Lấp khoảng trống pháp lý

Việc kiểm tra tổng thể vấn đề quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử - văn hóa, đình, chùa trên toàn quốc thực sự cần thiết, là dịp để tổng hợp, đánh giá đầy đủ hơn về hoạt động này - Bộ Tài chính nêu quan điểm trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ.

Đề xuất này xuất phát từ kết quả đợt kiểm tra tiền công đức tại các di tích, đình, chùa ở tỉnh Quảng Ninh do Bộ Tài chính tiến hành, vừa xong và báo cáo Thủ tướng.

Sau đợt kiểm tra với Quảng Ninh, Bộ Tài chính cho rằng đến nay chưa có báo cáo đánh giá tổng thể về hoạt động này trên phạm vi cả nước mà mới chỉ dừng ở phạm vi di tích, theo cách làm riêng của mỗi địa phương. Đề xuất nêu trên dự kiến thời gian kiểm tra trong 2 năm 2022-2023. Đối tượng kiểm tra là các di tích lịch sử - văn hóa, đình, chùa đã được cơ quan thẩm quyền nhà nước cấp bằng xếp hạng di tích hoặc đưa vào danh mục kiểm kê di tích của địa phương theo quy định của Luật Di sản văn hóa.

Cả nước có 54.000 di tích các loại/ hạng. Tại các di tích này, mỗi năm tổ chức khoảng 9.000 loại lễ hội; trong đó có khoảng 7.000 lễ hội truyền thống, gần 1.400 lễ hội tôn giáo và hơn 400 lễ hội lịch sử, cách mạng. Tiền công đức vận động từ tín đồ, đạo hữu trong, ngoài nước và do bá tánh phát tâm cúng dường rất lớn nhưng lâu nay nguồn thu này không được kiểm toán, hầu như không bị buộc phải công khai, minh bạch.

Để giải quyết khoảng trống pháp lý đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 04/2023/TT-BTC hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội, có hiệu lực thi hành từ ngày 19-3. Thông tư 04 hướng dẫn khá cụ thể với tiền công đức là tiền mặt hoặc chuyển khoản. Dù vậy, các đối tượng trong phạm vi điều chỉnh của Thông tư 04 có làm đúng quy định hay không, là chuyện khác. Do đó, kiểm tra tổng thể việc quản lý, sử dụng tiền công đức trên toàn quốc là hợp lý. Các đơn vị trong diện bị kiểm tra - nếu thấy mình trong sạch, thu chi rõ ràng, đúng mục đích - thì chẳng có lý do gì phải lo ngại!

Lấp những lỗ hổng pháp lý là nhiệm vụ mà hệ thống chính trị phải tiến hành thường xuyên. Quan sát các đại án tham nhũng đã, đang bị bóc gỡ cho thấy các đối tượng đã lợi dụng triệt để kẽ hở luật pháp để trục lợi, đưa và nhận hối lộ. Điều này dễ dàng nhận thấy qua vụ án kit test Việt Á hoặc hàng loạt vụ giao đất trái luật, gây thất thoát tài sản công ở nhiều tỉnh, thành. Ngay cả khi pháp luật hình sự, tố tụng đã quy định kín kẽ nhưng cơ chế giám sát quyền lực đối với người thực thi pháp luật không chặt thì cũng bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực. Vụ án "chuyến bay giải cứu" đang xét xử cho chúng ta thấy điều này.

Pháp luật về tài chính, ngân hàng, đất đai… cũng tồn tại nhiều bất cập, không chỉ gây thất thoát nguồn lực công, đưa rất nhiều người vào vòng lao lý mà có lúc, có nơi làm suy giảm niềm tin trong dân chúng. Trong công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực…, không chỉ có những bản án nghiêm minh mà song song đó phải liên tục nhận diện và kịp thời vá kín những khoảng trống pháp lý.

QUANG HUY

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/goc-nhin/lap-khoang-trong-phap-ly-20230723221748854.htm