Lê Quý Đôn - những ngả đường dẫn đến tài năng!

Tài năng nào cũng cần có năng khiếu. Lê Quý Đôn nổi tiếng thần đồng, có trí nhớ lạ lùng, người đời nhận xét là 'thông minh lạ thường, sách vở gì đã xem một lần là không quên'.

Cho đến nay các kết luận khoa học về Lê Quý Đôn (1726-1784) hầu như đã ổn định, thống nhất, là một nhà “bách khoa thư”, “một tập đại thành”, một “nhà bác học lỗi lạc” với các tác phẩm lớn, về sách văn học có: “Toàn Việt thi lục”, “Quế Đường thi tập”; về sử học có: “Đại Việt thông sử”, “Phủ biên tạp lục”, “Kiến văn tiểu lục”, “Bắc sử thông lục”; về triết học có: “Thư kinh diễn nghĩa”, “Dịch kinh phu thuyết”, “Quần thư khảo biện”; về kinh tế có: “Vân đài loại ngữ”...

Đến nay đã có hàng trăm quyển sách, bài báo, công trình, hàng chục luận án tiến sĩ nghiên cứu về ông. Tên Lê Quý Đôn được đặt cho nhiều trường học, đường phố. Dân gian gọi ông bằng cái tên trừu mến, ngưỡng mộ là “túi khôn của đời”. Miền quê Hưng Hà (Thái Bình) nơi ông sinh ra và lớn lên vẫn còn câu truyền miệng: “Thiên hạ vô tri vấn Bảng Đôn” (Điều gì không biết, hãy hỏi Bảng Đôn).

Vậy những yếu tố nào đã làm nên một Lê Quý Đôn tài năng lừng lẫy?

Tượng Lê Quý Đôn trong một trường học mang tên ông (ở TP Hồ Chí Minh).

1. Tài năng nào cũng là sản phẩm của môi trường gia đình và xã hội. Là con tiến sĩ Lê Phú Thứ, một bậc khoa bảng nổi tiếng đương thời nên cậu bé Đôn sớm được hưởng nền nếp giáo dục Nho gia thực học nghiêm khắc. Quê hương Hưng Hà - mảnh đất phát tích và hưng nghiệp của nhà Trần nổi danh lịch sử tác động không nhỏ đến cậu học trò Đôn thêm bao khát khao thi thố tài năng. Nhìn rộng ra, thế kỷ thứ XVIII xã hội Việt Nam đang cựa mình để nảy ra những hạt mầm mới mẻ về kinh tế, về thủ công nghiệp và thương nghiệp, về canh tân... Không ngẫu nhiên trên bầu trời văn hóa thời đó lấp lánh những vì sao Đoàn Thị Điểm, Ngô Thì Sĩ, Nguyễn Gia Thiều, Đặng Trần Côn, Lê Hữu Trác... Thêm một ngôi sao Lê Quý Đôn cũng là lẽ tự nhiên.

2. Tài năng nào cũng cần có năng khiếu. Lê Quý Đôn nổi tiếng thần đồng, có trí nhớ lạ lùng, người đời nhận xét là “thông minh lạ thường, sách vở gì đã xem một lần là không quên”. Có giai thoại cuốn sổ của xã trưởng biên tên người nộp thóc chẳng may bị hỏa hoạn, cháy ra tro, cậu trò Đôn từng đọc lướt qua, nên cứ theo trí nhớ mà đọc vanh vách... Người thông minh là người ứng đối giỏi. Văn bản bài thơ “Rắn” còn truyền lại đến nay cho thấy tác giả phải là một thần đồng thơ ca. 14 tuổi đã đọc hầu hết các bộ sách kinh điển của Nho học. Năm 18 tuổi đỗ Giải nguyên (đứng đầu kỳ thi Hương). Sau đó đỗ đầu các kỳ thi Hội và thi Đình (Hội nguyên và Đình nguyên).

