Lao động thất nghiệp không 'mặn mà' học nghề miễn phí

6 tháng đầu năm 2022, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh có quyết định duyệt chi trả trợ cấp thất nghiệp cho 2.279 lao động. Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nay hầu hết người lao động khi làm hồ sơ hưởng BHTN chỉ quan tâm đến tiền trợ cấp thất nghiệp, giới thiệu việc làm mà bỏ qua cơ hội học nghề miễn phí để nâng cao trình độ hoặc chuyển đổi nghề nghiệp.

Đào tạo nghề công nghệ ô tô tại Trường Cao đẳng Cơ điện Việt Xô.

Anh Bùi Văn Lĩnh (huyện Gia Viễn) làm việc tại một siêu thị điện máy. Từ cuối năm ngoái, siêu thị nơi anh Lĩnh làm việc đã thu gọn quy mô kinh doanh do vắng khách, anh Lĩnh phải nghỉ việc. Anh Lĩnh đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để làm hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp và đã có quyết định hưởng trợ cấp được gần 3 tháng.

Anh Lĩnh cho biết, trong thời gian này, bản thân cũng tích cực đi tìm hiểu và xin việc làm ở vài nơi nhưng vẫn chưa tìm được việc làm phù hợp. "Trong lúc chờ tìm việc mới tôi đi làm tự do cùng một nhóm thợ. Tôi đã có nghề điện, túc tắc làm tự do để chờ chỗ làm mới. Nếu bây giờ muốn chuyển đổi sang một nghề khác mà thỏa mãn các tiêu chí: phù hợp với năng lực, sở thích cá nhân và có chỗ đứng trong thị trường thì tôi sẽ mất một thời gian dài để học, trong khi chính sách hỗ trợ chỉ được khoảng 1,5 triệu đồng/ tháng, tối đa 6 tháng. Số tiền ấy có khi chưa đủ để chi trả cho việc học ở trường, chưa nói đến các khoản sinh hoạt khác. "- anh Lĩnh lý giải lý do không học nghề sau khi bị thất nghiệp.

Theo số liệu từ Phòng BHTN, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, trong 2 năm qua, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên số lao động làm thủ tục hưởng chế độ BHTN tăng cao.

Từ đầu năm 2022 đến nay, đã có 2.279 lao động có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Con số này dù có giảm so với năm 2021, 2020, nhưng vẫn là ở mức cao so với cùng kỳ những năm chưa có dịch COVID-19. Với số lượng lớn người lao động đến Trung tâm làm hồ sơ hưởng trợ cấp BHTN mỗi ngày, Trung tâm đã tăng cường nhân lực, hỗ trợ phòng BHTN hướng dẫn để người lao động hoàn thiện hồ sơ nhanh gọn, đúng quy định.

Đặc biệt, với mục tiêu để người lao động sớm quay trở lại thị trường việc làm,Trung tâm đã bố trí cán bộ thực hiện đa dạng các hình thức tuyên truyền, tư vấn để người lao động đăng ký học nghề sau khi bị thất nghiệp. Nỗ lực là vậy, tuy nhiên, trong số hàng ngàn lao động có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp từ đầu năm 2022 đến nay, chỉ có duy nhất 1 trường hợp đăng ký học nghề.

Thực tế cho thấy, việc học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp sang các nghề mà thị trường đang có nhu cầu hoặc nâng cao trình độ tay nghề đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp là một giải pháp quan trọng, giúp người lao động có việc làm ổn định, lâu dài và thu nhập tốt.

Tuy nhiên, có một thực tế là người lao động lại không mặn mà với chính sách này. Thực trạng này đã diễn ra từ nhiều năm nay. Cá biệt như trong năm 2021, mặc dù có tới 4.943 lao động có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng cũng chỉ có 1 lao động đăng ký học nghề.

Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, những nguyên nhân chính khiến người lao động không muốn học nghề sau khi thất nghiệp là bởi mức hỗ trợ học nghề còn thấp, thời gian thụ hưởng ngắn và danh mục nghề nghiệp chưa đa dạng.

Đầu tháng 4/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 17/2021/QĐ-TTg về Quy định mức hỗ trợ học nghề đối với lao động tham gia Bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng thì mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1,5 triệu đồng/người/tháng, thời gian học không quá 6 tháng.

Như vậy, mức hỗ trợ theo Quyết định số 17 của Thủ tướng Chính phủ đã tăng so với mức hỗ trợ trước đó 500 nghìn đồng/người/tháng. Tuy đã có sự điều chỉnh nhưng đây vẫn là mức hỗ trợ thấp so với thực tế. Với mức hỗ trợ này, người lao động cũng không thể học những ngành nghề trình độ trung cấp trở lên, những nghề chất lượng cao, có tính thu hút lớn.

Còn với trình độ nghề sơ cấp, người lao động trong quá trình đi làm đã được doanh nghiệp đào tạo tại chỗ theo hình thức vừa làm vừa học. Trong bối cảnh thu nhập bị ảnh hưởng nhiều do dịch COVID-19 trong suốt hơn 2 năm qua, thời điểm này, người lao động chỉ muốn đi làm để có thu nhập ngay.

Ông Lã Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phân tích: Đại đa số lao động thất nghiệp là lao động phổ thông. Khi bị mất việc, tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp mới chỉ bù được một phần khó khăn cho cuộc sống của người lao động. Bởi vậy, chính sách hỗ trợ, tư vấn, định hướng nghề nghiệp nếu được thực hiện tốt sẽ thực sự trở thành chiếc "phao cứu sinh" cho người lao động, nhất là trong thời điểm tình hình kinh tế, cơ cấu cung- cầu lao động có nhiều biến động như hiện nay.

Nhằm tạo điều kiện cho người lao động hiểu đúng và đủ về chính sách BHTN, Trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh tư vấn trực tiếp tại nơi đăng ký BHTN để tạo điều kiện thuận lợi cho lao động thất nghiệp đăng ký tìm việc và học nghề.

Đồng thời, tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức về những điểm mới trong quy định về dạy nghề cho người thất nghiệp đến tận các doanh nghiệp và người lao động. Trung tâm cũng sẽ chủ động liên kết với các cơ sơ dạy nghề có uy tín nhằm tổ chức các lớp dạy nghề phong phú, phù hợp với nhu cầu học nghề của người lao động và các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, về lâu dài, để thu hút lao động thất nghiệp học một nghề phù hợp với bản thân trước khi quay trở lại tham gia vào thị trường việc làm thì các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu để đề xuất nâng mức hỗ trợ học nghề; kéo dài thời gian hỗ trợ học nghề; xây dựng danh mục nghề nghiệp, chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, tạo việc làm bền vững cho nhóm lao động sau thất nghiệp...

Thiết nghĩ, chỉ khi thay đổi để tăng tính hấp dẫn của chính sách BHTN, đồng thời nâng cao hiệu quả giải quyết việc làm cho nhóm lao động đặc thù này thì việc học nghề mới thực sự thu hút được lao động tham gia một cách chủ động nhất. Và chỉ khi ấy, chính sách mới đi vào cuộc sống, hoàn thành "sứ mệnh" là đảm bảo an sinh xã hội.

Bài, ảnh: Đào Hằng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/lao-dong-that-nghiep-khong-man-ma-hoc-nghe-mien-phi/d20220722095510708.htm