Lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ: Mỗi người mỗi kiểu

Lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ luôn được coi như một sự kiện trọng đại trong đời sống chính trị quốc gia. Trước năm 1933, lễ nhậm chức này được tiến hành vào ngày 4/3, nhưng từ khi thông qua tu chính án 20, nghi lễ này được tiến hành vào ngày 20/1.

Tổng thống Abraham Lincoln tuyên thệ nhậm chức. (Ảnh: Gettyimages).

Lần đầu tiên lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống Mỹ được tổ chức tại New York ngày 30/4/1789 (khi đó thành phố Washington còn chưa được dựng lên nên New York được coi là thủ đô nước Mỹ). Thoạt đầu, buổi lễ chính thức công bố kết quả bầu cử và lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ được dự định diễn ra vào tháng 3, nhưng vì nhiều lý do mà nhiều nghị sĩ không thể tới được New York đúng thời hạn để thống kê phiếu bầu của các đại cử tri đại diện cho các bang.

Vậy nên mãi tới ngày 6/4/1789, buổi lễ công bố tên họ người thắng cử mới được tổ chức; trong buổi lễ này đã vang lên thông báo: “Ngài George Washington được nhất trí bầu làm Tổng thống, còn ngài John Adams – Phó Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ”. Phải mất vài ngày sau đó tin tức về kết quả bầu cử được mới truyền tới được trang trại của George Washington. Một điều đáng chú ý là, các nghị sĩ thoạt đầu tranh luận mãi vẫn không thống nhất được với nhau về cách xưng hô chính thức với Tổng thống. Vị Phó Tổng thống tương lai John Adams tư duy theo tập tục phong kiến đề nghị gọi nguyên thủ quốc gia là... Bệ hạ! Tuy nhiên, Quốc hội cuối cùng đã thống nhất ý kiến là chỉ nên nói “Thưa ngài Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ!”. Cách xưng hô này tới nay vẫn dược sử dụng.

Nghi lễ tuyên thệ nhậm chức chính thức đã diễn ra vào ngày 30/4. Trong tiếng pháo bắn và chuông rền vang, George Washington bước vào ngôi nhà trụ sở Quốc hội và đặt bàn tay trái lên cuốn Kinh Thánh, đã đọc lại lời Hiến pháp: “Tôi xin trân trọng thề rằng tôi sẽ trung thực đảm nhiệm những trọng trách của Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ và xin hứa là sẽ làm hết mọi việc trong khả năng của mình để thực hiện và bảo vệ Hiến pháp Hoa Kỳ”. Mọi Tổng thống Mỹ từ đó tới tới nay đều phải nhắc đoạn văn này. Sau khi tuyên thệ, Washington đã nói thêm một câu mà giờ đây cũng thành truyền thống: “Cầu Chúa phù hộ cho con!”.

Trong lễ nhậm chức Tổng thống thứ hai, lần đầu tiên Chánh án Tòa án tối cao Hoa Kỳ đứng ra chứng kiến lời tuyên thệ của Tổng thống. Tập tục này tới nay vẫn được duy trì. Từ năm 1937 tới nay, lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ luôn luôn được tiến hành vào một ngày cố định: 20/1.

So với cuối thế kỷ XVIII, phần nghi lễ ít có gì thay đổi. George Washington đã kết thúc buổi lễ bằng một bài phát biểu đặc biệt, tập tục này tới nay vẫn được duy trì. Về sau, báo chí bắt đầu in lại các bài phát biểu đó (từ năm 1857, kèm theo ảnh). Khi xuất hiện phát thanh và truyền hình, buổi lễ được phát đi khắp thế giới. Buổi truyền thanh trực tiếp đầu tiên được thực hiện năm 1925, còn buổi truyền hình trực tiếp đầu tiên lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ vào năm 1949. Vị Tổng thống thứ 42, Bill Clinton, là người đầu tiên ra chỉ thị lập một trang web trên mạng Internet và tổ chức tường thuật trực tiếp trên mạng buổi lễ nhậm chức của mình năm 1997.

Bài phát biểu của George Washington bằng tiếng Anh chỉ có 135 từ. Người có bài phát biểu dài nhất trong lễ nhậm chức là vị Tổng thống thứ 9 William Henry Harrison: Năm 1881, ông đã phát biểu liền hai tiếng; bài diễn văn nhậm chức này trong tiếng Anh có tới 8.445 từ. Thoạt đầu, những bài diễn văn như thế chỉ dành chủ yếu cho những người trực tiếp tham dự lễ nhậm chức, còn về sau, chúng được coi như những chương trình hành động mà Tổng thống mới muốn công bố cho mọi người Mỹ cùng biết. Có lẽ câu trích dẫn từ các bài diễn văn như thế mà về sau trở nên nổi tiếng nhất là của vị Tổng thống thứ 35, John F. Kennedy nói năm 1961: “Đừng hỏi đất nước có thể làm gì cho ta. Hãy tự hỏi, ta có thể làm được những gì cho đất nước!”. Buổi lễ tuyên thệ nhậm chức nào cũng kết thúc bằng một vũ hội (truyền thống này cũng có từ thời George Washington).

