Lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM 'đau đầu' với thanh toán không dùng tiền mặt

Lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM thừa nhận, việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt vẫn gặp nhiều khó khăn vì thiếu nhân lực, kinh nghiệm.

Ngày 17/10, Hội thảo Thúc đẩy dịch vụ công và thanh toán không dùng tiền mặt diễn ra tại TP.HCM. Đây là hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện Tuần lễ chuyển đổi số TP.HCM năm 2023, với chủ đề "Khai phá dữ liệu số, thành công chuyển đổi số".

Tại hội thảo, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, việc thúc đẩy dịch vụ công và thanh toán không dùng tiền mặt tại Sở này vẫn gặp nhiều trở ngại, điển hình như nhân lực thực hiện.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM chia sẻ những khó khăn trong việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. (Ảnh: Đại Việt)

Ông Phương chia sẻ, một số tỉnh thành ở Việt Nam có quy mô kinh tế chỉ bằng một quận của TP.HCM cũng có 1 Giám đốc Sở và 3 Phó Giám đốc. Còn TP.HCM là nơi có quy mô kinh tế rất lớn cũng chỉ có 1 Giám đốc và 3 Phó Giám đốc.

Chính vì vậy, có những công việc lãnh đạo Sở thực hiện rất tốt nhưng cũng có những việc không có thời gian đào sâu nghiên cứu và thực hiện đại khái như “chuồn chuồn đáp nước”. Điển hình như công tác triển khai áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt, lãnh đạo Sở còn ít kinh nghiệm trong việc xử lý vấn đề này.

Chúng tôi biết đây là hoạt động rất có ích cho xã hội, cho nền kinh tế và cần tập trung thúc đẩy, triển khai. Thế nhưng, năng lực có giới hạn, điều kiện không cho phép. Do đó, việc triển khai cũng chưa đạt hiệu quả cao”, ông Phương nói.

Theo ông Phương, sắp tới, lãnh đạo Sở Công Thương sẽ rà soát lại những lĩnh vực cần thiết, có tiềm năng để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt như bán lẻ, chợ truyền thống... Sở sẽ tập trung rà soát các giải pháp, các chương trình hoạt động chưa hiệu quả để tìm nguyên nhân, cải thiện cũng để phát huy những chương trình hiệu quả.

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN cho rằng, một bộ phận người dân vẫn chưa tiếp cận được với việc thanh toán không dùng tiền mặt vì phương thức thanh toán này ở một số tỉnh miền núi phát triển khá chậm. Nhiều người cao tuổi cũng không muốn sử dụng phương thức thanh toán qua ngân hàng vì sợ rủi ro.

Bên cạnh đó, hành lang pháp lý cho thanh toán không dùng tiền mặt vẫn đang được bổ sung, hoàn thiện.

Chính vì vậy, ông Tuấn cho rằng, việc nâng cấp hạ tầng thanh toán điện tử, đẩy mạnh cung ứng sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới trên thiết bị di động là những giải pháp hết sức cần thiết. Việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh toán điện tử cũng rất cấp bách.

Tôi nghĩ, muốn phát triển thanh toán điện tử trong khu vực công thì cần triển khai hiệu quả Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư. Tăng cường phối hợp với các cơ quan để thực hiện thu ngân sách nhà nước, điển hình như lĩnh vực y tế, giáo dục… Tăng cường các công tác thông tin tuyên truyền giáo dục tài chính về thanh toán không dùng tiền mặt”, ông Tuấn chia sẻ.

Đại diện Vụ Thanh toán NHNN chia sẻ về việc thực hiện hạ tầng kỹ thuật cho hoạt động thanh toán điện tử trong thời gian qua. (Ảnh: Đại Việt)

Cũng theo ông Tuấn, NHNN luôn quan tâm nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác. Việc này cho phép các ngân hàng thương mại, trung gian thanh toán cung ứng các dịch vụ, phương tiện thanh toán hiện đại, đa dạng, tiện lợi, mở rộng phạm vi cung ứng trên toàn quốc để giảm thời gian và chi phí giao dịch cho người dân, doanh nghiệp.

Việc thanh toán không dùng tiền mặt đang ngày càng đi sâu vào đời sống người dân, số người dùng liên tục gia tăng mạnh mẽ.

Ông Đặng Hoài Đức, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Vietcombank cho biết, với định hướng của Chính phủ đến năm 2030, Việt Nam sẽ vào nhóm 50 quốc gia dẫn đầu về Chính phủ điện tử, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 với 80% dân số có tài khoản thanh toán điện tử thì ngân hàng này cũng đang nỗ lực triển khai nhiều phương án cho việc thanh toán không dùng tiền mặt.

Hiện nay, khoảng 10 triệu khách hàng của Vietcombank đã sử dụng ứng dụng ngân hàng điện tử, tỷ trọng giao dịch trên kênh số đạt hơn 97%. Ngân hàng này cũng đang cung cấp giải pháp thanh toán số toàn diện cho Bộ Công an áp dụng việc thu các loại phí, lệ phí cho người dân trong nước và khách du lịch nước ngoài.

Ông Nguyễn Quang Minh, Tổng Giám đốc Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) nhận định, chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong lĩnh vực thanh toán cùng với xu hướng chung và theo định hướng, chỉ đạo của Chính phủ và NHNN.

Hiện nay, NAPAS đã và đang xây dựng hạ tầng số hóa thanh toán để sẵn sàng đáp ứng cho quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực thanh toán hiện tại, cũng như tương lai. Thị trường đã có đầy đủ các sản phẩm thẻ NAPAS do các ngân hàng, công ty tài chính phát hành, phục vụ nhu cầu đa dạng của thị trường.

Bên cạnh các giải pháp mới như Soft Pos và dịch vụ Tap to phone giúp tạo điều kiện cho các đơn vị chấp nhận thanh toán nhỏ có thể được triển khai chấp nhận thanh toán thẻ thì NAPAS đã phát triển các sản phẩm dịch vụ đa kênh, đa phương tiện, hỗ trợ thanh toán dịch vụ công các lĩnh vực như giáo dục, y tế, giao thông công cộng và các nhu cầu khác của thị trường.

ĐẠI VIỆT

Nguồn VTC: https://vtc.vn/lanh-dao-so-cong-thuong-tp-hcm-dau-dau-voi-thanh-toan-khong-dung-tien-mat-ar827646.html