Lập quỹ bình ổn giá điện: Có ổn?

TP - Cùng với việc giá điện được điều chỉnh theo quý căn cứ vào giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ, các đơn vị bán buôn điện có nghĩa vụ trích lập quỹ bình ổn để sử dụng vào mục đích bình ổn giá…, là những điểm mới trong cơ chế điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường đang được Bộ Công Thương xây dựng để trình Chính phủ. Nếu được duyệt, cơ chế điều chỉnh giá điện này sẽ được thực hiện từ năm 2011.

>> Sẽ điều chỉnh giá điện theo thị trường >> Bài toán thiếu điện, Chủ tịch HĐQT EVN: Không giải được Lo tác dụng phụ Theo phương án được xây dựng, hằng quý căn cứ vào giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ, cơ cấu sản lượng điện phát, đơn vị bán buôn điện tính toán tác động của các yếu tố đầu vào để xem xét điều chỉnh giá điện. Chênh lệch chi phí phát điện tăng hoặc giảm trong quý trước được đưa vào điều chỉnh tăng hoặc giảm giá điện trong quý sau khi vượt ngưỡng cho phép điều chỉnh. Trường hợp giá hàng hóa đầu vào tăng từ 1% đến 5%, đơn vị bán buôn điện được phép tăng giá điện bình quân quý tương ứng. Khi giá đầu vào tăng từ 5% đến 10%, đơn vị bán buôn điện được phép tăng giá 5% và cộng thêm 70% của mức trên 5% đến 10%. Phần chênh lệch chi phí còn lại được điều chỉnh vào các quý kế tiếp để bình ổn giá điện. Khi giá đầu vào tăng trên 10%, Thủ tướng Chính phủ công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá thông qua cơ chế bình ổn giá. Tuy nhiên, giá điện sẽ không được điều chỉnh nếu các yếu tố đầu vào biến động làm cho giá điện bình quân quý giảm hoặc tăng trong phạm vi 1%. Khi giá đầu vào giảm từ 1% đến 10%, đơn vị bán buôn điện phải giảm giá điện bình quân tương ứng. Trường hợp giá đầu vào giảm trên 10%, đơn vị bán buôn điện giảm giá điện khi cơ quan có thẩm quyền xem xét áp dụng cơ chế bình ổn giá tùy theo tình hình kinh tế - xã hội. Để thực hiện việc này, các đơn vị bán buôn điện có nghĩa vụ trích lập quỹ bình ổn giá để bình ổn giá điện. Quỹ bình ổn giá được lập tại doanh nghiệp, được hạch toán riêng và chỉ sử dụng vào mục đích bình ổn giá. Một chuyên gia kinh tế cho biết, việc lập quỹ bình ổn giá điện theo phương cách này tương tự việc hình thành quỹ bình ổn đối với mặt hàng xăng dầu. Tuy nhiên, quỹ bình ổn áp dụng với giá xăng dầu vừa qua cho thấy cần có sự điều chỉnh. Vì vậy, việc áp dụng phương pháp này cần có sự tính toán cụ thể. “Chi phí nhiều khâu của ngành điện như giá thành sản xuất 1 kWh, chi phí truyền tải, chi phí khâu phân phối bán lẻ, tỉ lệ tổn hao điện năng hiện chưa rõ ràng. Cùng với đó, nếu đưa vào vận hành thị trường phát điện cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay sẽ gặp một số khó khăn do về nguyên tắc, khi thị trường điện cạnh tranh hoạt động, hệ thống phải có dự phòng công suất từ 20% đến 30%. Các đơn vị phát điện cần cố gắng hạ chi phí, giảm tổn hao trước khi tính tới đề xuất tăng giá điện. Từ khi quỹ bình ổn giá xăng vào hoạt động, giá xăng dầu tăng nhiều hơn giảm”- vị chuyên gia nói. Khó cạnh tranh Khi áp dụng tính giá điện theo thị trường, lãnh đạo một công ty thủy điện lớn của Tập đoàn Điện lực Việt nam (EVN) nói rằng, nếu cạnh tranh về giá thì tập đoàn thắng tuyệt đối do phần lớn các nhà máy thủy điện của EVN đã hết khấu hao. Với giá bán điện nội bộ của doanh nghiệp này cho EVN chỉ ở mức 180 đồng đến 200 đồng/kWh, khó có doanh nghiệp nào khác ngoài ngành điện có thể cạnh tranh được. “Có những thời điểm nước về nhiều, chúng tôi có thể phát miễn phí 3 tháng liên tiếp cho EVN mà không cần lấy một đồng. Tuy nhiên thủy điện cũng có cái khó là phụ thuộc lượng nước về nhiều hay ít. Còn đầu tư thủy điện đương nhiên là siêu lợi nhuận”- Vị lãnh đạo tuyên bố. Ông Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho rằng, khó có thể tạo một thị trường điện cạnh tranh hoạt động hiệu quả nếu không tách các công ty mua bán điện và Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia ra khỏi EVN. Nếu cứ để một người vừa sản xuất lại vừa mua, vừa có quyền điều độ, mua của ai nhiều, mua ai ít thì sẽ khó cho sự cạnh tranh trên thị trường.

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/thoi-su/513646/lap-quy-binh-on-gia-dien-co-on.html