Lễ hội kết nối tiêu thụ Cam Cao Phong

Ngày 13/11, Lễ hội Cam Cao Phong lần thứ hai và Hội chợ Nông nghiệp - Du lịch - Thương mại vùng Tây Bắc năm 2016 chính thức khai mạc tại tỉnh Hòa Bình nhằm quảng bá thương hiệu Cam Cao Phong nói riêng và các nông sản chủ lực của vùng Tây Bắc nói chung.

Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Lễ hội có hơn 200 đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp tham gia với quy mô 350 gian hàng, trưng bày và bán sản phẩm cam quýt, bưởi các loại; gian hàng du lịch, thương mại tổng hợp và gian hàng ẩm thực truyền thống các tỉnh vùng Tây Bắc... Trong đó, các loại Cam Cao Phong như cam lòng vàng, cam Đường Canh, Cam Xã Đoài, bưởi đỏ, bưởi da xanh… được bày bán ở gần 100 gian hang, thu hút rất đông người tham quan, thưởng thức và mua sắm.

Cam là cây chủ lực đã mang lại hiệu quả kinh tế của huyện Cao Phong. Năm 2014, sản phẩm Cam Cao Phong được cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý; năm 2016 được Viện Sở hữu trí tuệ quốc tế cấp chứng thư “Tốp 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng lần thứ 5” tạo bước đột phá trong định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh Hòa Bình.

Huyện Cao Phong có hơn 2.000 ha cây ăn quả có múi, trong đó diện tích thời kỳ kinh doanh là 900 ha, sản lượng 23.000 tấn, giá trị thu nhập khoảng 700 triệu đồng/ha.

Trong chương trình lễ hội cam Cao Phong và Hội chợ nông nghiệp- du lịch- thương mại vùng Tây Bắc năm 2016 sẽ diễn ra các hoạt động triển lãm, trưng bày; xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch, trao giấy chứng nhận sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGap cho các hộ sản xuất cam, thăm quan mô hình sản xuất tiêu biểu; các hoạt động liên kết, ký kết hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, giao lưu văn nghệ, thưởng thức các sản phẩm nông nghiệp, ẩm thực dân tộc…

Ông Quách Văn Ngoan, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Phong cho biết, toàn huyện có 120 ha trồng theo quy trình Vietgap. Phát triển nông nghiệp chất lượng cao đã trở thành hướng đi đúng đắn của địa phương trong phát triển kinh tế-xã hội.

“Đầu ra cho sản phẩm là vấn đề mà lãnh đạo tỉnh và huyện rất quan tâm. Hiện có nhiều doanh nghiệp ở Hòa Bình và các tỉnh lân cận ký kết giao thương tiêu thụ hàng hóa. Tới đây huyện sẽ tiếp tục xây dựng chợ nông sản Cao Phong. Các sản phẩm vào đây đều phải có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo chất lượng, coi đó là ưu tiên số một để giữ được thương hiệu cam Cao Phong những năm tiếp theo”, ông Ngoan cho biết.

Theo Ban Tổ chức, ngay trong ngày đầu tiên đã có hơn 100 tấn Cam Cao Phong được bán ra thị trường, dự kiến trong những ngày tiếp theo sẽ có khoảng 500 tấn cam được tiêu thụ mỗi ngày từ nay cho đến khi kết thúc Lễ hội vào ngày 20/11.

MK

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/thi-truong/le-hoi-ket-noi-tieu-thu-cam-cao-phong/291471.vgp