Vị Tổng thống Mỹ thứ ba Thomas Jeffeson là người đầu tiên tiến hành lễ nhậm chức tại thủ đô mới của Mỹ, thành phố Washington. Hạt liên bang Columbia mà thành phố Washington là một bộ phận, được lập ra năm 1790 chỉ với một mục đích duy nhất: xây dựng thủ đô! Những nhà lập quốc ở Mỹ lo ngại rằng, nếu quyền trở thành thủ đô lọt vào tay một trong những đô thị lớn thuộc một bang nào đó thì quyền lợi của các bang còn lại sẽ bị vi phạm vì những cư dân gốc ở thủ đô sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của các cơ quan chính quyền trung ương (về mặt hình thức, các bang của nước Mỹ là những quốc gia liên kết với nhau một cách tự nguyện). Để lập nên một tiểu bang mới làm thủ đô, hai bang Maryland và Virginia đã phải trích quỹ đất của mình ra.

Vị Tổng thống Mỹ thứ ba Thomas Jeffeson hai lần giành được chiến thắng trong các cuộc bầu cử. Và mỗi lần nhậm chức, ông đều đưa vào nghi lễ những chi tiết mới. Lần đầu, ông đi bộ từ nhà riêng (lúc đó Nhà Trắng chưa được xây dựng) tới trụ sở Quốc hội Mỹ, nơi diễn ra nghi lễ nhậm chức. Lần thứ hai ông cưỡi ngựa đi từ Dinh Tổng thống (nơi về sau xây dựng Nhà Trắng). Lúc ông trở về, tiễn ông là một dàn quân nhạc cùng những lính thủy quân, vô tình bị cuốn theo nghi lễ. Từ đó về sau, lễ tuyên thệ nhậm chức của các Tổng thống Mỹ đều kết thúc bằng một chương trình ca nhạc, bắn pháo hoa và duyệt binh. Chỉ riêng năm 1963, lễ nhậm chức Tổng thống lại diễn ra trên chuyên cơ Tổng thống: Phó Tổng thống Lyndon Johnson lên nắm quyền thay cho Tổng thống John Kennedy vừa bị ám sát (trong lịch sử nước Mỹ đã có 9 lần lễ tuyên thệ nhậm chức của các Tổng thống Mỹ diễn ra một cách khiêm nhường vì đó là khi các Phó Tổng thống lên thay người tiền nhiệm vừa bị ám sát hoặc từ trần do bệnh tật).

Năm 1829 đã xảy ra một sự cố mà vì thế, từ đó về sau, những chính trị gia chuẩn bị nhậm chức Tổng thống lần đầu tiên được vệ sĩ bảo vệ và con đường đưa họ từ nhà tới nơi diễn ra lễ nhậm chức được tách ra khỏi đám đông công chúng. Số là, ông Andrew Jackson, người vừa được bầu làm Tổng thống, đã phải vào trụ sở Quốc hội, nơi mọi người đang đợi ông vào làm lễ tuyên thệ, qua... cửa sổ sau khi đám đông vây lấy đoàn xe của ông và ngăn không cho ông vào cửa chính. Sau khi nói lời tuyên thệ và những câu thủ tục, các thành viên chính thức của buổi lễ lại phải chui ra ngoài qua cửa sổ để có mặt nhanh nhất ngoài thảm cỏ trước nhà, nơi đã bày sẵn rượu vang và kem.

Vì các lý do an ninh, ban tổ chức lễ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống đã phải loại bỏ việc bắt tay vốn cũng là truyền thống ở Mỹ: việc này diễn ra năm 1865, sau khi Abraham Lincoln chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi đã phải bắt tới 6 nghìn bàn tay (!) và bước vào phòng nghi lễ trong tình trạng gần như kiệt sức.

Nhìn chung, trong các buổi lễ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống ở Mỹ hay xảy ra các sự cố lắm khi khá tức cười. Ngay trong buổi lễ nhậm chức đầu tiên cũng có sự cố: dàn quân nhạc đã cử quốc ca Anh “Xin Chúa hãy phù hộ cho Nữ hoàng” – việc này là rất khiếm nhã vì lúc đó, nước Mỹ mới giành được độc lập từ tay thực dân Anh. Trong một lễ nhậm chức khác, vị Phó Tổng thống vì trước đó đã bị mắc bệnh thương hàn nên đã uống rượu cognac quá chén và vì thế đã có cách hành xử “hơi tây tây” trước mặt quan khách, khiến mọi người đều cảm thấy khó xử.

Từ năm 1981, lễ nhậm chức diễn ra ở ngoài trời, ở cạnh chái phía tây tòa nhà trên đồi Capitol, nơi Quốc hội họp (riêng năm 1985, lễ nhậm chức đã diễn ra trong nhà vì thời tiết xấu). Thời tiết cũng hay “chơi khăm” các nhà tổ chức lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ. Năm 1841, vị Tổng thống thứ 9, William Henry Harisson đã bị cảm lạnh nên mắc bệnh viêm phổi và sau đó một tháng đã qua đời. Trong buổi lễ nhậm chức năm 1869, trời lạnh đến mức những lồng chim mà người ta mang tới để trang hoàng đều bị chết rét...

Các lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ luôn thu hút được đông đảo người xem. Lễ nhậm chức gần đây nhất của Tổng thống Barack Obama (ngày 21/1/2013) đã có tới hơn 2 triệu người theo dõi…

Phạm Vũ Trường Long

Từ khóa

nhậm chức tổng thống mỹ mỗi người một kiểu

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/le-nham-chuc-cua-tong-thong-my-moi-nguoi-moi-kieu/136242