Làng nghề cá chép đỏ Thủy Trầm - nơi 'sản xuất siêu xe' cho ông Táo lên trời

Làng nghề cá chép đỏ Thủy Trầm (Cẩm Khê, Phú Thọ) được gọi vui là nơi 'sản xuất siêu xe' cho ông Táo lên trời. Các hộ dân ở đây đang tất bật bắt cá để đưa ra thị trường dịp Tết ông Công ông Táo.

Thị trường

Làng Thủy Trầm (xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) vốn có tiếng trong cả nước là nơi "sản xuất siêu xe" cho ông Táo lên chầu trời những ngày Tết ông Công ông Táo.

Nghề ươm nuôi cá chép đỏ ở làng Thủy Trầm bắt đầu từ những năm 1960 và phát triển cho đến ngày nay. Hiện nay, xã Tuy Lộc có hơn 30ha nuôi cá chép đỏ của 250 hộ dân.

Ông Hà Công Vụ - Bí thư chi bộ khu Đồng Minh (thuộc làng nghề cá chép đỏ Thủy Trầm) cho biết, gia ông đang nuôi 2 ao cá chép đỏ, mỗi ao rộng khoảng 700m2. Năm nay, cá sinh trưởng khá tốt, cả 2 ao của gia đình ông có thể thu hoạch được khoảng 2 tạ cá.

Ông Bùi Văn Chữ - Giám đốc Hợp tác xã cá chép đỏ và dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thủy Trầm thông tin thêm, trước đây, người dân địa phương chỉ nuôi cá cho đẹp, sau đó thử bán vào ngày 23 tháng Chạp. Nhờ sinh lợi lớn, nên hiện nay nghề nuôi cá chép đỏ phát triển, mỗi hộ trong thôn đều có ít nhất từ 2 - 3 ao cá. Bà con chăm sóc và tự tay chế biến thức ăn cho cá, không cho cá ăn các loại cám bán sẵn trên thị trường.

Cá chép đỏ làng Thủy Trầm được yêu thích do sự đồng đều về kích cỡ, màu sắc bóng đẹp, khỏe mạnh. Cá giống được nuôi trong khoảng 6 tháng, đạt tới kích thước khoảng 3 ngón tay sẽ được bắt lên để giao đi về các chợ cá đầu mối miền Bắc.

Hiện nay, các hộ dân nuôi cá chép đỏ đang tiến hành hút nước trong ao để đưa cá vào bể nhỏ, khi thương lái tới chỉ việc cân.

Năm nay, làng Thủy Trầm dự kiến cung cấp khoảng 35 tấn cá chép đỏ ra thị trường, trung bình giá bán 1kg cá chép đỏ tại bờ từ 110.000 - 150.000/kg (khoảng từ 40 - 50 con/kg), trừ chi phí, người dân thu bình quân 25 triệu đồng/sào.

Cá chép đỏ Thủy Trầm vốn là cá cảnh, kích cỡ vừa phải, khỏe, màu đỏ tươi hoặc vàng, vây nhọn, vẩy ánh đẹp, có râu hai bên...

Nhiều năm trước, giống cá này được đưa ra thị trường dịp Tết ông Công ông Táo. Cứ vậy, nghề nuôi cá chép đỏ ở Thủy Trầm phát triển. Ngày càng nhiều hộ dân đào ao nuôi cá, nhờ đó có cuộc sống đủ đầy hơn. Năm 2011, UBND tỉnh Phú Thọ công nhận Thủy Trầm là làng nghề nuôi cá chép đỏ.

Từ khoảng 19 - 20 tháng Chạp, các hộ nuôi cá đã chuẩn bị máy bơm, cùng lưới và thùng để bơm nước, thu hoạch cá. Đến nay, phần lớn các hộ nuôi đã thu hoạch cá xong, đưa ra thị trường.

Các hộ nuôi cá chép đỏ cho biết, giá cả năm nay có chút biến động nhưng nhiều hộ đã được thương lái đặt mua cá với số lượng lớn từ khoảng 1 tháng trước.

Khu vực chợ cá Thủy Trầm từ khoảng 20 tháng Chạp đón những mẻ cá chép đỏ từ ao, rửa sạch sẽ để thương lái đưa về các chợ đầu mối Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Từ đó những "siêu xe" sẽ tỏa đi khắp nơi, đến từng gia đình làm lễ phóng sinh, đưa ông Công, ông Táo lên báo cáo Ngọc Hoàng cuộc sống dân sinh cả năm qua.

Khánh Huy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn//lang-nghe-ca-chep-do-thuy-tram-noi-san-xuat-sieu-xe-cho-ong-tao-len-troi-368720.html