Lạng Sơn: Say đắm sắc đào chuông

Có dịp ghé thăm Lạng Sơn vào những ngày đầu xuân năm mới, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp rực rỡ của sắc đào chuông. Trên nền trời xuân trong xanh, hoa đào chuông nở thành từng chùm tạo nên bức tranh cuốn hút khiến bao người say đắm.

Hoa đào chuông tự nhiên thường xuất hiện nhiều ở vùng núi Mẫu Sơn, Lạng Sơn

Để hiểu rõ hơn về hoa đào chuông, chúng tôi tìm gặp nhà nghiên cứu – ông Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa tỉnh. Tiếp chúng tôi bên chén trà ấm đầu xuân, ông cho biết: Trong nhân gian, từ ngàn đời nay luôn coi Xứ Lạng là xứ sở của hoa đào, bởi nơi đây có rất nhiều giống đào đẹp và quý như đào bạch, bích, phai, thất thốn… Đặc biệt, giống đào chuông là loài hoa đào quý chỉ có ở vùng núi cao Mẫu Sơn. Sinh trưởng và khoe sắc tại vùng non cao hùng vĩ, đào tiên, đào chuông như tượng trưng cho mảnh đất, con người Xứ Lạng: khảng khái, thanh tao, giao hòa giữa đất và trời vùng biên ải.

Giống hoa đào chuông Xứ Lạng thuộc họ “anh đào hoa chuông”, hay còn gọi là anh đào Đài Loan. Giống anh đào này thường phân bố trải rộng từ miền Nam Nhật Bản, đảo Đài Loan, miền Nam Trung Quốc xuống đến miền Bắc Lào, miền Bắc Việt Nam. Ở Lạng Sơn, giống hoa này mọc nhiều ở khu vực núi Mẫu Sơn. Loại đào chuông Xứ Lạng có nét độc đáo riêng biệt, khác với giống đào chuông họ “đỗ quyên” ở Bà Nà (Đà Nẵng) và Yên Tử (Quảng Ninh) ở chỗ mặc dù các bông hoa đều mọc thành từng chùm rũ xuống như cái chuông, nhưng cánh hoa đào chuông họ “đỗ quyên” lại có hình dạng giống cái chuông nhỏ, cánh mỏng như thủy tinh với màu phớt hồng, khác với hoa đào chuông Lạng Sơn thuộc họ “anh đào hoa chuông” có cánh dày hơn và được phân tách rõ ràng với màu hồng đậm hơn, mỗi bông hoa thường có 5 cánh, bộ rễ hoa đào chuông bám sâu giữa những khe đá.

Với sức sống vô cùng mãnh liệt, đào chuông Lạng Sơn vẫn có thể đâm chồi nảy lộc ngay cả khi khí hậu ở vùng núi cao Mẫu Sơn xuống dưới âm 3 độ C. Trên vùng núi Mẫu Sơn ở độ cao hơn 1.500m, những bông hoa đào đua nhau khoe sắc như những chiếc chuông báo hiệu xuân về, rung rinh trong sương, trong gió núi, đẹp thanh khiết. Đào chuông nở rộ vào mùa xuân, thường bắt đầu từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch, khi tiết trời đương xuân với bảng lảng sương mây. Tuy nhiên, vào năm nhuận thì hoa đào chuông lại nở dịp giáp tết. Có thể nói hoa đào chuông nở tương đối muộn so với các giống hoa đào khác song cũng có lẽ chính vì nở muộn mà đào chuông lại mang một nét đẹp riêng khó tả.

Ở Lạng Sơn, hoa đào chuông phân bố chủ yếu tại khu vực 2 xã Công Sơn và Mẫu Sơn, huyện Cao Lộc và một số khu vực thuộc xã Bắc Xa, huyện Đình Lập. Ông Triệu Sáng Suẩn – người cao niên tại xã Công Sơn, huyện Cao Lộc tâm sự: Không biết tự bao giờ giống đào này đã mọc ở vùng núi Mẫu Sơn, tôi chỉ biết rằng từ lúc còn bé tôi đã thấy hoa đào chuông mọc trên rừng rồi, nhiều cây đào cổ thụ, cành lá sum suê cứ đến mùa là khoe sắc rực rỡ cả một vùng đồi núi. Sau này kinh tế thị trường phát triển, rất nhiều người đã tới đây khai thác đào rừng, trong đó có những cây đào chuông Mẫu Sơn, nên hiện nay loại đào này cũng không còn nhiều như trước nữa.

Vì nét độc đáo của giống đào này nên tết đến không chỉ người Lạng Sơn mà người dân ở các tỉnh cũng muốn sở hữu một cành đào chuông để trưng bày ngày tết, cũng chính vì quý hiếm nên một cành đào chuông bán cao gấp 3 đến 4 lần so với đào bích, đào phai. Do đó đã dẫn đến tình trạng một số người dân khai thác tự do giống đào rừng quý hiếm.

