Lễ hội Đền Hùng 2023: Phát huy vai trò của di sản văn hóa gắn với phát triển bền vững

Sáng 22/4, tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ phối hợp với Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch và Tổ chức Khoa học chuyên gia Việt Nam toàn cầu tổ chức Diễn đàn bền vững Việt Nam với chủ đề 'Phát huy vai trò của di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững.

Theo thống kê, tại Việt Nam hiện có hơn 4 vạn di tích, trong đó có hơn 10.000 di tích cấp tỉnh, hơn 3.600 di tích quốc gia,128 di tích quốc gia đặc biệt. Trong đó có 15 di sản văn hóa phi vật thể được Unessco ghi danh; 9 di sản tư liệu được được Unessco ghi danh và 265 bảo vật quốc gia. Các di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh sau khi được xếp hạng, ghi danh và được bảo tồn tu bổ, tôn tạo đã trở thành địa chỉ quan trọng thu hút ngày càng nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế.

Đồng thời, tất cả các địa phương sở hữu di sản thiên đều xác định, bảo tồn di sản gắn với phát triển du lịch. Tuy nhiên, việc đảm bảo phát triển du lịch song hành với bảo tồn và phát huy giá trị di sản theo hướng bền vững đang là một thách thức đặt ra.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thảo và Du lịch Hoàng Đạo Cương phát biểu khai mạc diễn đàn.

Ông Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch Tổ chức khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu nêu vấn đề: “Một ngành du lịch Việt Nam sẽ phát triển nếu như chúng ta tìm cách đưa ra được những giải pháp làm thế nào đó để những cộng đồng địa phương, cộng đồng dân cư có thể hiểu rõ được giá trị văn hóa và di sản; tự chủ trong đóng góp ý kiến và chia sẻ những kinh nghiệm phát triển văn hóa và di sản đã từng địa phương. Rồi viêc chúng ta quy hoạch địa phương như thế nào tạo ra một sự chuyển đổi bền vững cho ngành du lịch cũng như là kinh tế ở các địa phương. Chúng tôi mong muốn rằng trong thời gian tới đây chúng ta có thể biến văn hóa di sản trở thành nguồn lực bất tận cho sự phát triển bền vững và thịnh vượng của Việt Nam”.

Cũng theo các đại biểu, chính sự tăng trưởng và phát triển du lịch nhanh đã đặt ra những thách thức không nhỏ trong việc đảm bảo quản lý di sản văn hóa một cách hiệu quả, nâng cao giá trị của di sản văn hóa cũng như thúc đẩy phát triển du lịch bền vững. Nhiều giá trị di sản văn hóa đã bị thương mại hóa quá mức làm suy giảm giá trị văn hóa và truyền thống, phai nhạt bản sắc. Nhiều nét văn hóa truyền thống, lối sống, phong tục, tập quán địa phương bị phá vỡ, biến đổi. Vì vậy việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản gắn với phát triển du lịch bền vững cần phải lồng ghép nhiều giải pháp. Trong đó, các địa phương có di sản cẩn quan tâm, chỉ đạo xây dựng, ban hành các chính sách, chủ trương, kế hoạch hành động cụ thể nhằm phát huy giá trị của di sản. Đồng thời giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa yêu cầu bảo tồn với yêu cầu phát triển sản phẩm du lịch.

Diễn đàn di sản Việt Nam.

Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Du lịch đề nghị: “Để làm sao phát triển bền vững, chúng ta cần phải đánh giá sức tải của di sản để chúng ta có quy hoạch, định hướng phát triển một cách hài hòa, cân bằng với sự nội tại của di sản; làm sao chúng ta không thể phát triển một cách thương mại quá mức, không thể phát triển một cách tự phát mà phải có sự cân nhắc, đặc biệt trên nguyên tắc tôn trọng di sản để làm sao cái sức chứa ức tải của di sản văn hóa đủ để chúng ta phát triển một cách bền vững. Phát triển du lịch có trách nhiệm chính là phát triển một bền vững là dựa vào những yếu tố về tài nguyên, văn hóa, làm sao cân bằng hài hòa với sự phát triển của xã hội”./.

Việt Cường/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/le-hoi-den-hung-2023-phat-huy-vai-tro-cua-di-san-van-hoa-gan-voi-phat-trien-ben-vung-post1015635.vov