Làng Hoàng Mai trong ký ức: Làng trong phố… (Kỳ 1)

Trong tâm thức người Kẻ Mơ xưa nay vẫn ngày đêm gìn giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp của làng, mặc dù đang sống giữa chốn phồn hoa, ồn ào của đô thị hóa.

Nhưng với những người dân gốc làng Hoàng Mai (phường Hoàng Văn Thụ) những năm gần đây đang ngày đêm ăn không ngon, ngủ không yên vì phải lo giữ nghĩa trang Ao Đường. Với họ ranh giới giữa làng và phố đang ngày đêm khó giữ. Đến nỗi người gốc làng Hoàng Mai ngày nay mỗi lần nghe ai nhắc lại về chuyện làng xưa lại nuối tiếc nhiều điều…

Làng trong ký ức!

Phóng viên trò chuyện với cụ Hoàng Đình Tiến 80 tuổi, người gốc làng Hoàng Mai để tìm hiểu về những nét đẹp văn hóa của làng xưa. Cụ cho biết làng Hoàng Mai xưa nằm ở phía Nam kinh thành Thăng Long, gồm có Hoàng Mai, Mai Động, Tương Mai thuộc tổng Hoàng Mai - huyện Hoàn Long - tỉnh Hà Đông cũ. Làng Hoàng Mai có 3 thôn, gồm có thôn Đoài, thôn Đông và xóm Bến.

Ở làng có thờ sáu vị thần: Một là Hương Mai Đại Vương, hai là Thủy Tinh Phu nhân, ba là Uy Linh Thần Vũ Chương Chung Công, bốn là Văn Xương Đế Quân, năm là Quan Thánh Đế Quân, sáu là Phu Hữu Đế Quân, các vị này đang được thờ tại Đình Hoàng Mai, Đền Lư Giang và Đền Tam Thánh.

Cổng vào nghĩa trang làng Hoàng Mai. Ảnh: Vietnamnet

Làng Hoàng Mai còn có nghề nấu “rượu Mơ” nổi tiếng, chuyên nấu rượu cung tiến cho Vua, Chúa…, ngoài ra còn có những loại rau đặc sản như cải Mơ, đậu phụ Mơ, cà pháo. Làng của cụ mặc dù ngót hơn hai chục năm lên phường, lên phố, nhưng mỗi khi nhắc đến cụ đều gọi đó là làng với biết bao ân tình sâu nặng, tình làng, nghĩa xóm.

Đặc biệt cụ nhớ cái cổng làng chứa chan biết bao kỷ niệm, điều đặc biệt ở chỗ cổng làng Hoàng Mai có đặt bốn con chó đá với ý nghĩa nó gìn giữ bảo vệ làng, trên mái cổng có treo bức đại tự bốn chữ Hán đề là “LÝ NHÂN VI MỸ” các cụ muốn nhắc nhở con cháu khi bước chân ra khỏi làng thì luôn phải giữ những tiếng thơm của làng và không được quên công ơn sinh thành dạy giỗ của cha ông…

Cụ Tiến kể, làng Hoàng Mai đã đi vào thơ ca hò vè như: “… Em là con gái kẻ Mơ/ Em đi bán rượu, tình cờ gặp anh/ Rượu ngon chẳng quản be sành/ Áo rách khéo vá hơn lành vụng may/ Rượu này chưa uống đã say/ Áo rách khéo vá, vá ngay lại lành…”, cụ cũng là người say mê nghiên cứu văn hóa Làng và từng là người cùng biên soạn cuốn lịch sử của làng, cụ thuộc tới từng chuyện dấu tích đất, tích nghề truyền thống, và những ngày làng mở hội…

Đình làng cổ kính. Ảnh: Báo Đại Việt

Nhưng bây giờ nhà ở đây có số, ngõ có tên, nhà cửa san sát, nhưng hỏi bất kỳ ai dù là già hay trẻ chỉ nói là “làng tôi” khi giới thiệu với khách về nơi đây thăm làng.