Trước tình trạng trên, các cấp, ngành địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp để bảo tồn giống đào chuông quý này. Cụ thể, năm 2018, Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng đã nghiên cứu, phát triển cây đào chuông, từ khi triển khai đến nay, nhóm nghiên cứu đã thực hiện các thí nghiệm với 1.500 cây với các nội dung gồm: nhân giống đào chuông theo các kỹ thuật nhân giống vô tính bằng phương pháp ghép đoạn, cành; xây dựng mô hình nhân giống với số lượng 3.500 cây nhân giống từ hạt. Sau 5 năm tiến hành ươm giống cho cây đào chuông, đến nay, mỗi năm, vườn ươm thực hiện dự án đã nhân giống thành công được số lượng khoảng 3.000 – 4.000 cây đào chuông con. Các cây đào chuông giống được đưa về trồng và nhân giống tại vùng núi Mẫu Sơn, huyện Cao Lộc, Lộc Bình và một số xã thuộc huyện Đình Lập, qua đó góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn giống đào quý này.

Hoa đào chuông Lạng Sơn

Cùng với ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền các địa phương có giống đào quý hiếm này cũng thực hiện nhiều giải pháp thiết thực. Ông Triệu Tiến Trường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Công Sơn, huyện Cao Lộc cho biết: Những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã đã phối hợp với cơ quan chuyên môn thực hiện bảo tồn giống các loại đào cổ trên địa bàn, trong đó có giống đào chuông. Theo đó, địa bàn chúng tôi đã được các đơn vị chức năng chuyển giao công nghệ, tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ phân bón cho người dân. Bên cạnh đó, để tránh việc khai thác đào bừa bãi, chúng tôi đã tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trên địa bàn về việc bảo vệ, khai thác hoa đào đúng kỹ thuật, cũng như nhân rộng các mô hình trồng đào cổ, đào chuông trên địa bàn.

Được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương nên hiện nay, bước đầu các vườn đào cổ trên địa bàn đã được bảo vệ và đưa vào khai thác du lịch. Cụ thể, trong xã hiện có 6 gia đình mở dịch vụ du lịch trải nghiệm, chụp ảnh tại các vườn đào cổ.

Sức cuốn hút của những cây hoa đào chuông trên vùng núi Mẫu Sơn này khiến rất nhiều vị khách phương xa say đắm và tìm mọi cách để có thể tới đây chiêm ngưỡng cũng như ngắm đào chuông thỏa thích. Anh Nguyễn Khắc Minh, một du khách đến từ Hà Nội cho biết: Cứ đến thời điểm đầu xuân, tôi lại đến vùng núi Mẫu Sơn để “săn” những bức ảnh đẹp về hoa đào, đặc biệt là khoảnh khắc đào chuông nở rộ.

Ông Phan Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Để phát triển giá trị hoa đào và tạo điểm nhấn trong hoạt động đón xuân thu hút du khách, những năm qua, bên cạnh việc khuyến khích, động viên và tôn vinh những người trồng đào, chúng tôi đã có nhiều nỗ lực để quảng bá về hình ảnh hoa đào Lạng Sơn cũng như xây dựng sản phẩm du lịch để thu hút du khách đến với địa phương thông qua các lễ hội hoa đào.

Theo đó, hình ảnh hoa đào chuông được tích cực quảng bá thông qua một số hoạt động trong lễ hội hoa đào được tổ chức hằng năm như: giới thiệu về vẻ đẹp của hoa đào chuông thông qua các hoạt động biểu diễn văn hóa văn nghệ; các tour du lịch tham quan vườn đào tự nhiên trên vùng núi Mẫu Sơn, trưng bày hoa đào chuông tại lễ hội hoa đào… Bên cạnh đó, Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh đã xây dựng các video; in ấn, phát hành hàng nghìn ấn phẩm quảng bá về du lịch lồng ghép quảng bá về vẻ đẹp của hoa đào Xứ Lạng, trong đó có vẻ đẹp của hoa đào chuông.

Một năm mới đã đến, những bông hoa đào chuông như tín hiệu của một mùa xuân mới viên mãn, đủ đầy. Những cây đào chuông được bảo tồn, phát huy không chỉ từng bước tạo dấu ấn tốt đẹp trong lòng du khách phương xa với vẻ đẹp độc đáo ấn tượng mà còn góp phần quan trọng giúp cho thương hiệu “hoa đào Xứ Lạng” ngày một vươn xa.

Tuyết Mai/ Báo Lạng Sơn

Nguồn PetroTimes: https://dulich.petrotimes.vn/lang-son-say-dam-sac-dao-chuong-705546.html