'Lấy độc trị độc'

'Lấy độc trị độc' vốn được xem là một phương pháp điều trị trong y học. Song biện pháp này đôi khi cũng tạo nên những hiệu quả nhất định khi áp dụng vào việc xử phạt một số tình huống xảy ra trong cuộc sống.

Dù đã diễn ra cách đây hơn 1 năm, song đoạn clip ghi lại cảnh Tổ công tác 141 thực hiện nhiệm vụ bắt “quái xế” lạng lách, nẹt pô trên tuyến đường Võ Chí Công (quận Tây Hồ, Hà Nội) vẫn được lan truyền trên mạng xã hội. Điều khiến cộng đồng mạng ủng hộ tổ công tác là cách xử phạt những “quái xế” này. Trong đoạn clip, các chiến sĩ cảnh sát yêu cầu “quái xế” đứng phía sau xe và nghe lại chính tiếng pô xe của mình với âm lượng đinh tai, nhức óc, tựa như lúc họ lạng lách, nẹt pô ầm ĩ trên đường. Hầu hết không ai có thể chịu được quá 10 giây. Cách xử lý “lấy độc trị độc” này được mọi người đồng tình ủng hộ, bởi có như vậy, các “quái xế” mới hiểu được nỗi khổ của người dân sống trên tuyến đường hàng ngày phải chịu sự tra tấn của âm thanh kinh khủng ấy hàng đêm. Nhiều “quái xế” cũng thừa nhận, sau 1 phút phải nghe âm thanh từ chiếc pô xe mình độ chế cũng cảm thấy đau đầu, chóng mặt, buồn nôn và hứa sẽ không bao giờ tái phạm.

Hình thức “phạt” học sinh vi phạm nội quy, kỷ luật bằng cách đọc và viết cảm nhận về một cuốn sách có ý nghĩa khuyến khích các em đọc sách, hình thành thói quen đọc sách. Ảnh minh họa

Cùng cách xử lý “lấy độc trị độc”, vừa rồi, lực lượng Công an xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh), Công an phường 10 (quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) đã tập trung thu thập các số điện thoại được dán trên các trụ điện, mảng tường, nhà dân... và phát hiện 5 đối tượng làm nghề hút hầm cầu có hành vi dán quảng cáo trái phép, gây mất mỹ quan đô thị. Công an đã lập biên bản xử lý theo quy định, đồng thời đưa các đối tượng đi bóc gỡ tất cả những quảng cáo đã dán trái phép và bàn giao cho Công an nơi cư trú để tiếp tục theo dõi, quản lý, giáo dục. Hình ảnh các đối tượng đi bóc gỡ những tờ quảng cáo do chính tay mình dán lên trụ điện, tường nhà dưới sự giám sát của lực lượng chức năng được lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội. Và hẳn nhiên, sau hình phạt này, các đối tượng đã có một bài học nhớ đời, chắc chắn sẽ không dám tái phạm.

Mới đây, hình thức “phạt” học sinh vi phạm nội quy, kỷ luật bằng cách đọc và viết cảm nhận về một cuốn sách của Trường THPT Bùi Thị Xuân (Quận 1, TP. Hồ Chí Minh) cũng đã nhận về nhiều luồng ý kiến khen, chê. Song, theo nhà trường, hình thức này phần lớn được các em học sinh đồng tình, cảm thấy “phạt” như không phạt và có thêm hứng thú để đọc sách. Theo đó, mỗi khi phạm lỗi, các em phải ngồi yên đọc sách (tùy chọn) trong 45 phút và có 2 ngày để hoàn thành việc đọc và viết bài cảm nhận, nộp cho nhà trường. Hình thức này không chỉ thay thế cho những cách làm thông thường như dọn vệ sinh, chép phạt vốn không mấy hiệu quả mà còn có ý nghĩa khuyến khích các em đọc sách, hình thành thói quen đọc sách. Cũng từ đó mà các em được trau dồi nhân cách, bớt ngỗ nghịch và phạm lỗi hơn.

Cùng với các quy định xử phạt của pháp luật, việc tự khắc phục hậu quả, trực tiếp cảm nhận việc làm do mình gây ra cho mọi người cũng là một hình phạt hiệu quả nếu được áp dụng đúng đối tượng, đúng thời điểm, vừa mang tính răn đe song cũng giàu tính nhân văn.

PHƯƠNG VI

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/lay-doc-tri-doc-post239911.html