Lễ hội truyền thống Đình Chèm: Khơi dậy truyền thống lịch sử, văn hóa đặc sắc của quê hương

Ngày 1/7 (tức 14/5 Âm lịch), Lễ hội truyền thống Đình Chèm (phường Thụy Phương, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chính thức khai hội. Thông qua các hoạt động của lễ hội nhằm khơi dậy truyền thống lịch sử, văn hóa đặc sắc của quê hương.

Khơi dậy truyền thống lịch sử, văn hóa đặc sắc của quê hương

Lễ hội truyền thống đình Chèm năm 2023 là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 10 thành lập quận Bắc Từ Liêm, thành lập phường Thụy Phương (27/12/2013 - 27/12/2023), gắn với kỷ niệm 60 năm thành lập Đảng bộ xã Thụy Phương - nay là phường Thụy Phương (1963 -2023).

Theo Ban tổ chức, Lễ hội năm nay diễn ra từ ngày 1-3/7 (tức 14-16/5 âm lịch), lễ hội được chia thành 2 phần lễ và hội. Các nghi lễ đặc trưng trong lễ hội gồm: lễ rước nước trên sông Hồng, lễ rước văn, lễ cúng phát tấu, lễ yên vị, lễ mộc dục, lễ phóng sinh…

Lễ hội truyền thống Đình Chèm (phường Thụy Phương, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã khai hội và sẽ kéo dài đến ngày 3/7 (ảnh kinhtedothi.vn)

Phần hội có các hoạt động sôi nổi và hấp dẫn như thi chơi cờ người, kéo co, nhảy bao bố…, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân, du khách thập phương.

Phát biểu tại buổi lễ khai mạc, Chủ tịch UBND phường Thụy Phương Nguyễn Ngọc Phong cho biết Lễ hội truyền thống Đình Chèm được tổ chức thường niên để tỏ lòng tri ân công đức đối với Đức Khang Hy Thiên Vương Lý Ông Trọng. Thông qua các hoạt động của lễ hội nhằm khơi dậy truyền thống lịch sử, văn hóa đặc sắc của quê hương; Qua đó góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước đối với các tầng lớp nhân dân nhất là thế hệ thanh thiếu niên - tương lai của đất nước.

Lễ hội từng bước giới thiệu, quảng bá những nét đẹp văn hóa đặc sắc của địa phương với nhân dân Thủ đô và cả nước làm cơ sở để phát triển văn hóa, du lịch trong tương lai. Đồng thời, tiếp tục tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, tạo động lực thi đua, phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương năm 2023

Đây cũng là dịp để những người con xa quê hương tìm về nguồn cội, du khách thập phương tìm hiểu về những nét đẹp văn hóa truyền thống của mảnh đất và con người quận Bắc Từ Liêm. Lễ hội cũng là nghi lễ cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu của cư dân nông nghiệp Đồng bằng sông Hồng thời xa xưa.

Phát huy truyền thống tốt đẹp xưa và nay

Đình Chèm nằm trên địa bàn phường Thụy Phương (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), thờ Đức Hy Khang Thiên Vương Lý Ông Trọng. Ngài sinh vào thời Hùng Duệ Vương, chí dũng song toàn, thông minh xuất chúng, được phong chức Chỉ huy sứ thống lĩnh quân đội.

Hùng Duệ Vương phong chức Chỉ huy sứ thống lĩnh quân đội. Khi Thục Phán An Dương Vương dựng nước Âu Lạc, Ngài đã hết lòng phò tá Thục Phán lãnh đạo quân dân Âu Lạc đánh bại hàng chục vạn quân Tần sang xâm lược nước ta.

Để giữ tình hòa hiếu giữa hai nước, Ngài được An Dương Vương cử đi sứ nhà Tần và trở thành nhà ngoại giao đầu tiên của Việt Nam. Khi ấy biên giới phía bắc nước Tần bị quân Hung Nô uy hiếp. Tần Thủy Hoàng phong Ngài chức Tư Lệ Hiệu Ủy thống lĩnh 10 vạn quân trấn ải Lâm Thao, uy danh chấn động đất Hung Nô. Vua Tần cảm phục phong tước Phụ Tín Hầu và gả công chúa Bạch Tịnh Cung cho Ngài.

Sau khi trở về nước, Ngài giúp dân diệt trừ thủy quái, khuyến khích nông tang (nghề làm ruộng và trồng dâu nuôi tằm), đem lại cuộc sống bình an cho nhân dân. Sau khi mất, Ngài được nhân dân tôn thờ là Đức Thánh Chèm và lập đền thờ tại quê nhà.

Năm 1990 Đình Chèm đã được nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Lễ hội truyền thống Đình Chèm được Nhà nước công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vào năm 2016. Với những giá trị đặc sắc về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, Đình Chèm vinh dự đón bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt vào năm 2017.

Lễ hội truyền thống Đình Chèm được tổ chức cũng nhằm cụ thể hóa Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về "Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025"; Nghị quyết 09-NQ/TU Hà Nội 2022 về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025; định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045".

PV

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/le-hoi-truyen-thong-dinh-chem-khoi-day-truyen-thong-lich-su-van-hoa-dac-sac-cua-que-huong-20230701222810365.htm