Làng phật thủ ở Hà Nội tất bật vào vụ Tết Giáp Thìn

Bên cạnh vụ thu hoạch tháng 7, những ngày này, người trồng phật thủ ở Thủ đô phấn khởi vào vụ Tết Giáp Thìn với tâm thế được mùa, được giá.

Thời điểm cận Tết, người dân xã Đồng Tháp (Đan Phượng, Hà Nội) đang sẵn sàng giai đoạn nước rút, thu hoạch những trái phật thủ đến ngày hái quả

Theo quan niệm xưa, phật thủ là loại quả dùng để thờ Phật và gia tiên vì có mùi thơm, tác dụng lưu giữ thần, Phật và gia tiên trong nhà lâu hơn để phù hộ cho gia chủ

Được mệnh danh là loài cây cực kỳ khó tính, cây phật thủ đòi hỏi được chăm sóc cẩn thận; các chủ vườn cũng phải tính toán, theo dõi sát sao thời tiết.

Vòng đời của cây cũng chỉ 5 - 6 năm là phải chuyển tới vùng đất mới canh tác, đất cũ sẽ được cải tạo lại vài năm mới có thể trồng lứa mới.

Trồng cây phật thủ phải sau 2 năm chăm bón vất vả thì mới trĩu quả trên nền đất mới.

Loài cây này cho hoa và thu quả quanh năm, người trồng phật thủ có thể bán luôn, bán lẻ vào nhiều dịp trong năm như: Tết, rằm, mùng một… Quả ra gối vụ, sau khi thu hoạch, cành sẽ được cắt bỏ để cây bật mầm ra quả tiếp.

Theo anh Nguyễn Bá Quý (Hiệp Thuận, Phúc Thọ, Hà Nội) "Trung tuần tháng 4, tháng 5 mình vừa ép phun thuốc, vừa tỉa cây. Cây thì đôi chục quả ưng ý, cây thì ba bốn chục, còn nói độ sai thì có cây lên đến hàng trăm quả, những quả xấu quả vẹo thì tỉa bỏ. Thời tiết mà mưa ít sâu bệnh ít hơn, mưa nhiều sâu bệnh lắm hơn".

Chị Nguyễn Thị Tuyên (Đồng Tháp, Đan Phượng, Hà Nội) cho biết "Khi đi làm quả này không được đội nón hoặc mũ bảo hiểm, đội nón hoặc mũ bảo hiểm sẽ va vào những đầu tay dẫn đến hỏng quả, nên bọn em phải đội mũ vải, mũ mềm va vào không sao".

Tháng 9-10 là thời điểm người trồng hạn chế thu hoạch để dồn dinh dưỡng cho cây ra quả dịp Tết.

Vào thời điểm gần Tết, vườn cây phật thủ sẽ cho thu hoạch lớn nhất trong năm. Đây là vụ chính được người trồng mong đợi nhất.

Người dân phấn khởi khi năm nay thời tiết thuận lợi nên cây đẹp, quả đẹp và đều quả.

Để đáp ứng kịp các đơn hàng cho Tết, các nhà vườn phải huy động thêm người trong gia đình cùng ra vườn thu hoạch phật thủ; thức khuya, dậy sớm gói hàng để giao cho khách.

Phật thủ sau khi thu hoạch sẽ được phân loại theo nhu cầu của khách đặt hàng. Theo các nhà vườn, trung bình mỗi quả phật thủ có giá từ 60 – 100 nghìn đồng. Với những quả đẹp và độc, giá bán có thể lên tới hàng triệu đồng.

Quả phật thủ được bọc gói cẩn thận để giữ đẹp mã khi đến tay người mua.

Chị Thanh (Đồng Tháp, Đan Phượng, Hà Nội) chia sẻ "Quả phật thủ này nhiều dáng khác nhau nên mỗi quả phật thủ mình gói, đóng gói một kiểu cẩn thận theo hình dáng quả thì đến người tiêu dùng mới được đảm bảo không bị hỏng, không bị dập bì, mới được lâu".

Phật thủ để được khoảng từ 3 đến 5 tháng, để càng lâu càng thơm, càng đẹp. Quả có nhiều dáng, một số người thích dáng bông cúc, có người thích quả nhiều ngón tay…

Với biểu tượng nhiều may mắn, tài lộc, quả phật thủ luôn được người dân lựa chọn dâng lên bàn thờ tổ tiên mỗi dịp đến Tết, xuân về.

Quyết Thắng/VOV2

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/lang-phat-thu-o-ha-noi-tat-bat-vao-vu-tet-giap-thin-post1071947.vov