Làng Vũ Đại ở đâu?

SGTT - Đến giờ nhiều người vẫn tranh luận để tìm cho ra làng mà Chí Phèo đã ở, cái làng mà từ quan chức, nhà giàu như Bá Kiến đến thằng cùng đinh như Chí Phèo, Năm Thọ đều có “tuyệt chiêu” chửi nhau, ăn vạ. Thế nhưng với dân đi xem bóng đá, làng Vũ Đại giờ nhiều lắm, khó gì để tìm

Chuyện đêm nay Cầu thủ Merlo của SHB Đà Nẵng bị khán giả đội ximăng Hải Phòng tấn công. Ảnh: Trần Việt Đức Đến giờ người ta vẫn cứ tự hỏi, phải chăng làng Vũ Đại là một thương hiệu có giá lắm mà nó được nhân bản nhanh đến lạ. Nhanh đúng theo kiểu “Phở gia truyền – gốc” nằm ở kế bên “Phở gia truyền – xịn” vậy. Mà đặc trưng của làng Vũ Đại là chửi, phải chửi, phải lăn lê thậm chí phải cào mặt ra ăn vạ mới gọi là “đúng chuẩn”. Đã có lúc người ta sốc vì những công dân 9x lên mạng để tập chửi, một cô gái xinh ôm tờ giấy để chửi về Hà Nội 1 và Hà Nội 2 được tung lên YouTube khiến không ít người ngã ngửa. Nhưng đó là với những ai không đi xem bóng đá kìa, nếu chịu khó đến sân bóng đá, người ta sẽ không còn ngỡ ngàng nữa. Năm 2000, HLV Nguyễn Văn Nhã dẫn đội CAHN đến sân Thiên Trường đã bẻ gãy cây bút mình đang cầm trên tay đến độ bật cả máu vì ức. Ức vì cái “dàn đồng ca” trên khán đài ngay phía sau lưng cứ hè nhau một, hai, ba rồi kêu tên ông chửi, thậm chí chẳng hiểu họ tìm đâu ra được tên bố mẹ ông mà lôi ra chửi. Trên sân Nam Định, ai đến cũng được hưởng cái “đặc sản” ấy, trọng tài, cầu thủ, huấn luyện viên thậm chí cả những phóng viên đứng ở đường piste hớ hênh để lộ tên trên thẻ của mình. Với nhiều người mua vé vào sân không chỉ là để xem bóng đá, ở đó họ có thể chửi vung tí mẹt giữa thanh thiên bạch nhật, giữa hàng ngàn con người mà không ai làm gì được. Dường như bao nỗi bực tức kiểu như “hàng xóm có con xe hơn mình, ức” hay “vợ mắng hồi chiều, ức” đều được trút hết vào những con người chẳng thể làm gì được mình với bao hả hê. Cái sự chửi ngày càng phát triển, thậm chí nhiều cầu thủ cho rằng, giờ mà không nghe chửi đá không sung. Khán giả Nam Định chửi được có gì khán giả Hải Phòng không chửi được. Giờ thì chẳng cứ gì sân Thiên Trường, người ta nghe đến phát hoảng khi đến sân Thanh Hóa, đến sân Hải Phòng… Thậm chí ở Hải Phòng, hiệu lệnh chửi còn được “hiện đại” hóa bằng tín hiệu kèn, trống chứ chẳng đùa. Trai chửi, gái chửi, thường dân chửi, khách ngồi trên ghế VIP cũng chửi tuốt. *** Và rồi chẳng biết có phải vì chửi mà T&T Hà Nội đã khiếu kiện đòi ông Đỗ Thanh Xuân, phó giám đốc sở Văn hóa, thể thao và du lịch Nam Định – phải xin lỗi HLV Hữu Thắng? Nhưng có lẽ các cầu thủ, HLV của các đội bóng mà T&T Hà Nội cũng không nằm ngoài số đó quên rằng, chẳng biết có phải vì quen nghe chửi hay chửi thành quen mà họ cũng thường xuyên chửi bậy lắm chứ vừa gì. Chửi đổng là vẫn còn nhẹ, thậm chí có cầu thủ còn cất công đi tìm hiểu gia đình đối phương gồm những ai, mẹ tên gì, ba tên gì để lôi ra chửi ra rả suốt cả trận. Nếu cầu thủ đối phương bực quá mà phản ứng thì lãnh thẻ bởi thẻ chỉ phạt hành vi phạm lỗi chứ đâu có phải chửi nhau. Hữu Thắng bực vì mình bị chửi nhưng có lẽ càng bực hơn khi chửi không lại. Nếu Hữu Thắng quên thì chắc Huỳnh Đức còn nhớ, ngày giao lưu với các cầu thủ thế hệ vàng tại nhà văn hóa Thanh Niên, khi ban tổ chức cho chiếu một đoạn video clip người ta thấy Hữu Thắng lép nhép khi va chạm, người ta thấy Huỳnh Đức lép nhép khi sút hỏng. Một cô bé cổ động viên cắc cớ hỏi: “trên truyền hình rất nhiều lần thấy hai anh nói hai từ gì đó khi sút hỏng, khi đau, anh có thể cho mọi người biết”. Cả hội trường cười rần rần và Lê Huỳnh Đức đã nhanh trí đỡ cho cánh cầu thủ bằng câu trả lời “chắc là kêu tiếc quá!” Theo như truyện ngắn Chí Phèo của nhà văn Nam Cao thì đằng sau những câu chửi, đằng sau cái ăn vạ ấy vẫn ẩn chứa một tâm hồn của con người lương thiện, hoặc chí ít là đã muốn làm người lương thiện. Thế nên người ta tự hỏi, hành động kiện của T&T Hà Nội với M. Nam Định phải chăng là một bước ngoặt của cả nền bóng đá. T&T Hà Nội từ nay sẽ là đội có văn hóa vào bậc nhất V-League, họ sẽ nói không với chửi tục?! Nếu thế thì quá mừng, mừng vì cái tai tiếng làng Vũ Đại nằm ở các sân bóng sẽ không còn. Chỉ sợ kiện thì cứ kiện nhưng ngộ nhỡ: “Ai cho tao làm người tử tế…” thì hỏng. Phạm Hoàng

Nguồn SGTT: http://www.sgtt.com.vn/detail54.aspx?columnid=54&fld=htmg/2009/0723/54625&newsid=54625