Lễ Vu Lan - Rằm tháng Bảy: Làm những điều thiết thực

Hôm nay, 17-8 (Rằm tháng Bảy năm Bính Thân) - ngày lễ Vu Lan báo hiếu, ngày xá tội vong nhân, nhiều gia đình sắp cỗ cúng gia tiên hay lên chùa tham gia các khóa lễ tri ân với cha mẹ. Phong tục truyền thống kết hợp với tín ngưỡng lưu truyền lâu đời này thể hiện tấm lòng nhân ái, từ bi của đạo Phật, mỗi người hãy làm những điều ý nghĩa báo hiếu cha mẹ.

Đã giảm những lễ lạt rườm rà

Cũng như mọi năm, việc cúng Rằm tháng Bảy năm nay diễn ra từ đầu tháng. Ngày 5 tháng Bảy (11-8), chùa Liên Phái (Hai Bà Trưng) tổ chức đại lễ Vu Lan, thu hút hàng nghìn người tham gia. Thể hiện lòng hiếu kính với đấng sinh thành, người dân khắp mọi miền đã đến chùa Quán Sứ (Hoàn Kiếm) làm lễ tạ pháp, tụng kinh Vu Lan và hành đạo từ ngày 8 đến 14 tháng Bảy.

Ngày 16/8 hàng trăm người dân làm lễ tại tổ đình Phúc Khánh Ảnh: Khánh Huy

Bà Phạm Minh Ánh (65 tuổi), đến từ phường Đông Kinh, TP Lạng Sơn (Lạng Sơn) cho biết: “Về chùa Quán Sứ nghe các sư thầy giảng pháp, giảng kinh và nói về công dưỡng dục, sinh thành của cha mẹ, tôi xúc động vô cùng và tôi tự nhủ phải sống thật tốt để làm gương cho con cháu”. Tại chùa Trấn Quốc (Tây Hồ), Phúc Khánh (Đống Đa), chùa Ngòi (Hà Đông), Tăng Phúc (Long Biên)…, hàng nghìn tăng ni, phật tử với lòng thiện, tâm thành cùng nhà chùa lập đàn cầu siêu, nghe kinh, thụ đạo.

Cùng với đó, từ đầu tháng Bảy đến nay, nhiều gia đình sắp mâm cơm tươm tất cúng gia tiên, thể hiện lòng hiếu kính, biết ơn ông bà, cha mẹ; đồng thời sắm cỗ chay, vàng mã đủ loại cúng vong hồn còn lang thang được siêu thoát. Việc làm này ở góc độ nào đó mang tính nhân văn, nhưng ở góc độ khác, những mâm lễ cao, chất đầy vàng mã, cúng lễ nhiều ngày gây ra sự lãng phí, tốn kém không cần thiết.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànôịmới, “đồ dùng” cho người cõi âm năm nay khá đa dạng, từ tiền, vàng, điện thoại, quần áo, cho đến biệt thự, ô tô, máy bay thiết kế tinh xảo, đầy đủ tiện nghi bên trong. Tại những khu vực bán nhiều đồ hàng mã như phố Hàng Mã, Lương Văn Can, chợ Hàng Da (Hoàn Kiếm), các quầy hàng trước chùa Phúc Khánh (Đống Đa), Bia Bà (Hà Đông)…, bộ đồ mã “bình dân” gồm tiền, vàng, quần áo… có giá 20-80 nghìn đồng/bộ, bán chạy nhất; bộ đồ mã hiện đại có giá 150-250 nghìn đồng/bộ, ít người mua hơn. Đồ mã thiết kế tinh xảo, kích thước lớn chủ yếu làm theo đơn đặt hàng, người mua không nhiều. So với ngày thường, giá bán đồ mã chỉ cao hơn khoảng 10% và không xảy ra tình trạng “cháy” hàng. Thực tế đó cho thấy số đông người dân Hà Nội đã nhận thức rõ hơn việc đốt nhiều đồ mã là lãng phí, tốn kém nên đã hạn chế dùng tiền thật mua đồ giả để hóa thành tro. “Phong trào” phóng sinh vốn phổ biến trong những năm trước, năm nay cũng giảm hẳn.

Cốt ở lòng thiện, tâm thành

Theo Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự TƯ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trụ trì chùa Liên Phái: “Việc làm thiết thực nhất dịp lễ Vu Lan là tưởng nhớ đến ông bà, cha mẹ cho dù ông bà, cha mẹ còn hiện tiền hay đã quá vãng. Bởi, tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật. Nếu ông bà, cha mẹ còn hiện tiền, hằng ngày chúng ta phải chăm sóc cho ông bà, cha mẹ cả về vật chất lẫn tinh thần. Nếu ông bà, cha mẹ đã quá vãng, chúng ta nên làm việc thiện, tu học để hồi hướng công đức đó cho ông bà, cha mẹ, cầu cho họ được sinh về cõi lành”.

Về tục đốt mã, nhiều lần Giáo hội Phật giáo Việt Nam khuyên tăng ni, phật tử không nên dâng cúng, đốt vàng mã trong ngày Rằm tháng Bảy nói riêng, các ngày lễ nói chung. Phật giáo luôn quan niệm, “cứu một người phúc đẳng hà sa”, số tiền mua đồ mã dùng để cứu người, hỗ trợ người nghèo có nếp nhà tình nghĩa, phát triển kinh tế sẽ có ý nghĩa hơn nhiều. Ngoài ra, trong cùng một thời gian, hàng triệu gia đình mua và đốt vàng mã sẽ ảnh hưởng xấu tới môi trường, lãng phí tài sản xã hội.

Trên thực tế, nhiều chùa tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác trong cả nước đều yêu cầu tăng ni, phật tử không dâng cúng, không hóa mã trong chùa. Nhiều gia đình hiểu rõ ý nghĩa của việc làm này đã không mua, dâng cúng đồ mã vào tất cả các ngày lễ, Tết. Chị Trần Nguyệt Thu, trú tại chung cư CT1, Ngô Thì Nhậm (Hà Đông) cho biết: “Đến chùa Ngòi, nghe các nhà sư khuyên không nên đốt mã, gia đình tôi không dâng cúng đồ mã đã mấy năm nay”.

Như vậy, việc làm ý nghĩa hơn, thiết thực hơn trong ngày lễ Vu Lan - Rằm tháng Bảy là tích đức, tu thân, làm việc thiện, thành kính tưởng nhớ tổ tiên, chăm sóc cha mẹ chu đáo, không nên cúng lễ rườm rà, gây lãng phí.

Thu Hiền

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Van-hoa/844840/le-vu-lan---ram-thang-bay-lam-nhung-dieu-thiet-thuc