Lấy ý kiến của Mặt trận trước khi lập quy hoạch

Ngày 21/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Quy hoạch. Để khắc phục tình trạng quy hoạch treo, đầu tư dàn trải gây lãng phí nguồn lực đất nước, nhiều đại biểu đã kiến nghị cần lấy ý kiến của Mặt trận và người dân trong quá trình lập quy hoạch, đồng thời thẩm định kỹ khâu phê duyệt quy hoạch.

Các đại biểu thảo luận tại hội trường.

Đừng để quy hoạch quốc gia chạy theo quy hoạch địa phương

Trước thực tế quy hoạch bị vỡ vụn trong thời gian qua, nhiều ĐB đã bày tỏ quan điểm, quy hoạch vùng, địa phương phải theo quy hoạch “gốc” chính là quy hoạch tổng thể quốc gia. ĐB Phạm Văn Tuân (Thái Bình) cho rằng: “Cần lập quy hoạch tổng thể quốc gia để bảo đảm tính thống nhất đồng bộ của hệ thống quy hoạch trong cả nước, tránh tình trạng quản lý chia cắt cục bộ, thiếu liên kết vùng và liên kết các địa phương và sản phẩm ngành tạo không gian phát triển thống nhất, khắc phục sự mâu thuẫn giữa quy hoạch quốc gia với quy hoạch vùng, ngành và quy hoạch cấp tỉnh, bảo đảm tính dự báo kịp thời, khách quan, ổn định, tính khả thi và thực tế của hoạt động quy hoạch”.

Theo ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương), việc quy hoạch phải lập theo thứ bậc từ trên xuống dưới, quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và quy hoạch đô thị, nông thôn trên cả nước; quy hoạch cấp dưới phải tuân thủ quy hoạch cấp trên và cho rằng, phải xác định danh mục dự án quan trọng quốc gia, đồng thời các quy hoạch ngành cũng phải được xác định phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia do Quốc hội quyết định.

Trong khi đó, ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) đưa ra phân tích: Các quy định liên quan đến quy hoạch, nhất là căn cứ quy hoạch, nội dung quy hoạch phải thể hiện rõ ràng trong luật. Đặc biệt phải thể hiện rõ quan điểm quy hoạch không dừng lại ở việc chỉ sử dụng đất đai, tài nguyên mà cần tính toán và sử dụng hiệu quả các nguồn nhân lực, tài lực khác; các yếu tố văn hóa truyền thống, đặc điểm dân cư phải được phân tích, cân nhắc kỹ khi lập quy hoạch.

Nói như lời ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) thì “Quy định quy hoạch được tạo lập theo thứ tự từ trên xuống dưới nếu được thực hiện sẽ tạo thành sự thống nhất trong quy hoạch, tránh sự chồng chéo, lãng phí trong xây dựng và thực hiện quy hoạch, hạn chế tình trạng manh mún, chắp vá. Do đó cần bảo đảm nguyên tắc quy hoạch cấp trên phải có trước quy hoạch cấp dưới. Các quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch gốc phải được làm trước, có như vậy mới nâng cao trách nhiệm của Chính phủ. Khi chưa có quy hoạch tổng thể quốc gia thì chưa được lập quy hoạch ngành, vùng, địa phương. Ngược lại muốn điều chỉnh quy hoạch ngành, vùng, địa phương phải điều chỉnh quy hoạch tổng thể quốc gia”.

Thẩm định kỹ trước khi phê duyệt

Đó là nhận định chung của nhiều ĐB để nhằm khắc phục tình trạng quy hoạch treo, đầu tư dàn trải, gây lãng phí trong phân bổ nguồn lực. ĐB Lê Công Đỉnh (Long An) đề nghị cần lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động của quy hoạch để đảm bảo tính khách quan, minh bạch. Do đó quy hoạch tỉnh cần lấy ý kiến các tỉnh ven cạnh xung quanh trước khi trình lên Thủ tướng. “Đặc biệt vai trò của cơ quan dân cử là vô cùng quan trọng cho nên trước khi lập quy hoạch phải có sự tham gia và lấy ý kiến của Mặt trận, đề cao vai trò giám sát của Mặt trận, HĐND để đảm bảo khả thi của quy hoạch, và phải giám sát ngay khi thẩm định lập quy hoạch”-ông Đỉnh cho hay.

Cùng chung quan điểm, ĐB Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) cho rằng, chính trong thời gian qua chúng ta không lấy ý kiến người dân, khu dân cư khi lập quy hoạch nên có sự chồng chéo làm phá vỡ quy hoạch nhất là quy hoạch đô thị trong đó có hạ tầng cấp nước, điện, thông tin, cáp quang khiến cho quy hoạch hạ tầng gây lãng phí. “Việc lấy ý kiến đóng góp trước khi lập quy hoạch là vô cùng quan trọng vì vậy cần lấy ý kiến của cộng đồng dân cư có liên quan trước khi lập quy hoạch. Quy hoạch tổng thể quốc gia phải trình để Quốc hội phê duyệt, xem xét thông qua để các quy hoạch đảm bảo sự thống nhất đối với những vấn đề quan trọng của quốc gia vì Quốc hội là quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia. Còn ở cấp tỉnh thì phải do HĐND quyết định”-bà Lan nói. Nói như lời ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang): Giám sát của người dân là vô cùng quan trọng cho nên cần xác định vai trò tham gia của người dân ngay từ bước lập quy trình để đảm bảo công khai minh bạch và công bố quy hoạch để thông tin cho người dân biết.

Đưa ra dẫn chứng bình quân mỗi tháng có 358 quy hoạch; trong giai đoạn từ 2011- 2020 cả nước có 13 nghìn 767 quy hoạch đã tiêu tốn của nền kinh tế hàng nghìn tỷ đồng, ĐB Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) cho rằng, quy hoạch phải đi trước một bước để tránh việc lập quá nhiều quy hoạch nhưng hiệu lực, hiệu quả chưa cao, chưa đảm bảo nguồn lực. Do đó hệ thống quy hoạch phải tuân thủ từ cao xuống thấp, từ tổng thể đến chi tiết. Cấp nào phê duyệt quy hoạch thì cấp đó được điều chỉnh quy hoạch. Đồng thời Quốc hội nên cân nhắc việc cá nhân tài trợ trong quá trình lập quy hoạch để đảm bảo tính minh bạch, khách quan nếu không sẽ có sự tác động của cá nhân có lợi ích của mình trong quy hoạch.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Văn Thể (Sóc Trăng) cho rằng, thẩm định quy hoạch là quan trọng nhất vì tư vấn có thể sơ sài chứ thẩm định cần phải thận trọng kỹ lưỡng trong nhiều khâu, nhiều đoạn, cần làm rõ trách nhiệm tổ chức cá nhân tham gia thẩm định. Bởi theo ông Thể, thẩm định làm càng kỹ càng tốt cho nên có thể kéo dài thời gian thẩm định. “Thẩm định tốt thì mới có quy hoạch tốt cho nên cần phải quy trách nhiệm đội ngũ thẩm định. Đồng thời phải có chế tài xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm để giúp cho việc thực hiện được nghiêm minh hơn”-ông Thể nói.

V. Thắng

Từ khóa

ý kiến mặt trận quy hoạch

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thoi-su-chinh-tri/lay-y-kien-cua-mat-tran-truoc-khi-lap-quy-hoach/136081