Lay lắt chờ nước nổi

Chờ đợi lũ về đến mỏi mòn là tâm trạng của hàng ngàn người kiếm sống vào mùa nước nổi ở ĐBSCL

Các bậc cao niên ĐBSCL nói rằng khi con người đã biết cách sống chung và khai thác hiệu quả lợi thế từ lũ thì mỗi năm lũ về càng ít đi, thậm chí chẳng chịu về. Điều đó có lẽ đang thành hiện thực khi hàng ngàn người dân kiếm sống vào mùa nước nổi ở ĐBSCL đang chờ đợi con nước đến mỏi mòn. Lũ không về khiến người dân nghèo vùng sông nước lâm vào khốn khó Hết đường làm ăn Đã thành thông lệ, cứ sau Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch), nước trên hai con sông Tiền và sông Hậu bắt đầu chuyển sang màu đỏ. Đó là thời điểm báo hiệu bắt đầu mùa lũ khi những dòng phù sa sông Mekong từ thượng nguồn theo con nước tưới mát đồng bằng trù phú. Vậy mà năm nay, hiện đã gần hết tháng 8 âm lịch mà lũ vẫn chưa về. Bằng kinh nghiệm nhiều năm, một bô lão ở TP Long Xuyên - An Giang nhận xét: “Qua mùng 5 tháng 5 rồi mà con nước không quay (đổi màu và chảy xiết tạo thành vòng xoáy – PV), coi bộ tình hình lũ năm nay có vẻ bất thường”. Chúng tôi đem vấn đề này trao đổi với các ngành chức năng tỉnh An Giang - nơi đầu nguồn lũ - thì được giải thích rằng: “Lũ chỉ về muộn mà thôi”. Ông Võ Thạnh, Giám đốc Trung tâm Khí tượng – Thủy văn An Giang, cho biết đã qua thời điểm đỉnh lũ nhưng mực nước lũ đầu nguồn chưa đến 3 m, thấp hơn 1 m so với đỉnh lũ năm ngoái. “Đỉnh lũ năm nay chưa đạt đến mức báo động 1 (3,5 m). Lũ thấp là do lượng mưa thấp, các cơn mưa lớn đến muộn và ít hơn năm ngoái” - ông Thạnh phân tích. Quang cảnh đìu hiu tại các làng nghề ăn theo mùa nước nổi ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An và Hậu Giang khiến chúng tôi không khỏi bùi ngùi. Tại An Giang, làng nghề lưỡi câu Mỹ Hòa (phường Mỹ Hòa, TP Long Xuyên) năm nay vắng lặng. Mới hơn 15 giờ, bà Trần Thị Bạch, chủ cơ sở sản xuất lưỡi câu lớn nhất làng nghề, đã cho thu dọn hết đồ. Theo bà Bạch, năm nay số lượng lưỡi câu bán ra không bằng phân nửa năm ngoái. “Năm ngoái, nhà tôi lúc nào cũng chật kín người, thợ làm mỗi ngày từ 7 - 8 muôn (muôn = 10.000 – PV), vậy mà năm nay chỉ làm khoảng 3 muôn/ngày nhưng vẫn không bán hết” - bà Bạch than. Tương tự, làng nghề làm lọp cua (xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú), lọp cá linh (xã Phước Hưng, huyện An Phú) cũng hết sức đìu hiu. Ông Nguyễn Văn Tòng (ngụ cồn Cóc, xã Phước Hưng) có hơn 20 năm trong nghề làm lọp cá linh cho biết chưa năm nào làng nghề lại thê thảm như năm nay. “Cả làng nghề lọp có gần 70 hộ tham gia sản xuất thì nay chỉ còn 20-30 hộ. Nhiều mối lái gọi đặt hàng nhưng đến hẹn thì họ không nhận lọp vì trên đồng không có nhiều nước lấy cá đâu mà bắt? Gần 400 lao động nhàn rỗi tại địa phương cũng vì thế mà thất nghiệp” – ông Tòng rầu rĩ. Du lịch... “ngắc ngoải” Nước nổi không chỉ là mùa mưu sinh của người dân vùng sông nước mà còn là mùa làm ăn của các công ty du lịch, lữ hành. Thế nhưng, năm nay hầu hết các đơn vị này đều “ngắc ngoải” vì không có lũ. Khu du lịch Gáo Giồng (xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh - Đồng Tháp) từ lâu là điểm đến của rất nhiều du khách trong và ngoài nước. Vào mùa nước nổi, nơi đây tổ chức tour bơi xuồng tham quan các hệ sinh thái ngập nước và tham quan vườn chim. Du khách còn được thưởng thức các món ăn dân dã với các loại cá đồng được đánh bắt ngoài tự nhiên. Trên dãy nhà sàn “nổi” giữa cánh đồng ngập nước, du khách vừa thả hồn theo từng lời ca tiếng hát của những “danh ca cây nhà lá vườn” vừa thưởng thức món ngon đồng nội. Phong cảnh lãng mạn, hữu tình khiến du khách một lần đến đây thì không thể nào quên. Còn khu du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư (xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên -An Giang) tuyệt đẹp như một “ốc đảo xanh” nổi lên giữa bốn bề sông nước. Hằng năm, cứ vào mùa lũ, nơi đây thu hút hàng trăm ngàn lượt du khách đến tham quan, thưởng ngoạn và tận hưởng những phút giây hòa mình với thiên nhiên. Thế nhưng, do mực nước quá thấp, lượng du khách đến với các điểm du lịch nổi tiếng này đã sụt giảm đáng kể... Ông Lý Chấn An, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Du lịch thuộc Công ty Cổ phần Du lịch An Giang, cho biết hằng năm, trung tâm đều triển khai các tour du lịch mùa nước nổi và rất thành công. Theo ông An, du lịch mùa nước nổi đã trở thành điểm nhấn của du lịch An Giang từ nhiều năm qua, thế nhưng năm nay lại gặp khó khăn. “Nước lũ không lên dẫn đến mực nước trên các cánh đồng ít và các sản vật mùa lũ như chuột, cá linh, cá lóc... cũng không nhiều nên không thể hấp dẫn du khách. Thực trạng này buộc chúng tôi phải ngừng triển khai tour” – ông An nói. Đời sống xáo trộn

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/201010031111293p0c1002/lay-lat-cho-nuoc-noi.htm