Lăng kính văn hóa: Ghi nhận suông!

Tổng số phim Việt chiếu rạp trong nước qua nhiều năm chỉ loanh quanh trên dưới 40 bộ phim. Đây là chỉ dấu cho thấy hiện trạng ngành điện ảnh thiếu tài lực để tăng số lượng phim, hoàn thiện quy trình công nghiệp điện ảnh. Đa phần hãng phim tư nhân ở nước ta có quy mô vừa và nhỏ, họ phải làm các chương trình truyền hình, tổ chức sự kiện 'lấy ngắn nuôi dài' để làm phim điện ảnh.

Chính vì thế, tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) Việt Nam dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ, đại diện cho các hãng phim tư nhân đã tha thiết kiến nghị Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ, đó là: Miễn giảm thuế, phí, điều kiện vay vốn, sớm có quy định và hướng dẫn về hình thành quỹ hỗ trợ và đầu tư...

Với các nhà báo theo dõi lĩnh vực văn hóa, những kiến nghị kể trên không có gì mới. Cũng chính vị đại diện này, cách đây tròn một năm đã phát biểu nội dung tương tự tại Hội thảo văn hóa 2022 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo tổ chức. Thêm một điều tương đồng là đại diện các cơ quan chức năng tại hai sự kiện này đều phát biểu giống nhau: Ghi nhận các kiến nghị, tổng hợp báo cáo trình cấp có thẩm quyền để có những điều chỉnh phù hợp, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp hoạt động.

Biểu diễn phục vụ khách tham quan ngay tại gian hàng Du lịch Bình Thuận. Ảnh: baobinhthuan.com.vn

Ai cũng biết để sửa một quy định không phải là một sớm một chiều. Tuy nhiên sau một năm, vẫn không có một chuyển động nào để bắt đầu quy trình sửa đổi mà vẫn “ghi nhận các kiến nghị”, “tổng hợp báo cáo” thì niềm hy vọng, trông đợi của doanh nghiệp đã suy giảm phần nào. Đồng thời các cơ quan liên quan đã không cụ thể hóa chủ trương của Đảng và không quán triệt phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, đó là “khẩn trương phát triển các ngành CNVH”.

Không chỉ riêng điện ảnh mà đa phần các ngành CNVH hiện nay đều thiếu các “đại gia” trong và ngoài nước đầu tư. CNVH là lĩnh vực có độ rủi ro nhất định, khả năng sinh lời chưa quá cao, chính sách ưu đãi không nhiều nên rất khó huy động nguồn lực đầu tư. Để “nắn” dòng tiền đầu tư phát triển CNVH, chủ thể Nhà nước phải tiên phong dẫn dắt bằng thể chế, chính sách. Đây là kinh nghiệm của tất cả các quốc gia đi trước đã xây dựng các ngành CNVH thành công.

Chủ thể Nhà nước vốn không dùng ngân sách công đầu tư kinh doanh CNVH mà chỉ đầu tư vào các dịch vụ công như dịch vụ thư viện hoặc các lĩnh vực gần như không thể kêu gọi xã hội hóa như bảo tồn các bộ môn nghệ thuật truyền thống. Tuy nhiên với vị thế như “nhạc trưởng”, chủ thể Nhà nước có thể điều khiển sự vận hành CNVH theo mô hình quản lý “cánh tay nối dài”. Thông qua các chính sách ưu đãi, chủ thể Nhà nước có thể đầu tư gián tiếp để khuyến khích tăng số lượng doanh nghiệp, tăng vốn đầu tư... Một khi đã hình thành nền CNVH có sức mạnh nội sinh nhất định, khối tư nhân sẽ tự vận hành phát triển mà không cần hoặc cần rất ít các chính sách ưu đãi, hỗ trợ.

Đây là giai đoạn các doanh nghiệp CNVH nước ta cần được nuôi dưỡng, trước khi có thể mơ vươn vai trưởng thành để xuất khẩu sản phẩm ra thế giới. Câu chuyện làm như thế nào để bán được sản phẩm chưa bàn đến nhưng trước hết cần nhiều sản phẩm chất lượng, cần nội lực của cả xã hội để xây dựng nền CNVH quốc gia.

Nếu chủ thể Nhà nước tiếp tục... ghi nhận suông, thời cơ vàng để phát triển CNVH sẽ qua đi, ảnh hưởng đến mục tiêu các ngành CNVH đóng góp 7% vào GDP (năm 2030), làm giảm sức mạnh nội sinh của nền văn hóa chống lại sự “xâm lăng văn hóa”, khó nâng cao “sức mạnh mềm” và vị thế quốc gia.

HÀM ĐAN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/lang-kinh-van-hoa-ghi-nhan-suong-758500