Lễ tưởng niệm nhân 60 năm ngày mất đồng chí Nguyễn Chánh

Sáng 23-9, tại Hà Nội, Tỉnh ủy Quảng Ngãi, Viện Khoa học lịch sử Việt Nam và gia đình phối hợp tổ chức lễ tưởng niệm nhân 60 năm ngày mất đồng chí Nguyễn Chánh (24-9-1957/ 24-9-2017).

Nhà cách mạng Nguyễn Chánh (1914-1957) sinh trưởng trong một gia đình trung nông tại đội 6, thôn Thọ Lộc, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Ông bắt đầu các hoạt động cách mạng khi còn rất trẻ. Từ năm 1929 ông đã tham gia Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Năm 1931 ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ năm 1935-1939, ông là Tỉnh ủy viên Quảng Ngãi, rồi sau đó là Bí thư liên tỉnh Nghĩa-Bình-Phú. Ông bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam và đưa đi đày nhiều lần. Đầu năm 1945, sau khi được trả tự do ông đã được bầu vào Tỉnh ủy Quảng Ngãi.

Tháng 3-1945, ông được Tỉnh ủy Quảng Ngãi phân công lãnh đạo đội du kích Ba Tơ non trẻ. Tại thời điểm đó, ông đã có một chủ trương rất táo bạo là không để "đội du kích luẩn quẩn trên vùng rừng núi, mà đưa quân về đồng bằng, dựa vào phong trào quần chúng cách mạng để xây dựng và chiến đấu, đồng thời phát triển dân quân tự vệ và tham gia phát động phong trào cách mạng của quần chúng". Chính nhờ vào đường lối này mà lực lượng của Đội du kích Ba Tơ đã lớn mạnh một cách nhanh chóng trở thành lực lượng vũ trang nòng cốt của mặt trận Việt Minh tại tỉnh Quảng Ngãi.

Ngày 14-8-1945, ông đã lãnh đạo đội du kích Ba Tơ, lúc đó bao gồm hàng vạn dân quân tự vệ và quần chúng cách mạng, tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật. Quảng Ngãi trở thành một trong những địa phương giành được chính quyền sớm nhất trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Cuốn sách “Điều còn mãi”.

Cuộc đời binh nghiệp của đồng chí Nguyễn Chánh gắn liền với mặt trận Liên khu 5, một chiến trường khó khăn về kinh tế, bị quân đội Pháp bao vây tứ bề, cách xa Trung ương, nhưng lại có vị trí chiến lược rất quan trọng. Dưới sự lãnh đạo quân sự của ông, quân và dân Khu 5 đã giành nhiều thắng lợi quan trọng. Trong đó, ông đã chỉ huy chiến dịch Tây Nguyên giải phóng Kon Tum, đánh thắng trận An Khê, phá tan cuộc hành binh Atlante của tướng Henri Navarre. Chiến thắng này góp phần chia lửa cùng chiến trường Điện Biên Phủ ở Việt Bắc, cùng cả nước đi đến thắng lợi, buộc Pháp phải đầu hàng và rút khỏi Việt Nam. Sau năm 1954, đồng chí Nguyễn Chánh được bổ nhiệm làm Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ nhiệm Tổng cục Cán bộ thuộc Bộ Quốc phòng cho tới ngày mất.

Đồng chí Nguyễn Chánh đột ngột từ trần khi mới 43 tuổi - cái tuổi tài năng đang độ phát triển. “Cuộc đời của một con người mới 43 tuổi để lại sự nghiệp như vậy, có thể nói là một cuộc đời thật đẹp: Cuộc đời của một người cộng sản kiên cường, một cán bộ lãnh đạo xuất sắc. Anh Chánh mất sớm là một tổn thất lớn của Đảng và của Quân tội ta, tôi mất đi một người bạn chí thiết...”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có lời điếu đầy trân trọng dành cho đồng chí Nguyễn Chánh sau khi ông mất.

60 năm đã qua sau ngày đồng chí Nguyễn Chánh đột ngột từ trần, con người và sự nghiệp của ông đến nay vẫn được hậu thế nhắc nhớ. Tại buổi lễ tưởng niệm, gia đình ông đồng thời giới thiệu cuốn sách “Điều còn mãi” do Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành tháng 9-2017, là tập hợp những bài viết, hình ảnh về ông và cả những sáng tác thơ của chính ông. Đây như một nén tâm nhang gửi tới người đã khuất và món quà dành tặng hậu thế, những điều đã biết hoặc chưa biết về một nhà cách mạng như Nguyễn Chánh...

Tin, ảnh: BÍCH TRANG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/le-tuong-niem-nhan-60-nam-ngay-mat-dong-chi-nguyen-chanh-518604