Lễ hội rước Chúa gái chính thức là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Ngày 17/2, thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao(Phú Thọ) tổ chức Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Lễ hội rước Chúa gái và bằng xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh Đình Cả.

Với truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, từ ngàn đời nay người dân hai làng Vi, Trẹo tổ chức lễ hội Rước chúa gái thể hiện truyền thống quý báu đó, để tưởng nhớ, tỏ lòng tri ân công đức các Vua Hùng và vợ con, các tướng lĩnh của thời kỳ Hùng Vương dựng nước.

Lễ hội rước Chúa gái là sinh hoạt tín ngưỡng dân gian của cư dân nông nghiệp gắn liền với hai nhân vật lịch sử huyền thoại thời kỳ Hùng Vương dựng nước là Tản Viên Sơn Thánh và Ngọc Hoa công chúa (con gái Vua Hùng thứ 18).

Lãnh đạo Sở VH,TT&DL tỉnh Phú Thọ trao Chứng nhận Lễ hội Rước Chúa gái là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia cho đại diện lãnh đạo thị trấn Hùng Sơn.

Lễ hội rước Chúa gái xưa kia được coi là lớn nhất vùng, kéo dài gần nửa tháng. Hàng năm, các bậc cao niên hai làng Vi - Trẹo, ngay từ tháng Chín, hoặc chậm nhất là giữa tháng Mười lịch trăng, dân hai làng đã nhộn nhịp chuẩn bị họp bàn chọn người ngồi Chúa, đan voi, đan ngựa, sửa kiệu, sắm cờ, nuôi lợn, nuôi gà và thành lập ban khánh tiết phục vụ cho ngày khai hội. Vào đầu tháng Chạp, dân làng đã tất bật chuẩn bị lo tổ chức lễ hội.

Ngày nay cũng vậy, hoạt động chuẩn bị cho Lễ hội rước Chúa gái của dân hai làng Vi - Trẹo được bàn bạc, chuẩn bị cẩn trọng, chu đáo từ trong Tết Nguyên Đán từ việc lựa chọn người đóng Chúa gái, chủ tế, quan viên trong đội tế, người làm voi, ngựa, đội chân cờ, chân kiệu, người đóng một số vai diễn trò Bách nghệ khôi hài … trên cơ sở những tiêu chuẩn truyền thống, gia đình hòa thuận, không có tang ma, những người từng trải, có kinh nghiệm, khỏe mạnh, có đạo đức... Mỗi làng phải làm một voi màu đen, một cặp ngựa, con hồng, con trắng, to bằng voi, ngựa thật. Người ta dùng nan tre đan hình cốt voi, ngựa sau đó dán giấy màu bên ngoài, trang trí rực rỡ, sống động.

Chúa gái làm lễ tại cây hương

Lễ hội là dịp hội tụ những nét văn hóa đặc sắc của xóm làng và đem lại niềm vui chung cho cả cộng đồng. Sau một năm lao động vất vả với những lo toan nhọc nhằn, dân làng tìm đến với lễ hội để tìm được nguồn vui. Cái vui đó là cái vui hòa đồng của tập thể và là cái vui hội hè. Từ khâu chuẩn bị cho đến suốt quá trình lễ thánh, rước Chúa gái, và các trò diễn dân gian đã tạo ra một không gian lễ hội vừa linh thiêng, tôn nghiêm lại vừa vui vẻ, rộn ràng.

Chị Nguyễn Thanh Loan người dân làng Vi chia sẻ: Năm nay bà con ai cũng rất phấn khởi khi lễ hội rước Chúa gái của thị trấn Hùng Sơn được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể. Bà con chúng tôi không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn đến các cấp chính quyền, các ban, ngành của huyện của tỉnh và đặc biệt là cảm ơn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch đã thấu hiểu mong muốn của bà con thị trấn Hùng Sơn và đã làm cho bà con toại nguyện. Từ nay không chỉ bà con Hùng Sơn biết đến lễ hội rước chúa gái mà lễ hội này cả nước sẽ biết đến trong thời gian tới đây.

Di tích Đình Cả được Cục Văn hóa thông tin cơ sở - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống kê năm 2005, là một trong 326 di tích thờ cúng các Vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Cũng trong không khí trang nghiêm của lễ hội, thị trấn Hùng Sơn đã đón nhận bằng xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh Đình Cả. Di tích Đình Cả được Cục Văn hóa thông tin cơ sở - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống kê năm 2005, là một trong 326 di tích thờ cúng các Vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Di tích Đình Cả là một công trình kiến trúc tín ngưỡng, nơi gửi gắm tâm linh của đông đảo nhân dân trong vùng, việc thờ phụng các vị thần ở Đình Cả sâu sắc hơn là sự gìn giữ, nối tiếp truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của những người dân nơi đây trong việc kế thừa và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của ông cha; đồng thời là kết tinh của quá trình lao động, sáng tạo. Ngôi đình còn là nơi hội tụ, cố kết cộng đồng làng xã, là tài sản vô giá cả về vật chất, tinh thần, văn hóa và tôn vinh giá trị truyền thống của làng.

Một số hình ảnh trong Lễ hội rước Chúa gái:

Các bô lão làm lễ trước Đình Cả

Các bô lão cùng lãnh đạo thị trấn Hùng Sơn rước chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia và bằng xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh Đình Cả vào Đình Cả

Lợn ông được đưa vào đình tế lễ

Chúa gái vào Đình Cả làm lễ

Chúa gái được rước đi quanh làng để dân chúng chiêm ngưỡng

Lễ rước Chúa gái trên đường diễn ra rất vui tươi, phấn khởi của những người tham gia

Chúa gái dừng chân nghỉ ngơi và xem tích trò

Tích trò thu hút đông đảo nhân dân đến xem

Lễ hội là hoạt động văn hóa nổ bật của thị trấn Hùng Sơn nhận được sự quan tâm của tất cả người dân trong thị trấn.

Thanh Hoài

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/le-hoi-ruoc-chua-gai-chinh-thuc-la-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-post284786.html