LẮNG NGHE NGƯỜI DÂN HIẾN KẾ: Phải rõ khái niệm thu nhập thấp

Phải có khái niệm rõ ràng, thống nhất về người có thu nhập thấp để việc xét đối tượng thụ hưởng được chính xác; tạo điều kiện thuận tiện nhất để người vay mua nhà ở xã hội hoàn thành thủ tục dễ dàng

Bộ Xây dựng được Chính phủ giao chủ trì, nghiên cứu sửa đổi Luật Nhà ở, trong đó tiếp tục nghiên cứu, bổ sung chính sách nhà ở cho đối tượng người thu nhập thấp (có công nhân, người lao động nghèo), tạo điều kiện cho người thu nhập thấp ở khu vực đô thị có nhiều cơ hội tiếp cận và mua, thuê, thuê mua nhà ở, ổn định cuộc sống.

Những vấn đề cần lưu tâm

Giải quyết nhà ở, chỗ ở cho người có thu nhập thấp, có những vấn đề cần lưu tâm. Trước hết, về quỹ đất, nên có quy định rõ ràng khu vực nào nhà nước cấp quỹ đất, cho phép xây dựng nhà ở lâu dài cho người dân. Vấn đề này các sở, ngành liên quan, các nhà quy hoạch nên có kế hoạch và tầm nhìn dài hạn.

Phải có khái niệm rõ ràng, thống nhất về "người có thu nhập thấp" để việc xét đối tượng thụ hưởng được chính xác. Nhà nước nên tạo điều kiện thuận tiện nhất để người vay mua nhà ở xã hội có thể hoàn thành thủ tục dễ dàng. Thực tế, thủ tục mua nhà ở xã hội rất nhiêu khê, gây nhiều khó khăn cho người dân.

Một dự án nhà ở xã hội tại quận 10 (TP HCM) Ảnh: TẤN THẠNH

Có thể kêu gọi sự đóng góp, đầu tư của các nhà hảo tâm có tiềm lực kinh tế hoặc kiều bào ở nước ngoài để phát triển nhà ở xã hội dưới dạng xã hội hóa. Đã có doanh nghiệp tài trợ lớn cho các câu lạc bộ, đội tuyển bóng đá quốc gia, thì sẽ có doanh nghiệp đóng góp nguồn lực cho những dự án nhà ở xã hội.

Mối quan hệ của "Nhà nước (cơ quan chức năng) - Ngân hàng (nguồn vốn) và chủ đầu tư (thi công) trong việc thực hiện dự án nhà ở xã hội là vô cùng quan trọng. Trong đó, nhà nước đóng vai trò giám sát việc thực thi, bao quát toàn bộ từ đầu đến khi kết thúc dự án. Cần có chính sách hiệu quả để giám sát công khai, minh bạch từng dự án cũng như việc giảm giá thành, kéo dài thời gian trả nợ cho đối tượng vay, chống hiện tượng đầu cơ mua bán kiếm lời…

Nhà ở cho người có thu nhập thấp thì chỉ mục đích của việc này là "chỗ ở". Đối tượng mua cần cam kết hoặc chứng minh họ mua để ở chứ không vì mục đích khác để hạn chế tối đa việc mua bán, thế chấp.

Đừng quên vai trò của bảo hiểm xã hội!

Lâu nay, nhà nước đã có chính sách hỗ trợ người thuộc diện thu nhập thấp vay gói mua nhà ở xã hội nhưng trên thực tế hiệu quả chưa cao, thậm chí có nơi sai đối tượng. Rất nhiều lý do, trong đó có việc người vay gói chính sách xã hội không đủ số tiền ban đầu 10%-20% trị giá của ngôi nhà hoặc khó chứng minh điều kiện thu nhập để có thể vay vốn và nhận giải ngân từ ngân hàng.

