Lao động có nguy cơ 'trắng tay' vì phiếu thu tiền không dấu

Người lao động cầm trên tay những tấm giấy biên nhận tiền lên đến hàng chục triệu đồng nhưng được viết khá cẩu thả, không có giá trị pháp lý. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia nhận định, nếu xảy ra tranh chấp với doanh nghiệp xuất khẩu lao động (XKLĐ) thì người lao động có nguy cơ trắng tay.

Hàng chục lao động chen chúc nhau trong căn phòng chật chội. Ảnh: Đỗ Lực

Thu tiền sai quy định

Bộ LĐ TB&XH đã ban hành nhiều công văn chấn chỉnh tình trạng thu lạm phí trong lĩnh vực XKLĐ sang thị trường Nhật Bản là: “Doanh nghiệp chỉ được thu của người lao động không quá 5,9 triệu đồng/khóa tiếng Nhật (tương ứng với thời lượng khoảng 520 tiết/khóa học). Còn các khoản thu khác chỉ được thu sau khi lao động đã được phía Nhật Bản cấp tư cách lưu trú và doanh nghiệp đã ký hợp đồng đưa lao động sang Nhật Bản với lao động”. Thế nhưng việc này lại đang bị Trung tâm XKLĐ số 02 (gọi tắt là Trung tâm, thuộc Công ty CP Simco Sông Đà) làm biến tướng.

Theo đó, mỗi lao động tìm đến Trung tâm này đều được các nhân viên tư vấn ở đây yêu cầu đóng 5 triệu đồng tiền học phí và 10 triệu đồng tiền đặt cọc đơn hàng. Thế nhưng, sau khi đóng các khoản phí trên, người lao động chỉ được nhân viên kế toán của Trung tâm phát cho một phiếu thu đóng dấu đã thu tiền, không có con dấu Công ty CP Simco Sông Đà.

Ở Trung tâm XKLĐ số 02, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị T (quê ở Nam Định) đang được các nhân viên ở đây tư vấn. Chị T được hướng dẫn đóng 15 triệu đồng cho kế toán của Trung tâm. Sau khi nộp tiền, chị T chỉ được nhận tờ phiếu thu đóng sẵn dấu “Đã thu tiền” mà không kèm dấu đỏ của Công ty. Khi người lao động thắc mắc thì nhân viên kế toán và nhân viên tư vấn của Trung tâm cho biết: Không cần thiết.

Hay như trường hợp của lao động B (ở Nam Định) cũng được nhân viên tư vấn của Trung tâm XKLĐ số 02 yêu cầu đóng 15 triệu đồng khi bắt đầu nhập học ở Trung tâm. Nhận lại, lao động B cũng chỉ được phát cho một phiếu thu không có con dấu của Công ty.

Sau khi lao động thi đỗ đơn hàng, để tiếp tục “giữ chân” lao động, Trung tâm yêu cầu lao động đóng thêm hàng chục triệu đồng khác. Có trường hợp lao động đỗ đơn hàng phải đóng thêm 70- 80 triệu đồng. Để thực hư câu chuyện người lao động tham gia học ở Trung tâm XKLĐ số 02 phải đóng trước các khoản tiền hàng chục triệu đồng trái quy định của Bộ LĐ TB&XH, chúng tôi đã tiếp cận với nhân viên tư vấn của Trung tâm. Nhân viên này cho biết, các đơn hàng của Trung tâm rất đa dạng. Nếu đi đơn hàng ô tô, phí sẽ là 6.800 USD, cộng với 2.000 USD tiền cọc thì tổng phí phải đóng là 8.800 USD/lao động. Sau khi tư vấn đơn hàng cho lao động, chúng tôi được yêu cầu đóng trước 15 triệu đồng, bao gồm 5 triệu đồng tiền học phí và 10 triệu đồng đặt cọc đảm bảo lao động sẽ thi đơn hàng. Do chưa chuẩn bị được tiền, chúng tôi xin đóng trước 2 triệu đồng tiền học phí.

Sau khi đóng một phần học phí, chúng tôi được nhân viên thu tiền giao cho một phiếu thu không có dấu đỏ của Công ty. Sau khi thắc mắc, chúng tôi được nhân viên thu tiền cho biết: “Em không phải lo lắng, bởi tất cả học viên đóng tiền vào Trung tâm đều nhận được phiếu thu như thế. Có chuyện gì em cứ mang giấy này lên đây, Trung tâm sẽ giải quyết…”.

Sau khi đóng tiền, chúng tôi được Trung tâm sắp xếp nơi ăn học. Trong căn phòng chưa đầy 50m2, chúng tôi được sắp xếp ở với gần 30 người khác. Căn phòng không có giường, mỗi lao động được Trung tâm phát cho một chiếu nhỏ, nằm chen chúc cạnh nhau. Các lao động cho biết, để tham gia lớp học nguồn (lớp dành cho các học viên mới - PV), họ được nhân viên của Trung tâm tư vấn các đơn hàng cao ngất ngưởng, rẻ nhất cũng phải 6.000 USD/lao động trở lên.

Còn các lao động ở lớp học sau tạo nguồn (các lao động đã đỗ đơn hàng - PV) cho biết, họ đã đóng khoản tiền hàng chục triệu đồng cho Trung tâm, thậm chí có người đã đóng gần 100 triệu đồng. Một lao động xin được giấu tên, cung cấp cho chúng tôi biên lai thu tiền triệu mà không có dấu đỏ của Công ty cho biết, anh đã đóng 15 triệu đồng tiền học và gần 50 triệu đồng tiền đặt cọc. Số tiền còn lại gần 100 triệu đồng cũng được Trung tâm yêu cầu đóng khi anh hoàn thành tư cách lưu trú.

