Chuyên gia dùng thiết bị gì khảo sát sông ngầm trong Sơn Đoòng?

Ngày 2.4, Sở Du lịch Quảng Bình cho biết, chương trình lặn khảo sát, thám hiểm sông ngầm bên trong Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới - đang thu hút sự quan tâm của rất nhiều người.

Các chuyên gia hang động tham gia việc lặn khảo sát sông ngầm trong hang Sơn Đoòng. Ảnh: Lê Phi Long

Ông Hồ An Phong - Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình hy vọng, sẽ có những kết quả tốt đẹp từ đợt khảo sát, qua đó hé mở cánh cửa của một chương trình du lịch mạo hiểm “có một không hai”, đó là tour khám phá chinh phục bên trong con sông ngầm ở hang động lớn nhất thế giới và các con sông ngầm bí ẩn ở Quảng Bình.

Trưởng nhóm khảo sát là ông Howard Limbert - chuyên gia hang động thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh - BCRA. Đoàn có 3 chuyên gia lặn hàng đầu thế giới với hàng chục năm kinh nghiệm, tham gia lặn khảo sát và cứu hộ ở nhiều nơi trên thế giới. Đây là các chuyên gia đã lặn cứu hộ đội bóng nhí Heo Rừng ở Thái Lan năm 2018. Đó là ông Rick Stanton, ông Jason Mallinson và ông Chris Jewell.

Chuyên gia giới thiệu thiết bị chuyên dụng được sử dụng. Ảnh: Lê Phi Long

Theo các chuyên gia BCRA, lặn thám hiểm hang động là loại hình thám hiểm đặc thù, những hang ngầm có chiều dài, độ sâu và dòng chảy khác nhau, cả độ trong suốt của nước cũng khác nên đòi hỏi những người lặn thám hiểm phải có bề dày kinh nghiệm, sử dụng thành thạo các thiết bị lặn đặc chủng.

Dự kiến, các chuyên gia sẽ lặn khảo sát 600m sông ngầm trong động Sơn Đoòng, vị trí lặn nằm cách hố sụt 1 khoảng 150m.

Đây là các chuyên gia lặn hang động giỏi nhất thế giới hiện nay. Ảnh: Lê Phi Long

Theo các chuyên gia BCRA, lặn thám hiểm hang động rất đặc thù vì không ai biết và thấy bên dưới có những điều gì và như thế nào, hang ngầm có chiều dài khác nhau, độ sâu khác nhau, dòng chảy khác nhau, độ trong suốt của nước cũng khác nhau.

Các thiết bị lặn được sử dụng rất hiện đại nhằm bảo đảm an toàn và đạt kết quả tốt nhất. Ảnh: Lê Phi Long

Những thiết bị hiện đại nhất được ứng dụng nhằm đạt kết quả tốt nhất và đảm bảo an toàn tối đa như mũ bảo hiểm có gắn đèn pin, camera, các thiết bị định vị, đo đạc; 2 bình khí tái sử dụng khí gắn ở 2 bên hông; thiết bị đeo tay như đồng hồ để đo, ghi nhận lưu trữ các thông số, kích thước; kìm để cắt dây… Mỗi chuyên gia mang theo cuộn dây 200m, khảo sát đến đâu sẽ đánh dấu vị trí đến đó. Ở dưới nước, mặc dù vẫn liên lạc với nhau nhưng mỗi chuyên gia đều hoạt động độc lập, tự xử lý mọi tình huống.

Như báo Lao Động đã thông tin, nhóm chuyên gia giỏi nhất thế giới thám hiểm sông ngầm trong Sơn Đoòng nhằm tìm hiểu, khám phá sự liên kết giữa hang Sơn Đoòng và hang Thung - một hang động rộng lớn được tìm ra vào năm 1994.

Đồ họa khu vực lặn khảo sát.

Ông Howard Limbert khẳng định kết quả lặn khảo sát nhằm chứng minh được sự kết nối giữa hai hang trên và mở ra một cơ hội khám phá mới cho các nhà thám hiểm chuyên nghiệp, là chứng cứ quan trọng góp phần khẳng định thêm giá trị độc đáo của hệ Karst ngầm Sơn Đoòng nói riêng và hệ thủy văn đa dạng của VQG Phong Nha - Kẻ Bàng nói chung.

Việc khảo sát được thực hiện từ ngày 1-6.4.2019, thời gian có thể kéo dài phụ thuộc vào điều kiện trong hang động và thời tiết.

LÊ PHI LONG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/chuyen-gia-dung-thiet-bi-gi-khao-sat-song-ngam-trong-son-doong--666440.ldo