Ví dụ một người làm văn phòng với mức lương trung bình 10 triệu đồng/tháng (tổng thu nhập của 2 vợ chồng 20 triệu đồng/tháng). Chi tiêu cho gia đình có 2 con thì ít nhất 15 triệu đồng/tháng, chưa kể những khoản khác phát sinh. Vậy họ cần bao nhiêu năm để có thể có được khoản tiền 10%-20% trị giá của ngôi nhà (bình quân 1 tỉ đồng/căn)?

Chi bằng với chính sách vay mua nhà này, họ chỉ cần chứng minh có đóng bảo hiểm xã hội (từ 10 năm trở lên) và thế chấp bằng sổ bảo hiểm xã hội để vay mua nhà. Hiện nhiều người đổ xô đi rút bảo hiểm 1 lần để lo những việc trước mắt, sao ta không lấy chính sổ bảo hiểm xã hội thế chấp cho việc vay mua nhà của người có thu nhập thấp? Điều này cũng giống như ngân hàng cầm cố sổ tiết kiệm của người dân để làm thẻ tín dụng. Hạn mức trên thẻ bằng khoảng 80% số tiền trong sổ tiết kiệm nhưng lãi sổ tiết kiệm mỗi tháng vẫn tính cho họ. Việc này vừa ngăn chặn làn sóng rút bảo hiểm xã hội một lần mà cũng giúp người có thu nhập thấp, thu nhập trung bình (nếu có mức lương ổn định hoặc vừa đủ tiêu chuẩn về số năm đóng bảo hiểm xã hội) có thể vay mua nhà một cách dễ dàng. Bảo hiểm xã hội sẽ làm rất dễ điều này và việc ngân hàng lấy danh sách từ bảo hiểm xã hội đưa qua là một việc rất khả thi lại đúng đối tượng.

Học tập kinh nghiệm của Hàn Quốc

Hàn Quốc là quốc gia khá thành công trong phát triển nhà ở xã hội. Một số kinh nghiệm từ nước này, TP HCM có thể áp dụng thí điểm.

Ví dụ phương cách giải phóng mặt bằng. Khi định hình được dự án nhà ở xã hội, chủ đầu tư phải có trách nhiệm trong việc giải phóng mặt bằng và bồi thường. Hình thức bồi thường đa dạng (như tiền mặt, trái phiếu hay đất ở nơi khác), có sự đồng thuận của nhiều phía nhờ xây dựng được văn hóa đối thoại, văn minh trong giải quyết vấn đề phát sinh. Điểm mấu chốt ở đây là mọi thông tin người dân cần biết về căn nhà họ định mua được cụ thể hóa, gắn chặt với quyền lợi và nghĩa vụ của người dân. Quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư cũng được thực hiện nghiêm túc để bảo đảm không có tranh chấp xảy ra. Để làm được như vậy, thủ tục hành chính phải được đơn giản và phải nằm trong chương trình tổng thể phát triển đô thị. Trong đó bố trí rõ ràng các dự án, nếu chủ đầu tư bảo đảm điều kiện thì được lựa chọn theo hình thức bốc thăm.

Có thể học tập kinh nghiệm Hàn Quốc mở quỹ xổ số nhà ở. Cần nghiên cứu việc lập một quỹ xã hội với cơ chế huy động như tiền gửi tiết kiệm từ người dân. Doanh số thu được từ quỹ này sẽ dành cho phát triển nhà ở xã hội.

Thủ tục pháp lý kéo dài là nguyên nhân gây bất tiện để sản phẩm đến tay khách hàng. Việc này cần được thay đổi mạnh mẽ bằng chính hành lang pháp lý và cách thức thực hiện, cho chủ đầu tư cơ hội tiếp cận nhiều hơn với mức lợi nhuận phù hợp để phát triển nhà ở xã hội trong mỗi dự án.

Đinh Thành Trung

Nguyễn Thị Huyền Nga

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ban-doc/lang-nghe-nguoi-dan-hien-ke-phai-ro-khai-niem-thu-nhap-thap-20230316200115751.htm