Lễ hội và nỗi lo... phản cảm

Lần đầu tiên, các nhà quản lý, giới khoa học và cộng đồng dân cư ba xã Xuân Quang, Hương Nha, Hiền Quan - những nơi có lễ hội đang gây bức xúc dư luận về một số hình ảnh phản cảm, đã cùng ngồi lại để tính toán phương án tối ưu đối với từng lễ hội.

Đồng thuận loại bỏ bạo lực

Có một thực tế đã được giới khoa học và cộng đồng dân cư ba xã thừa nhận, đó là những phản cảm, bạo lực, lộn xộn đã ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của địa phương. Bản chất các lễ hội Cầu Trâu ở Hương Nha và Xuân Quang, hội Phết Hiền Quan đều là có ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự tôn dân tộc và tri ân công đức tiền nhân, tuy nhiên nhận thức về các giá trị này đã bị lấn át bởi các hành vi ứng xử lệch chuẩn, thái quá và phản cảm.

Bởi thế, theo lãnh đạo huyện Tam Nông, người dân trên địa bàn ba xã đồng thuận cao với yêu cầu tìm giải pháp điều chỉnh, hạn chế và loại bỏ những hành động phản cảm, bạo lực. Theo đó, nghi thức “đập đầu trâu đến chết” của lễ hội Cầu Trâu được nhân dân hai xã Xuân Quang, Hương Nha nhất trí sẽ loại bỏ. Ông Phan Ngọc Chân, Khu 3, xã Xuân Quang cho biết, UBND, BQL Di tích và Hội Người cao tuổi xã đã xin ý kiến nhân dân về phương án tổ chức để khắc phục những vấn đề khiến dư luận bức xúc. Với định kỳ 5 năm/lần, lễ hội sẽ tập trung bảo lưu, phát huy những giá trị truyền thống, loại bỏ các nghi thức lạc hậu, hành vi dã man, phản cảm. Nghi thức đánh, đập trâu đến chết sẽ chỉ còn mang tính tượng trưng.

Ông Lương Quang Chiểu, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Hương Nha cho biết: “Cầu trâu trong truyền thống vốn là nghi lễ mật, diễn ra vào buổi tối, chỉ có chủ tế và 12 thanh niên cùng đội tế lễ mới được vào trước cửa đền khi làm nghi lễ; nhân dân và du khách không được vào trong để bảo đảm tính linh thiêng. Cách thức tổ chức lễ hội cũng sẽ phải điều chỉnh lại theo hướng này, tránh việc để diễn ra hình ảnh phản cảm trước sự chứng kiến của nhiều người...”.

Đối với hội Phết Hiền Quan, “điểm nóng” trên truyền thông, ông Bùi Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Hiền Quan cho biết, nhân dân xã Hiền Quan cũng đã thống nhất giải pháp loại trừ yếu tố bạo lực trong lễ hội, việc đánh phết sẽ không tiến hành bằng bất cứ dụng cụ nào có thể gây nguy hiểm cho người tham gia.

“Hội Phết Hiền Quan đáng ra đã hoàn thiện hồ sơ để xét danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nhưng chính những hình ảnh phản cảm, bạo lực đã khiến cho di sản này gặp vướng mắc”, ông Đặng Đình Thuận, Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa, Sở VHTTDL Phú Thọ cho biết. Trên cơ sở đưa ra những tư liệu khoa học, ông Thuận khẳng định, Hội Phết hiện nay khác xưa rất nhiều về cách thức tổ chức. Ngày xưa gọi là “đánh phết”, bây giờ lại gọi là “cướp phết”, sự thay đổi ấy làm cho Hội Phết thay đổi về bản chất, mang tính bạo lực nhiều hơn. Do đó, cần điều chỉnh hình thức tổ chức sao cho phù hợp. Đây cũng chính là hướng giải pháp được sự đồng thuận cao của chính quyền, nhà khoa học và cộng đồng.

Cần chấp nhận những thay đổi

GS, TS Lê Hồng Lý (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) cho rằng, chuyện ở Hiền Quan có liên quan đến vấn đề tổ chức, đòi hỏi nghiên cứu kỹ diễn biến lễ hội trong quá khứ. Ông “hiến kế”: “Trên cơ sở những nghiên cứu tỉ mỉ, cần đưa ra một kịch bản cho lễ hội. Chẳng hạn có thể tổ chức thành các đội theo xóm, thôn, thậm chí theo dòng họ. Tất cả diễn biến phải tuân theo những nghi thức, quy định và luật lệ của làng…”.

Lưu ý của ông Lưu Hồng Lý về sự cần thiết tránh áp đặt hoặc lên án một cách vô lý đối với cộng đồng cũng đồng thời được giới khoa học đồng tình. “Tuy nhiên, đứng trước nhu cầu của hội nhập quốc tế cũng như sự thay đổi của xã hội hiện đại, những gì không còn phù hợp, cụ thể hơn là các hành vi, hình ảnh bạo lực, lộn xộn và phản cảm ở từng lễ hội mà chúng ta đang tìm giải pháp rất cần được xem xét, điều chỉnh...”, GS, TS Lưu Hồng Lý nhấn mạnh.

TS Lê Thị Minh Lý (Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Việt Nam) nhận định, chính “sự đứt gãy”, gián đoạn một thời gian dài không tổ chức đã khiến cho sự quay lại của các lễ hội - di sản trong đời sống cộng đồng bị thiếu các nghiên cứu, đối chiếu với những cứ liệu lịch sử. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến cho từng di sản trở nên lúng túng. “Trong quá trình nghiên cứu và tìm hình thức thay đổi, cần lưu ý đừng bắt di sản quay lại hoàn toàn với quá khứ mà cơ bản là giữ được những giá trị cốt lõi, phù hợp với nhu cầu cộng đồng. Bên cạnh đó cộng đồng cũng cần chấp nhận những thay đổi như một lẽ tự nhiên, bởi không có một di sản nào bất biến…”, TS Lê Thị Minh Lý nêu quan điểm.

Không chỉ là câu chuyện của riêng ba lễ hội đang được dư luận chú ý ở Phú Thọ, câu chuyện thay đổi, điều chỉnh một số nghi lễ và yếu tố liên quan đang tiếp tục được đặt ra ở nhiều lễ hội của các địa phương khác. Thiết nghĩ, bên cạnh những ứng xử tình thế, cần có những chương trình nghiên cứu bài bản và sâu hơn về hệ thống lễ hội truyền thống của nước ta hiện nay, để tìm được giải pháp phù hợp trước những đòi hỏi đang đặt ra ngày một gắt gao của quá trình hội nhập.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/cuoituan/doi-song-van-hoa/item/31322702-le-hoi-va-noi-lo-phan-cam.html