Lập và triển khai quy hoạch tài nguyên nước chung cho cả nước

Tại Hội thảo 'Quản lý nguồn nước liên tỉnh, liên quốc gia: Từ chính sách đến thực tiễn' hôm qua - 3/10, các đại biểu đều cho rằng, Việt Nam cần lập và triển khai quy hoạch tài nguyên nước chung cho cả nước, quy hoạch tài nguyên nước các lưu vực sông lớn, liên quốc gia liên vùng và quy hoạch tài nguyên nước của từng địa phương, làm cơ sở giải quyết đồng bộ các vấn đề chia sẻ, bảo vệ các nguồn nước liên tỉnh, liên quốc gia.

Ảnh minh họa: Internet

Là quốc gia nằm ở cuối các lưu vực sông lớn, nguồn tài nguyên nước ở Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thách thức. Hơn 2/3 lượng nước trên các hệ thống sông của Việt Nam được hình thành từ ngoài lãnh thổ, phụ thuộc vào các quốc gia láng giềng như Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan và Campuchia. Tăng trưởng kinh tế, sức ép dân số và chất lượng cuộc sống liên tục gia tăng trong những thập kỷ qua dẫn đến tình trạng ô nhiễm, suy thoái và cạn kiệt nguồn nước, đồng thời nảy sinh những mâu thuẫn, tranh chấp giữa các ngành sử dụng nước.

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, thách thức liên quan đến nguồn nước xuyên quốc gia đã tồn tại xuyên suốt lịch sử phát triển của nhân loại. Nhưng ngày nay, hơn bao giờ hết, các vấn đề đó đang ngày càng trở nên cấp bách, gay gắt, mang tính chiến lược và quy mô toàn cầu.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu - bối cảnh của sự gia tăng các mâu thuẫn trong sử dụng nguồn nước, đặc biệt là nguồn nước xuyên quốc gia, thì thách thức cơ bản đối với nguồn nước là: Sự phụ thuộc ngày càng mạnh mẽ vào nguồn nước, các con sông liên quốc gia; biến đổi khí hậu đang làm cho các nguồn nước xuyên lãnh thổ biến đổi phức tạp và rất khó lường; xu thế cạn kiện, suy thoái nguồn nước sạch, gồm cả các nguồn nước xuyên biên giới trong bối cảnh quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa đã và đang diễn ra mạnh mẽ ở nhiều nơi trên thế giới; sự đồng thuận, khung pháp lý và cơ chế phối hợp thực hiện các thỏa thuận quốc tế liên quan đến nguồn nước xuyên quốc gia còn chưa đầy đủ.

Ngoài ra, ở một số lưu vực sông xuyên quốc gia, các hiệp định, thỏa thuận về chia sẻ, sử dụng và bảo vệ nguồn nước còn chưa được một số nước thành viên tham gia; hay chỉ có một số hiệp định, thỏa thuận về một vài khía cạnh của tài nguyên nước mà chưa đề cập đến các khía cạnh sử dụng, chia sẻ lợi ích khác.

Việc đảm bảo an ninh nguồn nước đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của mỗi quốc gia. Nhiều phương pháp và cách tiếp cận quản lý mới đã được nghiên cứu và ứng dụng như phương pháp quản lý tổng hợp tài nguyên nước, phương pháp quản lý nước theo lưu vực sông, cách tiếp cận theo hệ thống: nước - năng lượng - lương thực, tiếp cận tăng trưởng xanh...

Nhận thức rõ những thách thức về tài nguyên nước, Việt Nam đã luôn nỗ lực trong đàm phán hợp tác quốc tế nhằm xây dựng cơ chế hợp tác quản lý hài hòa nguồn nước giữa các quốc gia; ban hành nhiều cơ chế, chính sách quan trọng nhằm quản lý, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên nước.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TH

Đại diện Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, ông Nguyễn Chí Công - Phó Tổng Giám đốc cho biết, tài nguyên nước mặt ở Việt Nam còn gặp nhiều thách thức như: Phụ thuộc vào nguồn nước đến từ Trung Quốc; cạnh tranh mâu thuẫn trong khai thác sử dụng gây mất an ninh nguồn nước; mực nước sông Hồng bị hạ thấp; biến đổi lòng dẫn trên hệ thống sông; hạn hán, thiếu nước trong mùa kiệt; những dự án chuyển nước chưa theo quy hoạch; một số đề xuất xây dựng chương trình trên dòng chính; ô nhiễm, suy thoái nguồn nước; hệ sinh thái thủy sinh với các loài thủy sản quý hiếm bị đe dọa; vấn đề về thông tin, số liệu.

Theo đó, ông Công đề xuất các giải pháp là: Hạn chế giảm thiểu suy thoái tài nguyên nước do biến đổi khí hậu; hạn chế giảm thiểu suy thoái tài nguyên nước do khai thác sử dụng bất hợp pháp; hạn chế giảm thiểu suy thoái tài nguyên nước do quản lý, tổ chức, thể chế; xây dựng chiến lược quản lý tổng thể tài nguyên nước cho lưu vực sông.

Đặc biệt, để chủ động và ứng phó với các kịch bản xấu về nguồn nước đến hiện nay và trong tương lai, các đại biểu kiến nghị nên tập trung tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thông tin về tài nguyên nước đến người dân, doanh nghiệp; tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên nước; đẩy mạnh công tác điều tra, quy hoạch tài nguyên nước; tập trung thanh tra, kiểm tra; xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về tài nguyên nước; tập trung xây dựng, triển khai cơ chế, chính sách tài chính về tài nguyên nước nhằm thúc đẩy sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tổ chức thực hiện có chính sách để thực hiện ưu đãi nhằm khuyến khích các hoạt động phát triển khoa học và công nghệ, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; tổ chức triển khai thực hiện các quy trình vận hành liên hồ chứa trong trên các lưu vực sông; đồng thời rà soát các quy trình đã ban hành đi đôi với kiểm tra, giám sát việc vận hành của các hồ chứa nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các sai phạm; tăng cường hợp tác quốc tế và thực hiện các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề về khai thác, sử dụng bền vững nguồn nước sông Hồng và Mê Công với các quốc gia thượng nguồn; tổ chức triển khai thực hiện các kiến nghị, đề xuất, giải pháp của Nghiên cứu, đánh giá tác động tích lũy của hệ thống thủy điện trên dòng chính sông Mê Công; đẩy mạnh công tác cảnh báo, dự báo diễn biến lượng mưa, tài nguyên nước và xâm nhập mặn phục vụ công tác điều tiết nguồn nước, đảm bảo đời sống, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân

Bảo Anh

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/moi-truong/lap-va-trien-khai-quy-hoach-tai-nguyen-nuoc-chung-cho-ca-nuoc_t114c1143n110075