Lấp 'hố' ngăn nông phẩm hữu cơ với thị trường (bài 1)

LTS: Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là phương pháp an toàn, với sản phẩm không tồn dư kháng sinh, hóa chất, thuốc trừ sâu… Tuy nhiên, đến nay phương pháp này vẫn loay hoay trong việc sản xuất - tiêu thụ, đặc biệt là 'hố ngăn cách' sản phẩm với thị trường bởi chưa có chứng nhận pháp quy, chưa có tiêu chí rõ ràng về quản lý, trong khi chi phí sản xuất cao, tính cạnh tranh thấp… 'Hố ngăn cách' này cần sớm được lấp đầy để các hình thức sản xuất (cũng như tiêu thụ) không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm bị đẩy lùi và giúp cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tìm được chỗ đứng trên thị trường.

Bài 1: Chú trọng yếu tố tự nhiên

Thời gian qua, việc lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, kháng sinh, hoóc môn tăng trưởng... trong trồng trọt, chăn nuôi không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, mà còn khiến sản phẩm nông nghiệp Việt Nam thường xuyên bị nhận cảnh báo về tiêu chí chất lượng. Trong bối cảnh đó, sản xuất nông nghiệp hữu cơ (NNHC) chú trọng yếu tố tự nhiên, không sử dụng hóa chất tổng hợp, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích sinh trưởng… nên bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, có lợi cho sức khỏe cộng đồng. Thế nhưng, mô hình này hiện còn gặp nhiều khó khăn và hiện vẫn chưa được nhân rộng trong sản xuất nông nghiệp...

Mô hình sản xuất rau hữu cơ của Tập đoàn TH True Milk. Ảnh: Khánh Huy

Những con số đáng báo động

Trong một thời gian dài, sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào phân bón, thuốc trừ sâu. Chẳng hạn năm 2015, Việt Nam đã nhập khẩu 105.000 tấn thuốc trừ sâu với trên 3.500 nhãn hiệu khác nhau, cao hơn 30 lần so với năm 1990 và các con số này đang tăng theo từng năm. Không những thế, nước ta còn nhập khẩu nhiều phân bón hóa học (Ure, DAP, SA, NPK, Kali). Năm 2015, giá trị nhập khẩu phân bón hóa học lên tới 1,2 tỷ USD, với khoảng 10.000 nhãn hiệu đang lưu hành trên thị trường. Riêng trong 8 tháng năm 2016, Việt Nam đã nhập gần 2,8 triệu tấn phân bón, với giá trị 748 triệu USD.

Lý giải về tình trạng này, ông Đào Đức Liêm - Giám đốc Trung tâm Các giải pháp thích ứng và phát triển xanh cho biết, sản xuất nông nghiệp Việt Nam có xu hướng chuyển sang sản xuất theo mô hình trang trại lớn nên cần nhiều phân bón và thuốc trừ sâu hơn để tăng sản lượng. Tuy nhiên, việc lạm dụng phân bón và thuốc trừ sâu hóa học không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe người dân mà trước hết, làm sản phẩm nông nghiệp đạt chất lượng kém, thậm chí có nguy cơ cao mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) và người sản xuất chịu thiệt hại.

Thực tế, việc sử dụng quá liều hóa chất một cách thường xuyên trong thời gian dài đã phá hủy môi trường đất, nguồn nước và không khí, là một trong những nguyên nhân làm gia tăng bệnh ung thư và các loại bệnh khác. Theo số liệu của Trung tâm này, số ca bị ung thư của Việt Nam tăng lên rất nhanh trong những năm gần đây và hiện có tốc độ khoảng 200.000 ca/năm. “Đây thực sự là con số đáng báo động và việc sử dụng các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan trong sản xuất nông nghiệp vẫn chưa có biện pháp khắc phục” - ông Đào Đức Liêm cho biết.

Đáng chú ý, một số người dân còn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo chỉ dẫn. Chị NTM, hộ trồng rau ở xã Tân Minh (huyện Thường Tín) cho biết: Mặc dù xã có tuyên truyền về thuốc sinh học nhưng gia đình ít khi mua thuốc của hợp tác xã nông nghiệp mà chủ yếu mua của các đại lý và nguồn gốc thuốc chủ yếu của Trung Quốc…

Ít mô hình sản xuất hữu cơ

Trước thực trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa học, kháng sinh trong sản xuất nông nghiệp ở mức báo động, nhiều địa phương đã và đang triển khai các mô hình hữu cơ (sản xuất thịt, rau, cá…), cung cấp ra thị trường sản phẩm thân thiện với môi trường. Thực tế, sản xuất NNHC chú trọng yếu tố tự nhiên, chỉ sử dụng phân hữu cơ đã hoai mục; không sử dụng hóa chất tổng hợp trong các vật tư đầu vào; không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa học, thuốc kích thích sinh trưởng, các vật liệu biến đổi gen… nên bảo đảm ATVSTP.

Mặc dù vậy, mô hình sản xuất hữu cơ trên cả nước còn rất ít. Thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho thấy, diện tích sản xuất NNHC cả nước hiện mới đạt 23.400ha, xấp xỉ 0,2% tổng diện tích sản xuất nông nghiệp. Theo ông Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, sản xuất NNHC ở Việt Nam có từ lâu nhưng chỉ mới được quan tâm thời gian gần đây khi tình trạng mất ATVSTP đến mức báo động. Cũng vì vậy, việc tổ chức sản xuất và quản lý sản phẩm trên thị trường còn nhiều bất cập.

Tại Hà Nội, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Thị Thoa cho biết: Từ năm 2008, Hà Nội triển khai sản xuất mô hình rau hữu cơ tại xã Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn) do Dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ VNFU-ADDA tài trợ và đã tổ chức được 10 nhóm hộ nông dân vào năm 2012. Từ đó đến nay, Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội phối hợp với xã Thanh Xuân tiếp tục duy trì và mở rộng vùng rau hữu cơ tại đây, nâng số nhóm lên 26, với diện tích 31ha. Theo bà Hoàng Thị Hậu - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Xuân (Sóc Sơn), trung bình hằng tháng các nhóm sản xuất rau hữu cơ tại Sóc Sơn đưa ra thị trường 40 - 50 tấn rau. Nhìn chung, chất lượng rau được các công ty thu mua cũng như người tiêu dùng đánh giá cao. Ngoài sản xuất rau hữu cơ theo các nhóm hộ nông dân, một số doanh nghiệp đã tiên phong tham gia như Công ty Việt Liên, Công ty TNHH sinh thái Hòa Lạc…, mỗi ngày cung cấp ra thị trường 10-30 tấn rau và vài chục tấn thịt lợn phục vụ người tiêu dùng.

Tuy có những ưu thế vượt trội nhưng sản xuất rau hữu cơ ở Hà Nội cũng chỉ chiếm khoảng 0,1% tổng diện tích và đang bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc.

(Còn nữa)

Ngọc Quỳnh - Bạch Thanh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/849620/lap-ho-ngan-nong-pham-huu-co-voi-thi-truong-bai-1