Lấp đầy khoảng trống TPP

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cầu nối thương mại giữa Mỹ, Nhật Bản và các nước châu Á, đang chết.

Tân Tổng thống Mỹ - ông Donald Trump – thề sẽ loại bỏ hiệp định này trong ngày đầu tiên nhậm chức. Đây không phải là điều gì đó quá khó để thực hiện bởi trên thực tế, thỏa thuận thương mại đã “chết” từ trước đó. Động thái của ông Trump chỉ đóng vai trò tuyên bố chính thức.

Cả 2 đảng lớn nhất tại Mỹ và Đảng Dân chủ của bà Hillary Clinton và Đảng Cộng hòa của ông Trump đều lên tiếng phản đối TPP. Trong số những ứng cử viên tranh cử lần này, chỉ có ông Bernie Sanders là ủng hộ hiệp định nhưng ông không nằm trong Top 2 ứng cử viên hàng đầu.

Những nhà hoạt động cấp tiến biểu tình trên các đường phố Mỹ với biểu ngữ “Dừng TPP”. Hiệp định đối tác kinh tế lớn nhất từ trước tới nay được coi là vật tế thần trong cuộc tranh cử lần này. Nói chính xác hơn, chính những lo ngại về toàn cầu hóa của người Mỹ đã giết chết TPP.

Loại bỏ TPP sẽ chỉ mang tới những tác động rất nhỏ cho nền kinh tế số 1 thế giới. Rủi ro thực sự giành cho uy tín toàn cầu của Mỹ và nền kinh tế của các nước đồng minh quan trọng.

Khoảng trống TPP để lại sẽ được Nga và Trung Quốc lấp đầy. Hai quốc gia này đang thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do của riêng mình tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Các thỏa thuận này bao hàm yếu tố chính trị cao: Củng cố liên minh và mang tới tầm ảnh hưởng cho các nước lớn. Không hội nhập sâu hơn vào thị trường châu Á, Mỹ đang tự làm suy yếu đồng minh quan trọng nhất của mình tại khu vực này – Nhật Bản – và đánh mất cơ hội củng cố mối quan hệ với Việt Nam. Việt Nam và các quốc gia châu Á khác giờ đây sẽ có thêm động cơ để tiến tới thỏa thuận với các đối thủ của Mỹ.

Loại bỏ TPP, Mỹ đánh mất cơ hội tăng cường quan hệ với Việt Nam

Nếu có hiệu lực, TPP sẽ thúc đẩy các nền kinh tế đồng minh của Mỹ. Với thị trường hàng hóa chất lượng, Việt Nam có thể sẽ tận dụng được hết lợi thế của ngành xuất khẩu và bước vào con đường thành công như những gì Hàn Quốc hay Đài Loan từng đi.

Trong khi đó, Nhật Bản có thể dùng TPP làm đòn bẩy cho kế hoạch mới nhằm vực dậy nền kinh tế ốm yếu hiện nay. Từ lúc Tổng thống Mỹ - ông Barack Obama – khởi xướng TPP, chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe luôn tìm cách tăng năng suất thông qua việc mở cửa các ngành công nghiệp để tăng tính cạnh tranh toàn cầu. Đáng ra, TPP đã có thể giúp được Nhật Bản. Nền kinh tế Nhật Bản càng mạnh, Mỹ sẽ càng phụ thuộc vào nước này trong trường hợp đối đầu với Trung Quốc và Triều Tiên.

Nhưng điều gì xảy ra cũng đã xảy ra. Câu hỏi là: Mỹ sẽ làm thế nào để hạn chế những rủi ro từ sự sụp đổ của TPP?

Việc Mỹ có thể thực hiện ngay bây giờ là tiến tới một hiệp định thương mại song phương với Nhật Bản. Điều này sẽ giúp trấn an các đồng minh hàng đầu của Mỹ tại châu Á.

Nhật Bản là một nền kinh tế phát tiển, do đó thỏa thuận thương mại tự do Mỹ-Nhật Bản không những không đẩy các công nhân tại Mỹ vào tình cảnh thất nghiệp mà còn mang tới cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Mỹ. Nhiều ngành công nghiệp của Nhật Bản đang được bảo hộ bởi các quy định và hàng rào phi thuế quan, điển hình nhất là ngành công nghiệp ô tô, tài chính, viễn thông, vv. Tại Nhật Bản, những ngành được bảo hộ thường có năng suất kém hơn so với ở Mỹ bởi họ không phải đối mặt với vấn đề cạnh tranh.

Bên cạnh đó, việc mở cửa ngành du lịch thông qua thỏa thuận thương mại tự do Mỹ-Nhật Bản cũng sẽ giúp các công ty tại đất nước Mặt trời mọc tăng năng suất thông qua việc áp dụng thực tiễn kinh doanh hiện đại. Tuy nhiên, cũng có một vấn đề tiềm tàng với các nhà xuất khẩu tại Mỹ bởi những gì họ mang tới Nhật Bản là dịch vụ chứ không phải hàng hóa.

Ngoài dịch vụ, công nghệ là thứ người Mỹ có thể dùng để kiếm lời tại Nhật Bản. Đất nước châu Á từng “phổ cập” Walkman và VCR cho Mỹ nhưng giờ đây họ lại đang phát cuồng vì iPhone. Các sản phẩm công nghệ Mỹ thực sự hấp dẫn người Nhật Bản và một thỏa thuận thương mại có thể thúc đẩy xu hướng đó.

Về mặt chính trị, một thỏa thuận thương mại giữa 2 nước đang tỏ ra khá hấp dẫn với các nhà lãnh đạo. Tổng thống Trump có thể dùng thỏa thuận này để dằn mặt các đối tác khác trong các cuộc đàm phán tiếp theo. Trong khi đó, Thủ tướng Abe lại có thể củng cố bức tường an ninh và cải cách cơ cấu thông qua mối quan hệ sâu sắc với Mỹ. Đó là viễn cảnh đôi bên cùng có lợi.

Vì vậy, khi TPP sắp chính thức bị chôn vùi, thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Nhật Bản có thể là điều đầu tiên diễn ra sau đó. Nhật Bản là quốc gia lớn và là đồng minh quá quan trọng để Mỹ có thể thờ ơ. Bằng việc thu hẹp khoảng cách giữa 2 nền kinh tế, cả Mỹ và Nhật Bản sẽ đều được hưởng lợi.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/lap-day-khoang-trong-tpp-20161209012025457p145c151.news