Lay lắt phận già trong rốn lũ

Cơn lũ tràn qua xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) giữa tháng 10, để lại nhiều tang thương, mất mát. Khi nước lũ rút đi, mọi người tập trung dọn dẹp những đống hoang tàn, khôi phục cuộc sống. Tuy nhiên, có những con người cứ sống lay lắt, hiu quạnh thật đáng thương.

Nước lũ đã rút đi gần một tuần nay, nhưng trên mọi ngả đường vào các thôn của xã Văn Hóa vẫn còn in đậm dấu ấn của một trận đại hồng thủy.

Ông Lê Đức Thịnh, Trưởng ban thanh tra nhân dân xã Văn Hóa trên đường dẫn chúng tôi đi vào thôn Hà Thâu, cho biết: “Nước lũ năm nay còn cao hơn cả trận lũ lịch sử 2007, chú cứ nhìn lên mấy ngọn tre thì biết, dấu nước đang còn đó”.

Theo ông Thịnh, ngày 13/10 nước lũ bắt đầu tràn về và dâng cao, cả xã ngập trong biển nước. Nhà ngập ít nhất cũng khoảng 1,5m, nhà bị ngập sâu nhất trên 3m. Nhiều đồ đạc, gia súc, gia cầm của người dân bị cuốn trôi theo dòng nước. Trong khi cuống cuồng chạy lũ, những người dân nơi đây không quên đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau, đặc biệt là những người già neo đơn luôn được quan tâm, hỗ trợ tìm đường tránh lũ.

Khi chúng tôi vào nhà, ông Trần Đức Hoành (72 tuổi, ở thôn Hà Thâu) ngồi thẫn thờ trên bậc thềm vắng lặng. Đôi mắt ông bị mù đã niều năm nay nên không nhìn thấy khách vào, chỉ nghe tiếng động thì nhướn người lên nghe ngóng.

Sau cơn lũ, ông Trần Đức Hoành như cô độc hơn với đôi mắt mù trong căn nhà lạnh vắng.

Ông Hoành vừa mò mẫm đi lại trong nhà vừa kể chuyện. Vợ ông đã mất 5 năm rồi, người con trai cũng mất vì bạo bệnh, để lại vợ và hai đứa con cũng ở gần nhà ông. Khi lũ tràn về đêm 14/10, ông cố gắng tìm đến cái cầu thang gỗ để trèo lên tra (gác xép làm bằng gỗ phía dưới mái nhà) nhưng vì không nhìn thấy gì nên ông cứ bị trượt mấy lần. May sao có mấy người hàng xóm lo lắng chạy sang, đưa cả con dâu và hai đứa cháu cùng lên tra ngồi tránh lũ.

“Nước dâng lên trong nhà gần 2m, may mà mọi người giúp đưa được cái bếp ga và nồi lên trên tra, nên hai ngày sau đó nhờ có mì tôm cứu trợ từ chính quyền địa phương, tôi và cháu pha mì tôm ăn trên tra chờ nước rút”, ông Hoành kể lại.

Nước lũ rút đi, ông Hoành lại mò mẫm dọn dẹp, sắp xếp lại mọi thứ trong nhà. Nhờ có sự trợ giúp của bà con, hàng xóm, ông bắt đầu lại cuộc sống cô độc. Tuy nhiên, trên nét mặt ông lúc này như u ám hơn, có một nỗi buồn hun hút không thể tả.

Cách nhà ông Hoành không xa là nhà của bà Bùi Thị Thêm (85 tuổi, ở thôn Bàu). Hoàn cảnh của bà Thêm còn bi đát hơn. Bà có hai đứa con gái đều lấy chồng ngoại tỉnh nên rất ít khi về thăm bà. Bà lại bị điếc, nên suốt ngày cứ lầm lũi chăm sóc mảnh vườn nhỏ có mấy bụi chuối, vạt rau. Đêm lũ về, may có đứa cháu họ gần nhà chạy sang đỡ bà lên trên tra ngồi tránh lũ. Việc ăn uống trong mấy ngày nước dâng cũng nhờ làng xóm san sẻ từng gói mì tôm. Khi chúng tôi đến nhà, bà đang loay hoay ngoài vườn để đỡ cây chuối bị đổ. Mặc dù chân tay cứ run cầm cập, nhưng bà vẫn cố bấm từng ngón chân vào lớp bùn nhão để giữ cho mình khỏi ngã.