Lao động có thể lấy lại tiền đã đóng

Phiếu thu 2 triệu đồng của Trung tâm XKLĐ số 02 không có dấu đỏ của Công ty CP Simco Sông Đà.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thiện Mỹ, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Simco Sông Đà cho biết: “Mức phí ở đây quy định 3.600 USD/lao động cộng học phí khoảng 5,9 triệu đồng thì tổng cộng là khoảng 3.900 USD/lao động. Bổ túc thêm tay nghề cho người lao động mất 1 - 2 triệu đồng/lao động, bổ túc thêm tiếng Nhật cũng chỉ giao động thêm 100 - 200 USD/lao động. Như vậy, phí rơi vào khoảng trên 4.000 USD/lao động. Đấy là chi phí thực tế của lao động. Mức phí lên cao như thế này (6.000 USD - 8.000 USD/lao động), chúng tôi yêu cầu Trung tâm XKLĐ số 02 giải trình”.

Trước việc Trung tâm XKLĐ số 02 thu tiền đặt cọc 10 triệu đồng của lao động khi mới vào nhập học, ông Mỹ khẳng định không được phép thu như vậy. Ông Mỹ nói: “Thu tiền đặt cọc đơn hàng là không đúng vì đã có đơn hàng đâu mà đặt cọc việc thu. Công ty không bao giờ có quy định về việc đó cả”...

Việc Trung tâm XKLĐ số 02 tổ chức thu tiền của lao động khi chưa ra tư cách lưu trú, đối tác chưa ký hợp đồng với lao động, ông Mỹ cho rằng, việc này có thể được, dù làm sai quy định của Bộ LĐ TB&XH nhưng phù hợp với tình hình thực tế. Bởi khi lao động thi đỗ đơn hàng, nếu không thu phí để “giữ chân” lao động, khi gặp công ty khác tốt hơn thì lao động sẽ sẵn sàng bỏ đi và phía đối tác sẽ phạt Công ty. “Khi trúng tuyển, nhiều lao động vì một số lý do mà bỏ không đi, Công ty sẽ bị phía đối tác phạt. Để hạn chế phát sinh xảy ra thì Công ty có các bước tiến độ thu gần như là đặt cọc cho dịch vụ của mình. Có thể tạm thu trong những công đoạn dịch vụ của mình. Theo tôi nghĩ, việc thu không thực hiện đúng pháp luật nhưng mức độ thu là bao nhiều thì mới là quan trọng”, ông Mỹ lý giải về việc thu phí trước của Trung tâm.

Cũng theo ông Mỹ, Công ty hoàn toàn có thể “phủi tay” đối với những phiếu thu mà phía Trung tâm XKLĐ số 02 đã phát cho lao động khi tranh chấp xảy ra, bởi những phiếu thu không có dấu đỏ của Công ty thì không có giá trị pháp lý trước pháp luật. Những lao động đã đóng tiền với mức phí cao vượt quá quy định của Bộ LĐ TB&XH có thể làm đơn lên Ban lãnh đạo Công ty để được trả lại tiền và được hưởng đúng chính sách đi XKLĐ Nhật Bản là 3.600 USD/lao động/hợp đồng 3 năm.

Ông Nguyễn Thiện Mỹ, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Simco Sông Đà cho biết, sau khi biết Báo GĐ&XH thông tin về việc Trung tâm XKLĐ số 02 thu tiền của người lao động vượt quá quy định, Công ty đã yêu cầu lãnh đạo Trung tâm làm báo cáo giải trình. Đồng thời, ông Mỹ cũng cho biết, Bộ LĐ TB&XH đã yêu cầu phía Công ty làm báo cáo giải trình về sự việc.

Ông Mỹ cũng khẳng định, việc Trung tâm thỏa thuận thu hộ tiền cho môi giới 500 USD/lao động (như Báo GĐ&XH đã phản ánh trong các số trước) là sai luật. Ông Mỹ nói: “Không có chuyện thu hộ cho môi giới. Chủ trương đó hoàn toàn sai. Cho nên, ai làm sai người đấy phải chịu trách nhiệm. Công ty cũng có trách nhiệm liên đới trong việc quản lý cán bộ của mình”.

Trong một diễn biến liên quan, sau khi Báo GĐ&XH số 118 (ra ngày 30/9) phản ánh việc ông Dương Hồng Bắc, Phó Giám đốc Công ty CP phát triển nguồn nhân lực Hoàng Long (trụ sở tại tầng 5 tòa nhà Vimeco, lô E9, đường Phạm Hùng, Cầu Giấy, Hà Nội) thu phí XKLĐ đi Nhật Bản cao quá quy định của Bộ LĐ TB&XH, chiều cùng ngày, ông Nguyễn Văn Huỳnh, Phó Giám đốc Công ty đã có buổi làm việc với chúng tôi. Trong khi chúng tôi đang làm việc với ông Huỳnh thì ông Bắc lao vào phòng, dùng những lời lẽ thô tục lăng mạ, mạt sát phóng viên. Trước hành vi của ông Bắc, ông Huỳnh đã xin lỗi và đề nghị chúng tôi bỏ qua cho ông Bắc.

Đỗ Lực

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/lao-dong-co-nguy-co-trang-tay-vi-phieu-thu-tien-khong-dau-20161003084356512.htm