3. Khoa học nhân học tổng kết để thành nhà bác học thì 99% nhờ cần cù, chỉ 1% là nhờ thông minh, may mắn. Ứng vào Lê Quý Đôn cũng thật đúng. Chỉ cần soi trước tác khổng lồ hàng trăm quyển sách quý vào một cuộc đời không dài (58 tuổi) cũng đủ thấy người ấy phải có nghị lực phi thường và sự cần cù hiếm có. Không phải giai thoại mà sử sách ghi khi đã đỗ đạt, làm quan lớn “mà không khi nào tay rời quyển sách. Nhờ thế mà kiến thức uyên thâm, hiểu sâu biết rộng, ngòi bút lại như bay, như múa, để lại nhiều tác phẩm nổi tiếng cho đời”. Nhà sử học Phan Huy Chú ca ngợi ông học vấn cao sâu nhờ “xem rộng khắp hết sách vở nên kiến thức mênh mông, đồ sộ, lại sở trường bậc nhất về trước thuật (viết sách). Không sách nào không soạn, sao lục, biện luận. Thật sừng sững là danh nho của cả một đời...”.

4. Ngày nay trong bối cảnh toàn cầu hóa, với môi trường “thế giới phẳng” thế giới mới nhấn mạnh vào yếu tố khác biệt. Càng khác biệt càng dễ hội nhập, vì lẽ thông thường trong giao tiếp thì con người mong muốn tìm hiểu, khám phá, phát hiện những điều gì mình chưa có, chưa biết. Thực ra đó là chân lý cũng là nguyên lý của đời sống trước nay, rõ hơn cả trong khoa học, nghệ thuật. Cứ nhìn vào phong cách những người “khổng lồ” có ai giống ai đâu. Cũng nhờ vậy họ mới được đời sau tiếp nhận.

Lê Quý Đôn “khổng lồ” bởi ông rất khác biệt, trước hết là ở phương pháp đọc sách và viết sách đi liền với nhau, gắn bó với nhau như một vậy. Tiến sĩ Trần Danh Lâm nhận xét về người bạn Đôn của mình “không sách gì không đọc, không vật gì không suy xét đến cùng, ngày thường ngẫm nghĩ được điều gì đều viết ngay thành sách, sách chất đầy bàn, đầy tủ, kể ra không xiết…”.

Ngày nay người ta khái quát thành một phương pháp gọi là “thực chứng” tức chỉ ghi chép, nghiên cứu cái có thực, thì điều ấy Lê Quý Đôn đã làm và làm rất tiêu biểu qua công việc “điền dã” (còn gọi là phương pháp điền dã). Ông đi nhiều, đi đến đâu ghi chép đến đấy. “Đi”, “Đọc”, “Viết” là ba công đoạn của bất cứ nhà văn, nhà nghiên cứu nào. Nhưng thế mới chỉ là những yếu tố “đủ”. Còn phải các yếu tố “cần” nữa là suy nghĩ, nghiền ngẫm.

Cái riêng của Lê Quý Đôn là rất kỵ lối “tầm chương trích cú”. Ông ghét lối thi cử khuôn mẫu với mục đích học ra làm quan một cách “tròn trịa” mà không có nét riêng, thiếu bản lĩnh. Trong tác phẩm “Vân đài loại ngữ” ông phê phán nho sĩ đương thời chỉ biết nhồi nhét những kinh điển viển vông và đề xuất thay đổi cách dạy để học trò biết “cả lục nghệ, trong đó cả văn tự (tức sách vở) và vũ bị (quân sự)”.

Đặc biệt lối học cũng như cách tiếp thu là phải tìm ra bản chất của vấn đề, như ông nói là “phải biết nắm lấy cái chính”. Tối kỵ lối “học vẹt” tức phải “có óc suy luận, không nệ vào sách vở”, ông đề cao “học” đi đối với “hành”: “đọc sách một thước không bằng hành được một tấc”. Chính ông là tấm gương “học” bằng cách đọc sách, “hành” bằng cách viết sách!