Bà Thêm ngồi nhìn xa xăm như đang mong chờ những đứa con, đứa cháu về thăm

Hỏi chuyện bà, ai cũng phải đến gần rồi nói thật to thì bà mới nghe. Trong căn nhà chỉ có cái giường và mớ quần áo nhàu nát bên cạnh mấy cái nồi đen đúa, hầu như tài sản của bà không còn gì.

Ở thôn Xuân Tổng có bà Lương Thị Tình (84 tuổi), dù có ba đứa con nhưng đều đi làm ăn xa nên khi lũ về, bà cũng phải nhờ đến đứa cháu ở nhà bên cạnh cưu mang, đưa bà lên gác xép mới tránh khỏi bị lũ cuốn trôi.

Chị Trần Thị Thuận, là cháu dâu bà Tình kể: “Khi nước lũ lên, nhà tôi cũng có mẹ già là em của bà Tình, vừa cuống cuồng chuyển đồ vừa đưa mẹ lên chỗ cao thì chợt nhớ đến bà Tình ở một mình nên vội lội sang xem. Khi sang thì thấy bà đang chống cái giá sắt đứng dưới nước, vì bà mới bị ngã gãy chân chưa lành nên không trèo lên gác được. Tôi vội cõng cả mẹ sang rồi đưa hai bà lên gác ngồi. Hai ngày nước lũ dâng, hai bà ngồi trên tra ăn mì tôm sống”.

Bà Lương Thị Tình, vẫn phải chống cái giá sắt khi đi lại trong nhà, mọi chuyện sinh hoạt đều nhờ gia đình cháu họ ở gần nhà.

Ông Lương Thanh Tấn, Bí thư xã Văn Hóa cho biết, xã có 6 chiếc thuyền nhỏ dự phòng tình huống lũ lụt. Từ ngày 13/10, mưa to, nước lũ dâng lên ngập cả xã, mấy chiếc thuyền được huy động cùng với lực lượng công an viên, dân quân tham gia tiếp ứng và di chuyển người ở vùng nguy hiểm lên cao.

“Đội ngũ dân quân, công an viên túc trực 24/24 cùng với những chiếc thuyền cứu hộ này để sẵn sàng ứng cứu người dân, đặc biệt là những người già neo đơn, khi nào họ có chỗ trú ẩn an toàn thì chúng tôi mới an tâm. Tuy nhiên, vì thuyền nhỏ, khi gặp nước xiết vẫn không đảm bảo an toàn tuyệt đối”.

Ngày 24/10, đại diện Forcus Travel Group đã hỗ trợ cho UBND xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) số tiền 100 triệu đồng để mua một chiếc thuyền cứu hộ đảm bảo an toàn, đối phó lũ lụt.

Ông Nuyễn Ngọc Lương, Giám đốc Công ty AB Tour (trực thuộc Forcus Travel Group) chia sẻ: “Tôi là người con Quảng Bình, nhưng làm việc ở TP. Hồ Chí Minh và Nha Trang, vừa qua khi theo dõi tin tức được biết đồng bào quê mình bị thiệt hại nặng nề do lũ lụt, tôi cùng lãnh đạo 4 công ty trực thuộc tập đoàn Forcus Travel kêu gọi cán bộ, nhân viên quyên góp được hơn 171 triệu để hỗ trợ cho nhân dân vùng lũ Quảng Bình. Tôi hy vọng với số tiền 100 triệu đồng là tấm lòng của cán bộ, nhân viên tập đoàn sẽ mua được một chiếc thuyền cứu hộ cho xã Văn Hóa, góp phần tăng sự an toàn cho người dân vào mùa mưa lũ. Số tiền còn lại chúng tôi sẽ chia làm nhiều suất quà hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại ở xã Quảng Thủy, huyện Quảng Trạch và xã Phong Hóa, huyện Tuyên Hóa”.

Theo ông Lương, món quà của tập đoàn Forcus Travel đến với người dân vùng lũ tuy không lớn, nhưng đó là sự động viên tinh thần, giúp người dân có động lực vượt qua thiệt hại, sớm khôi phục cuộc sống.

Quang Cường

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/tin-nhanh/lay-lat-phan-gia-trong-ron-lu-c4a461067.html