Lao động ở TPHCM: Thờ ơ với xuất ngoại

TP - Thời gian qua, TPHCM đã nỗ lực hỗ trợ tối đa người lao động đi nước ngoài làm việc, nhưng đa số người lao động vẫn chưa mặn mà với “con đường” này.

Theo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) TPHCM, trên địa bàn thành phố có hơn 57 công ty, chi nhánh công ty xuất khẩu lao động. Trong 9 tháng đầu năm 2010, TPHCM đã đưa 3.497 lao động đi làm việc tại nước ngoài, trong đó có 3.303 lao động do doanh nghiệp đưa đi. Đa số vẫn tập trung đưa lao động tới các thị trường truyền thống lớn như Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Số lượng lao động đi làm việc tại nước ngoài chỉ tính bằng vài ngàn như vậy vẫn còn khá thấp so với yêu cầu giải quyết việc làm của thành phố. Thực tế cho thấy, đa số lao động thành phố thường thích đi làm việc ở những thị trường có thu nhập cao như Nhật Bản, Hàn Quốc… Trong khi, chỉ tiêu đi Hàn Quốc và Nhật Bản không phải lúc nào cũng nhiều để đáp ứng được nhu cầu của người lao động. Mặt khác, những thị trường lao động thu hút nhiều lao động trước kia thì nay cũng không còn đủ sức hấp dẫn người lao động, vì làm việc tại những thị trường này cho thu nhập thấp (như thị trường Malaysia, Trung Đông...). Chị Lê Thị Hồng (nhà ở phường 15, quận Bình Thạnh), đang tìm việc tại Trung tâm Giới thiệu việc làm thành phố nêu ý kiến: “Làm việc trong nước trung bình cũng có thể kiếm được 2 – 3 triệu đồng/tháng với nhiều nghề đơn giản như phụ hồ, may mặc, giày da... Trong khi đó, sang Malaysia hay Trung Đông lao động cũng chỉ kiếm được 4- 5 triệu đồng/tháng mà lại phải sống cảnh xa nhà”. Theo ông Trần Văn Thạnh, Phó Giám đốc Công ty Suleco, trong tổng số chỉ tiêu xuất khẩu lao động hằng năm, công ty đã dành 20% cho những người nghèo đi xuất khẩu lao động theo chương trình liên kết với Ban Chỉ đạo xóa đói giảm nghèo và việc làm TPHCM, tuy nhiên con số này rất khó đạt được. Bởi người lao động chưa mặn mà và chưa xem việc xuất khẩu lao động là nhu cầu bức thiết để tránh thất nghiệp, giảm nghèo, tăng thu nhập... Ngoài ra, còn do người lao động không đủ điều kiện xuất khẩu lao động; không đủ tiền thế chấp, không có tay nghề cao… Chẳng hạn đi Hàn Quốc người lao động phải đóng khoản tiền hàng ngàn USD ký quỹ chống trốn; đi Nhật Bản, người lao động phải thế chấp nhà đất... Ông Nguyễn Văn Xê, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH TPHCM cho biết: “Trong thời gian qua, thành phố luôn hỗ trợ tối đa cho người lao động có nhu cầu đi làm việc tại nước ngoài. Trong đó, ưu tiên đối tượng xóa đói giảm nghèo được vay 100% chi phí ban đầu. Riêng Quỹ xóa đói giảm nghèo cho vay 50 triệu đồng/đối tượng, nếu thiếu, người lao động sẽ vay ở ngân hàng chính sách khoảng 30 triệu đồng/đối tượng.

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/kinh-te/515586/lao-dong-o-tphcm-tho-o-voi-xuat-ngoai.html