Lễ hội Văn hóa dân gian Phố Hiến diễn ra từ ngày 29/2 - 2/3

Ngày 19/2, Chủ tịch UBND thành phố Hưng Yên Doãn Quốc Hoàn cho biết, sau 4 năm tạm dừng bởi dịch COVID-19, Lễ hội Văn hóa dân gian Phố Hiến năm 2024 sẽ được tổ chức từ ngày 29/2 - 2/3.

Đền Mẫu là một trong những di tích nằm trong Khu di tích Quốc gia đặc biệt Phố Hiến. Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN

Đây là một trong những hoạt động hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia 2024; đồng thời tuyên truyền, quảng bá hình ảnh và giới thiệu những giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật của Khu Di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến đến người dân, du khách trong và ngoài tỉnh.

Lễ hội Văn hóa dân gian Phố Hiến gồm hai phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm lễ dâng hương và lễ khai mạc. Phần hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động như: hội múa rồng, múa lân; rước kiệu; cầu kiều trên cạn; kéo co; cờ tướng; cờ người; hội thi nhảy bao bố; bịt mắt đập niêu; thả đèn hoa đăng; hát trên thuyền; múa rối nước; liên hoan đàn và hát dân ca; văn nghệ quần chúng…

Vào thế kỷ 16 - 17, Phố Hiến là một thương cảng cổ nổi tiếng của Việt Nam, là một đô thị trải dài theo bờ tả ngạn sông Hồng. Cùng với kinh đô Thăng Long - nơi phồn vinh nhất nước, Phố Hiến là một đô thị nổi bật đứng ở vị trí thứ hai với câu ca: "Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến". Bang giao cùng thiên hạ, Phố Hiến là thương cảng lớn nhất Đàng Ngoài, nơi hội tụ giao lưu của các thương gia đến từ các nước Nhật Bản, Hà Lan, Anh, Pháp, Trung Hoa...

Phố Hiến khởi nguồn trong thời kỳ hưng thịnh, được dân bản địa và thương nhân nước ngoài xây dựng nên có các công trình kiến trúc tuyệt vời như bến cảng, thương điếm, đền, đình chùa. Nhiều công trình mang vẻ đẹp đặc trưng văn hóa Việt. Một số công trình có sự kết hợp hài hòa, tinh xảo với kiến trúc phương Tây nhưng vẫn mang đậm hồn Việt. Khu Di tích Phố Hiến được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2014.

Trưởng Ban Quản lý Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến Nguyễn Thị Hòa cho biết, Phố Hiến ngày nay vẫn còn nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, minh chứng cho thời kỳ phát triển rực rỡ của một "Tiểu Tràng An" xưa, là di sản vô giá của kho tàng văn hóa dân tộc và nhân loại. Nổi bật trong đó là những công trình kiến trúc thuần Việt như Chùa Chuông, chùa Nễ Châu, đình chùa Hiến, đền Mẫu, đền Mây, đền Kim Đằng, Văn Miếu Xích Đằng... Bên cạnh đó, Phố Hiến còn có những công trình kiến trúc của người Việt kết hợp với kiến trúc Trung Hoa và phương Tây như: Đông đô Quảng Hội, đền Thiên Hậu, chùa Phố, Võ Miếu. Chính những nét độc đáo này đã tạo nên quần thể Khu Di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến in sâu trong lòng du khách.

Tỉnh Hưng Yên hiện có 1.802 di tích lịch sử văn hóa; trong đó có 3 di tích, khu di tích được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt, 175 di tích và cụm di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, 7 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là Bảo vật Quốc gia, cùng hàng ngàn tài liệu, hiện vật, cổ vật có giá trị.

Hưng Yên là nơi lưu giữ hơn 500 lễ hội truyền thống mang đậm văn hóa, phong tục Việt như: Lễ hội Văn hóa dân gian Phố Hiến (thành phố Hưng Yên), Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung (Khoái Châu), Lễ hội cầu mưa ở Lạc Hồng (Văn Lâm), Lễ hội đền Đậu An (Tiên Lữ)..., cùng hàng trăm làng nghề truyền thống như Hương xạ thôn Cao, đan đó Thủ Sỹ, hoa - cây cảnh Văn Giang, đúc đồng Lộng Thượng. Tỉnh có nhiều đặc sản nổi tiếng hấp dẫn du khách như: nhãn lồng, gà Đông Tảo, bún thang lươn, chè sen long nhãn...

M.N (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/doi-song-van-hoa/le-hoi-van-hoa-dan-gian-pho-hien-dien-ra-tu-ngay-292-23-20240219161510386.htm