Làng Tây Nguyên thuở ấy

Tôi may mắn từng sống trong những ngôi làng Tây Nguyên. Thời ấy cũng chưa xa là bao, chỉ đầu những năm 80 của thế kỷ XX, mà bây giờ nhớ lại cứ ngỡ như cổ tích.

Những ngôi làng Tây Nguyên quần tụ bởi những căn nhà sàn dài thuồn thuỗn tọa lạc trên những khoảng đồi trống, tràn trề nắng, thông thống gió. Những ngôi nhà ấy làm bằng gỗ rừng, tranh tre, không có cửa khóa. Nhiều cặp vợ chồng ở chung trong cùng một cái nhà dài trống lổng. Cái phân biệt hộ này với hộ khác là những bếp lửa nhỏ, cạnh chỗ ngủ ngay trên sàn nhà.

Ngày mùa phát rẫy gieo hạt, ngày tuốt lúa bẻ bắp, tất cả mọi người đều vào hết trong rừng sâu, trẻ nhỏ cũng được địu theo cha mẹ. Cư trú, ăn nghỉ và lao động tại chỗ. Làng chỉ còn chủ yếu là người già. Những ngôi nhà bỏ ngỏ trống trải nhiều ngày liền. Hồi trước, nhà sàn đa phần lát sàn bằng tre nứa hoặc ván gỗ, thưng vách tấm liếp đan từ tre, hiếm lắm mới có nhà thưng ván, cửa ra vào cũng chỉ bằng một tấm tre đan mang tính tượng trưng, chỉ kéo kín để tránh gió mưa ban đêm khi nằm ngủ. Ban ngày, chẳng nhà nào đóng cửa.

Làng Tây Nguyên thời ấy đa phần trống trơ, không có hàng rào, không có cổng ngõ. Một số làng có cổng cũng chỉ bằng mấy cây le mang tính tượng trưng, không có ý nghĩa canh giữ (trừ một số dân tộc Bắc Tây Nguyên có phong tục rào làng dựng cổng làng để tự vệ).

Tài sản lớn nhất của người Tây Nguyên là chiêng ché, ngoài ra cái ăn như trâu bò, heo và lúa gạo thì tất tần tật nằm hết ở trong rừng.

Buôn làng Tây Nguyên vào hội. Ảnh: N.L.V.Q

Ở rẫy rừng của người Tây Nguyên thường có những căn nhà nhỏ (người Bahnar có nhà ở rẫy to hơn gọi là nhà đầm) để nghỉ ngơi trong ngày mùa, có kho lúa kết cấu kiểu nhà sàn thưng tre lợp tranh. Vườn rừng thường được trồng xen canh trong rẫy hoặc khai phá thành đám đất ven suối, ở đó có đủ loại rau củ như cà, lá mì, dưa, đu đủ, bầu bí... Hàng ngày đi làm về, người Tây Nguyên thường gùi theo ít rau củ đem về nhà làm thức ăn.

Vườn rừng chỉ có những hàng rào thấp ngăn heo bò phá quấy, không có ý chí cấm cản con người qua lại. Ấy thế mà từ trong làng đến rẫy rừng, trâu bò heo gà, kho lúa đều không mất mát suy sơ thứ gì. Trong làng luôn bình yên, không có tiếng mắng chó chửi mèo, không có người chửi trộm... Bởi vì quanh năm suốt tháng chẳng ai mất mát gì, dù không phải khó công cất giữ, không khóa cửa cầu kỳ.

Nhiều người cho rằng, không có trộm vì người Tây Nguyên không có của dư và vì họ luôn có tính cộng đồng. Nói vậy thì chưa hết nghĩa. Người Tây Nguyên dù đa phần vẫn nghèo khó ít của quý, dù rất có tính cộng đồng, nhưng họ vẫn có người giàu hơn, có người nghèo hơn, thậm chí là đứt bữa. Đói, họ vẫn thèm có cái để ăn. Trong lúc của thiên hạ để đầy rừng rẫy rất hớ hênh như thế!

Có lẽ lòng thiện lương được nuôi dưỡng qua nhiều thế hệ đã là cái phanh hãm cho lòng tham, lòng ích kỷ của con người. Cộng thêm những hình phạt, những lệ làng bất thành văn đã níu kéo con người ta không sa ngã vào những hành vi bất minh, xấu xa.

Nhiều làng Jrai xưa xử rất nặng hành vi trộm cắp. Đi qua cái rẫy của người khác, nếu hái trộm mấy quả cà giấu trong người, bị bắt quả tang hoặc người làng phát hiện sẽ bị phạt nặng bằng heo bò, nếu nghèo quá không có của nộp phạt phải bị bắt làm gia nô nhiều năm, thậm chí suốt đời.

Trong tình huống túng thiếu bất thường, có thể hái rau quả của người khác, nhưng phải công khai bằng cách bẻ một cành cây cài vào để người chủ vườn biết được có người đã hái rau quả khi mình vắng mặt, đồng thời ngay trong ngày phải tìm cách báo cho chủ vườn biết mình đã xin thứ ấy. Vào rừng thấy tổ ong có người đã gài cây làm dấu thì nó thuộc quyền người biết trước, chẳng ai màng tranh giành. Ra đường gặp cái gì rơi cũng chẳng ai nhặt. Nhỡ nhặt về, có kẻ nhận ra đó là thứ của họ thì không đâu lại mang họa!

Người Tây Nguyên rất rộng lòng, ai xin gì mình có họ đều cho với tấm lòng san sẻ nhân ái. Ngược lại, họ rất ghét những hành vi trộm cắp mờ ám. Khi mất của, không bắt được quả tang, điều tra không được thì xử kiện bằng bói với người bị nghi ngờ. Việc xử kiện phổ biến nhất là lặn nước, đổ chì hoặc bói kiến. Đó là lối công bằng cổ sơ nhất của loài người, nó phó thác cho sự rủi may ngẫu nhiên mong manh, mà thoát khỏi hoàn toàn ý chí áp đặt bất công của quyền lực con người. Kết quả xử như nhau thì mỗi bên nộp một ghè rượu để uống giảng hòa!

Hồi bao cấp đói kém, chúng tôi đi công tác ở các làng vùng sâu vùng xa, về cái ăn có khi còn đủ đầy hơn ở phố. Gạo nhiều lúc được bà con góp cho, cá tự bắt, cũng có lúc người làng bắt được đem cho, rau thì ngày nào người đi rẫy về cũng có sẵn. Nhưng phải có lòng tin, phải được yêu thương thì mới có san sẻ. Cán bộ thiếu thì đổi, thiếu thì xin, không được tự tiện theo ý muốn của mình. Cần gì đều phải hỏi. Người Tây Nguyên cần sự tôn trọng tối thiểu ấy!

Về với làng vùng sâu thời ấy, tôi lại cứ nhớ đến những câu chuyện trong huyền sử, rằng cái thời Nghiêu Thuấn, thời thịnh trị trước Khổng Tử hàng ngàn năm. Đó là thời được tụng ca nhà không cần khóa cửa, của rơi ngoài đường không ai nhặt. Thì Tây Nguyên tôi đang sống thời bao cấp cũng đúng vậy!

Tam tự kinh có câu: “Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Với người Tây Nguyên có lẽ rất đúng. Con người sinh ra vốn là thiện. Chợt nhớ thương một thời Tây Nguyên yên lành như mơ!

PHẠM ĐỨC LONG

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/742/202204/lang-tay-nguyen-thuo-ay-5774330/