Lãng phí một công trình nhà bảo tàng nhiều tỉ đồng

Hạng mục 'Tưởng niệm' thuộc công trình 'Bảo tồn, phục dựng và tôn tạo nhà tù Lao Bảo' (Di tích lịch sử cấp quốc gia nhà tù Lao Bảo, thị trấn Lao Bảo, Hướng Hóa, Quảng Trị) có mức kinh phí đầu tư xây dựng 6,3 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách 3,3 tỉ đồng, số tiền còn lại từ nguồn xã hội hóa.

Hạng mục chính là một ngôi nhà 2 tầng dùng để trưng bày các hiện vật, hình ảnh và khắc tên tưởng niệm, thờ vọng các chiến sĩ Cộng sản, nhà yêu nước. Công trình được xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng từ năm 2017. Thế nhưng đến nay, toàn bộ tầng 2 của ngôi nhà này vẫn không có gì bên trong.

Toàn bộ tầng 2 của tòa nhà “Tưởng niệm” tại Di tích nhà tù Lao Bảo không được sử dụng nhiều năm nay.

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Nguyễn Quang Chức, Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và bảo tàng tỉnh Quảng Trị cho biết, trên địa bàn có một số công trình tương tự đang phải bỏ hoang, gây lãng phí lớn, không phát huy được công năng như mục đích ban đầu của dự án, do đến nay vẫn chưa có nguồn vốn để đầu tư sưu tầm và trưng bày hiện vật. Đơn cử, công trình nhà bảo tàng địa đạo Vịnh Mốc nằm bên trong khuôn viên Di tích Quốc gia đặc biệt địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh (xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị). Công trình được đầu tư xây dựng bề thế với tổng mức kinh phí gần 9 tỉ đồng nhưng gần 5 năm qua, kể từ sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng, đã bị bỏ hoang, phơi mưa phơi nắng cho đến nay.

“Ngày 12/5/2021, HĐND tỉnh Quảng Trị có phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng, tôn tạo tổng thể Di tích địa đạo Vịnh Mốc, giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư 45 tỷ đồng từ Ngân sách Trung ương hỗ trợ. Tuy nhiên, không có hạng mục sưu tầm, trưng bày tại nhà bảo tàng địa đạo Vĩnh Mốc. Điều đó, có nghĩa nhà bảo tàng địa đạo Vịnh Mốc vẫn chưa thể phát huy hết công năng và có nguy cơ ngày càng xuống cấp, hư hỏng”, ông Chức nói thêm.

Cũng theo lãnh đạo Trung tâm Quản lý di tích và bảo tàng tỉnh Quảng Trị, việc sưu tầm hiện vật, đặc biệt là việc thiết kế không gian trưng bày đòi hỏi khá kỳ công. Để đảm bảo nhà bảo tàng có hiện vật, có không gian trưng bày cần một nguồn vốn khá lớn tương đương như việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong đó, phải đi sưu tầm hiện vật, thiết kế, xây dựng lại gần như toàn bộ bên trong mới có thể có không gian trưng bày.

Theo bà Nguyễn Thị Khánh Chi, Phó trưởng Ban quản lý Di tích địa đạo Vịnh Mốc, dự án nhà bảo tàng địa đạo Vịnh Mốc chỉ nên xây dựng quy mô vừa phải, với mục tiêu chính là chỉ trưng bày các hiện vật, tài liệu bổ sung. Bởi vì toàn bộ hiện vật, tài liệu chính liên quan đến di tích, chính là hệ thống địa đạo và làng hầm ở đây, mà không cần phải trưng bày thêm. “Việc xây dựng một công trình lớn như trên rõ ràng sẽ gây ra sự lãng phí là đương nhiên và do không có sự cân nhắc kỹ ngay từ ban đầu”, bà Chi nói.

Thanh Bình

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/lang-phi-mot-cong-trinh-nha-bao-tang-nhieu-ti-dong-i698127/