Vùng đất Hoàng Mai xưa nổi tiếng với những sản vật tinh hoa mà thiên nhiên, chất đất ban tặng cho dân làng với nhiều loại rau nổi tiếng như, rau muống, cải Mơ, cà pháo Hoàng Mai. Khi hỏi về những sản vật này còn hay đi đâu mất cụ cho biết: Trước kia còn đất canh tác nhà nước chưa lấy làm khu đô thị Đền Lừ I,II,III thì nhân dân xóm Bến vẫn trồng rau mang ra chợ Mơ để bán, nhưng khi nhà nước thu hồi hơn 600 héc ta đất, thì nay không còn nữa. Điều đặc biệt ở rau cải có mùi thơm, vị đắng, ăn xong thấy ngọt cổ họng, còn cà pháo thì quả màu xanh, núm nhỏ, cùi dày lại ít hạt ăn rất giòn.

Hình ảnh làng tôi ngày trước rất thanh bình như bao làng quê khác đã đi vào thơ ca “… Ra đi anh nhớ quê nhà / Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương…”.

Đô thị hóa làng

Phường Hoàng Văn Thụ đang đô thị hóa nhanh, mạnh mẽ, đất làng đã trở thành phố xá, những giếng cổ của làng ngày xưa có đến chục cái nhưng nay dân làng giữ chỉ còn lại có 5 cái, còn những giếng cổ khác thì bị lấp để xây nhà văn hóa, xây nhà tình nghĩa.

Ngoài giếng cổ ra làng Hoàng Mai còn có các quán (dịch quán) để dành cho các cụ trong thôn xóm hội họp, nhưng đến nay cũng chỉ còn sót lại 3 quán, đó là quán Ba ở thôn Đoài (quán này chính quyền cho thuê bán bia) còn quán Bô thượng ở thôn Đông năm 1996 chính quyền cho các gia đình công nhân của Công ty may Thăng Long mượn để ở đến nay chưa trả (trích bảng thống kê đất công của phường Hoàng Văn Thụ lập ngày 2/3/2006).

Nhân dân khu dân cư số 5 đề nghị chính quyền cho chuyển đổi đất khoán 10 để xây dựng Nhà văn hóa ở Ao ông Ngô Trọng Thu. Khi chuyển xong mục đích sử dụng thì chính quyền đem bán hết rồi… còn quán Bến cổ ở xóm Bến vừa rồi nhân dân mới đòi lại của các gia đình xã viên ở nhờ.

Vì vậy nhân dân ở dưới xóm Bến đã vất vả ngày đêm khuyên góp công sức, tài lực, trí lực mới khôi phục lại được quán Bến cổ, để thờ Quan thần linh… Dù tiếc nuối nhiều, nhưng cuộc sống vốn là như thế, người có tâm cũng đành bất lực. Nhưng điều đáng trân trọng là người làng Hoàng Mai vẫn gìn giữ được nét đẹp, nếp sống ở làng, hào phóng, thân thiện, gần gũi, đoàn kết…

Dẫn tôi thăm quan quanh, làng cụ Nguyễn Vân người gốc làng ở đây luôn miệng chào hỏi người trong làng và giới thiệu với chúng tôi rằng người dân làng tôi luôn tự hào về những giá trị truyền thống tốt đẹp của làng. Họ nói rằng hiếm có nơi nào trong lòng phố mà vẫn gữi được gần như đầy đủ các di tích lịch sử, các công trình kiến trúc nhà thờ dòng họ cổ.

Như duyên trời đã định giao cho cụ cái tình cảm đặc biệt với những cái cổng làng, và mọi chuyện đều bắt nguồn từ chính cái cổng làng mình. Cụ trao đổi rằng quan niệm các cụ ngày xưa là ở đâu có dân cư sinh sống là ở đó có làng, làng thì phải có cổng.

Cổng làng là nơi gặp gỡ, đón đưa tiễn người thân, bạn bè, là chốn nhớ về mỗi khi đi xa. Những ý nghĩa văn hóa của đôi câu đối ở hai bên cổng làng là Môn Lư Cao Đại, Khả Dụng Tứ Mã An Xa/ Đống Vũ Phồn Hoa, Khai Thái Tứ Thời Vạn Lộc. Dịch là: Cổng làng cao rộng, xe ngựa qua lại bình an, đất ở làng phồn thịnh, mở ra vạn sự ấm no. Hiện nay câu đối đã không còn bởi cổng xưa phá đi để phục vụ cho chiến tranh… Giọng cụ trầm hẳn xuống với tâm trạng đầy sự nao nao, có vẻ mong muốn được khôi phục lại cổng làng xưa.

(Còn nữa)

Đức Long - An Dân/KD&PL

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/lang-hoang-mai-trong-ky-uc-lang-trong-pho%e2%80%a6-ky-1-p42790.html