Lào Cai đẩy mạnh phát triển cây dược liệu theo hướng bền vững

Có nhiều lợi thế để phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn, dược liệu được ngành nông nghiệp Lào Cai chọn để thúc đẩy tái cơ cấu ngành trồng trọt của tỉnh, nâng cao đời sống cho người dân.

Trên địa bàn tỉnh Lào Cai hiện có khoảng 850 loài cây thuốc, trong đó có 70 loài cây thuốc quý hiếm thuộc diện bảo tồn. Đặc biệt, Lào Cai có nhiều loài quý, hiếm có giá trị y dược rất cao như sâm Hoàng Liên, bình vôi, tam thất, chè dây, giảo cổ lam, thất diệp nhất chi hoa, đỗ trọng… là thành phần chính để sản xuất các loại biệt dược.

Đến nay, tổng diện tích cây dược liệu chính trên địa bàn tỉnh đạt hơn 3.550 ha, trong đó có 210 ha với 13 loại cây dược liệu trồng được Bộ Y tế đánh giá công nhận đạt các nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu và các nguyên tắc, tiêu chuẩn khai thác dược liệu tự nhiên GACP; giá trị thu nhập bình quân từ sản xuất cây dược liệu đạt 120 - 150 triệu đồng/ha. Việc sơ chế, chế biến bước đầu được chú trọng đầu tư với 1 cơ sở chế biến theo quy mô công nghiệp của Công ty Trapaco Sa Pa và nhiều cơ sở chế biến quy mô vừa và nhỏ.

Phát triển dược liệu bền vững là định hướng của tỉnh Lào Cai trong thời gian tới.

Xác định phát triển nền Đông y là nhiệm vụ quan trọng góp phần thực hiện hiệu quả công tác chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe Nhân dân, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, 15 năm qua, Tỉnh ủy Lào Cai đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị 24-CT/TW, ngày 04/7/2008 của Ban Bí thư (khóa X) về "phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới" (Chỉ thị 24-CT/TW); Thông báo Kết luận số 154-TB/TW, ngày 20/2/2014 Ban Bí thư, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của nền Đông y, chăm sóc sức khỏe Nhân dân bằng Y học cổ truyền (YHCT).

Hiện diện tích liên kết tiêu thụ các loại dược liệu chiếm khoảng 40% sản lượng dược liệu sản xuất ra, số lượng còn lại người dân tự tiêu thụ; có 25 sản phẩm dược liệu đã được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên.

Tỉnh Lào Cai phấn đấu đến năm 2025, diện tích dược liệu đạt 4.000 ha, sản lượng đạt 25.000 tấn, giá trị đạt 700 tỷ đồng và đến năm 2030 đạt 5.000 ha, sản lượng đạt 28.000 tấn, giá trị trên 900 tỷ đồng. Phát triển tối thiểu 2 cơ sở sơ chế, chế biến dược liệu. Xây dựng thương hiệu 2 - 3 sản phẩm dược liệu và có thêm 3 - 5 sản phẩm dược liệu được tạo ra gắn với Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm". Hình thành 5 nhóm sản phẩm dược liệu gắn với du lịch; hình thành ít nhất 5 điểm du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm gắn với dược liệu tại Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Bảo Yên.

Liên kết các thành phần trong chuỗi sản xuất dược liệu là giải pháp hiệu quả.

Tuy nhiên, việc bảo tồn, phát triển cây dược liệu vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Mỗi địa phương đều có chiến lược riêng nên phát triển không nhất quán. Do đó, để phát triển cây dược liệu bền vững, các địa phương trong tỉnh cần liên kết với nhau.

Để dược liệu phát triển theo hướng đồng bộ, bền vững, tỉnh Lào Cai đã và đang khai thác, phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng địa phương. Dược liệu đang được tỉnh định hướng là cây trồng mũi nhọn, phù hợp để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hướng đến nâng cao giá trị canh tác trên 1 ha đất canh tác, mở rộng diện tích với những loại cây dược liệu phù hợp đã đem lại giá trị kinh tế cao.

Đặc biệt, tận dụng tiềm năng, lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp cho phát triển cây dược liệu với nhiều loài cây thuốc quý hiếm thuộc diện bảo tồn; trong những năm qua, tỉnh Lào Cai đã quan tâm đẩy mạnh nghiên cứu, kế thừa, bảo tồn, phát triển nền Đông y và nguồn dược liệu. Lào Cai đang nuôi trồng, phát triển một số cây dược liệu quý di thực; có nhiều loài cây quý hiếm có giá trị y dược cao, có một số cây thuốc đặc hữu như: Hoàng liên gai, Thất diệp nhất chi hoa, Sâm vũ diệp, Tam thất hoang… Tỉnh đã quy hoạch vùng chuyên trồng cây dược liệu với diện tích trên 3.000ha; tập trung chủ yếu tại các huyện: Bắc Hà, Bát Xát, Mường Khương, Si Ma Cai và thị xã Sa Pa.

Cùng với đó, tạo ra sự liên kết giữa các thành phần tham gia để tạo ra sự phát triển bền vững, lâu dài cho ngành dược liệu. Tổ chức đánh giá các mô hình cây dược liệu đã triển khai, từ đó khảo sát, phân loại, lựa chọn, xây dựng các phương án phù hợp nhất; tham mưu cho huyện xây dựng và phát triển các vùng cây dược liệu theo quy mô tập trung để thuận lợi cho việc thu mua và sơ chế sản phẩm sau này.

Triển khai các chính sách hỗ trợ đồng bộ góp phần nâng cao diện tích, chất lượng và sản lượng cây dược liệu. Vận dụng từ các văn bản chỉ đạo của Trung ương để giúp người dân thuận lợi trong chuyển đổi sang trồng cây dược liệu, có chính sách đặc thù như hỗ trợ giống, phân bón, nilon che phủ, tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc. Ngoài ra, hỗ trợ người dân vay vốn đầu tư sản xuất, liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để tiêu thụ sản phẩm.

PV

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/lao-cai-day-manh-phat-trien-cay-duoc-lieu-theo-huong-ben-vung-169231031145206576.htm