5. Với ngành khoa học xã hội, vì gắn liền với ý thức, tư tưởng dân tộc nên nhà nghiên cứu phải có thái độ tâm huyết thiết tha với truyền thống, phải lấy thành quả quá khứ làm nền móng để xây ngôi nhà học thuật mới. Về điểm này Lê Quý Đôn để lại cho hôm nay những bài học quý. Một là, phải coi tinh hoa truyền thống là kho tàng châu báu để làm giàu có tài sản cho riêng mình đồng thời phải biết làm giàu có thêm kho báu ấy. Hai là trân trọng truyền thống lịch sử cha ông càng phải biết đấu tranh giữ gìn truyền thống vẻ vang. Năm 1759 đi sứ nhà Thanh, khi sứ đoàn đi qua các châu, phủ bên xứ Trung Quốc thì bị gọi là “Di quan di mục” (quan lại mọi rợ), Quý Đôn bèn viết thư cho Tổng đốc Quảng Châu phản đối. Triều đình Mãn Thanh phải ra lệnh gọi sứ đoàn nước ta là “An Nam cống sứ”.

6. Triết học liên văn hóa (The Intercultural Philosophy) hôm nay quan niệm cấu trúc chủ thể nhà văn hóa giống như cấu trúc một tòa lâu đài có nền móng vững chắc là văn hóa dân tộc; cái thân lầu là trí tuệ, tư tưởng, tâm hồn; được trổ nhiều cửa sổ ngôn ngữ để đón các luồng gió văn hóa bốn phương; có nhiều cửa chính đón độc giả từ khắp nơi ghé thăm, chiêm ngưỡng, học tập... Thế nên càng là nhà văn lớn tính liên văn hóa càng rõ mà trường hợp Lê Quý Đôn là rất tiêu biểu.

Khi đi sứ Trung Hoa ông gặp gỡ nhiều sứ thần các nước, tiếp xúc với nhiều trí thức nổi tiếng của nhà Thanh, bàn luận với họ nhiều vấn đề sử học, triết học... Đến nay đủ cứ liệu để khẳng định ông đã đọc các sách người Trung Quốc nói về Triều Tiên, Ấn Độ, Chân Lạp, Nam Dương, Ba Tư… Đặc biệt đã đọc sách của người Trung Quốc nói về tri thức phương Tây hoặc sách người Trung Quốc dịch từ sách phương Tây. Một kết luận chắc chắn rằng không nhờ những chuyến đi sứ ấy kiến thức của ông khó đầy đặn như đã có.

Ở trong nước, ông từng được cử đi công cán các vùng Sơn Nam, Tuyên Quang, Lạng Sơn (những năm 1772, 1774) để điều tra đời sống nhân dân cùng tệ tham nhũng, ăn hối lộ của quan lại, nạn man khai ruộng đất, trốn thuế... Ông nói được nhiều thứ tiếng, hiểu lịch sử văn hóa nhiều dân tộc. Kiến thức tích lũy lâu dần thành học vấn. Đó là quá trình liên văn hóa, như chính ông “định nghĩa” (không khác mấy so với hôm nay) trong lời tựa sách “Kiến văn tiểu lục”: “Tôi vốn là người nông cạn, lúc còn bé thích chứa sách, lúc trưởng thành ra làm quan, xem lại sách đã chứa trong tủ, vâng theo lời dạy của cha, lại được giao du nhiều với các bậc hiền sĩ đại phu. Thêm vào đấy phụng mệnh làm việc công, bốn phương rong ruổi: mặt Bắc sang sứ Trung Quốc, mặt Tây bình định Trấn Ninh, mặt Nam trấn thủ Thuận Quảng (Thuận Hóa, Quảng Nam). Đi tới đâu cũng để ý tìm tòi, làm việc gì mắt thấy tai nghe đều ghi chép, lại phụ thêm lời bình luận…”. Như vậy, có thể hình dung cây đại thụ Lê Quý Đôn có bộ rễ thật khỏe mạnh cắm sâu vào các mảnh đất văn hóa nên cường tráng, tốt tươi và sống mãi là như vậy!

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/le-quy-don-nhung-nga-duong-dan-den-tai-nang--i702532/