam sang Nhật Bản để học tập kinh nghiệm thực tế. Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Kinh doanh nông nghiệp tại Việt Nam – Định hướng tương lai gần” do T.Ư Hội Nông dân Việt Nam và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức cuối tuần qua tại TP.HCM.

Khoai lang, dứa Việt hợp khẩu vị người Nhật

Đóng gói khoai giang giống Nhật tại một doanh nghiệp ở Lâm Đồng để xuất khẩu sang Nhật Bản. Ảnh: VĂN VIỆT

Tìm đối tác bảo hiểm nông nghiệp
Tham dự hội thảo, ông Nguyễn Thanh Hùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng, địa phương này đang mong muốn tìm kiếm các doanh nghiệp tham gia chương trình bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm các sản phẩm như lúa gạo, thủy sản, cây ăn trái… Đây là những nông sản chủ lực của Đồng Tháp, tuy nhiên, trước những tác động của biến đổi khí hậu, sản xuất ngày càng khó khăn, nông dân do đó cần được bảo hiểm để an tâm sản xuất.

Ông Sakurai Yoshimitsu – Trưởng bộ phận kinh doanh quốc tế, Công ty Salad Bowl (Nhật Bản) cho rằng, Nhật Bản là đất nước có khí hậu khắc nghiệt, mùa đông kéo dài và rất khó canh tác. Do đó, mỗi năm, Nhật Bản chỉ thu hoạch được một vụ lúa, một vụ khoai lang.

Ngược lại, Việt Nam có khí hậu thuận lợi cho canh tác nông nghiệp. Mỗi năm, Việt Nam có thể thu hoạch 2 – 2,5 vụ khoai lang. Ngoài ra, khoai lang ở Việt Nam có thể tăng gấp đôi sản lượng, chất lượng nếu áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, phương pháp canh tác của Nhật Bản. “Chúng tôi mong muốn sẽ tạo ra những sản phẩm “made by Japan” ở Việt Nam, tức là những sản phẩm nông sản làm theo công nghệ Nhật” - ông Sakurai chia sẻ tại hội thảo.

Ông Matshuyama Yasuo – Tổng Phụ trách Việt Nam, kiêm Tổng Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Ngân hàng Tokyo – Mitsubishi UFJ cũng cho rằng, so với trái dứa của Thái Lan, dứa Việt Nam có vị ngon đặc trưng, rất hấp dẫn đối với người tiêu dùng Nhật Bản. Tuy nhiên, chi phí giá thành của dứa Việt Nam quá cao. Nguyên nhân do chi phí đầu vào lớn và tổn thất sau thu hoạch ở mức cao. Nếu khắc phục được những điểm yếu này, dứa Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội hơn.

Ông Lều Vũ Điều – Phó Chủ tịch thường trực T.Ư Hội Nông dân Việt Nam nhận định, trình độ canh tác còn hạn chế là điểm yếu của nông nghiệp Việt Nam. Hơn nữa, phải xem nông nghiệp là một lĩnh vực kinh doanh.

Qua Nhật học làm nông

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá nền nông nghiệp Việt Nam đầy tiềm năng và sức hút rất lớn với các doanh nghiệp Nhật. Tuy nhiên, để nông nghiệp ở Việt Nam trở thành một ngành kinh doanh thu hút, biến nông nghiệp Việt Nam thành ngành công nghiệp thứ 6, rất cần có sự đầu tư trong đào tạo phát triển nhân lực.

Theo ông Sakurai Yoshimitsu, Việt Nam có dân số trẻ và đang phát triển là điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, trình độ canh tác chưa cao, trong khi Nhật Bản tuy có dân số già nhưng kỹ thuật lại rất phát triển. Vì vậy, ông rất mong muốn được đào tạo nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp của Việt Nam.

Ông Mayanagi Masatsugu-Thư ký Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp thị trấn Koshimizu chia sẻ, ở Nhật Bản, Luật HTX yêu cầu tất cả các tổ chức sản xuất, kinh doanh nông nghiệp phải có nguồn vốn dành cho đào tạo nguồn nhân lực. Nhân sự cũng là yếu tố đầu tiên các HTX Nhật Bản quan tâm khi tham gia vào sản xuất nông nghiệp. Theo vị này, phía Nhật Bản sẽ tăng cường hợp tác với Việt Nam, tổ chức các khóa đào tạo, huấn luyện để chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân Việt Nam. Thậm chí, Nhật Bản sẵn sàng đưa đoàn nông dân Việt Nam sang Nhật để học tập kinh nghiệm từ thực tế.

Ông Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng thông tin, Lâm Đồng là địa phương phối hợp khá tốt với Nhật Bản trong việc hợp tác phát triển nông nghiệp. Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước tìm hiểu thông tin cũng như các hỗ trợ pháp lý, Lâm Đồng tổ chức “Japan Desk” (Tổ Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Nhật Bản). Nhờ đó, đã có nhiều dự án hợp tác giữa doanh nghiệp, nông dân hai nước được triển khai tại Lâm Đồng.

Ông Ejima Shinya – Phó Chủ tịch JICA cũng khẳng định, thời gian tới, JICA sẽ tiếp tục liên kết với Việt Nam trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, trong đó bao gồm cả vấn đề đào tạo nhân lực, đẩy mạnh hợp tác giữa hai nước Nhật – Việt thông qua việc chuyển giao công nghệ cao trong nông nghiệp.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/len-doi-cho-khoai-lang-dua-bang-cong-nghe-nhat-ban-724756.html