Làng 'hàng màu' Nam Định tất bật phục vụ Tết Nguyên đán 2024

Cuối năm, những người thợ làm 'hàng màu' tại thôn Đằng Chương (Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) lại luôn chân luôn tay sản xuất cho kịp tiến độ để phục vụ Tết.

Làng nghề mộc thôn Đằng Chương đã có từ hàng trăm năm nay. Sau thời gian dài bị ảnh hưởng của chiến tranh, làng nghề biến động và mai một dần. Đến năm 1980, các cụ trong làng cùng người dân đã khôi phục nghề mộc truyền thống của tổ tiên.

Làng chuyên sản xuất đồ thờ hay còn gọi là "hàng màu" như bàn thờ, hoành phi, câu đối, cửa võng, ngai thờ, khám thờ… khác với “hàng nét” là sập, gụ, tủ chè… "Hàng màu" thường được tiêu thụ rất mạnh vào những dịp cuối năm.

Ngay từ tháng 10 âm lịch, cơ sở sản xuất đồ thờ do anh Vũ Đình Chung làm chủ đã hoạt động nhộn nhịp hẳn lên. Máy móc chạy liên tục, nhiều lao động làm việc không ngơi tay, tăng ca đến tận đêm, chia về các hộ nhỏ để kịp đơn hàng phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2024.

“Cứ đến tháng 10 âm lịch hàng năm, cao điểm từ tháng 11 âm đến Tết Nguyên đán, các gia đình trong làng lại luôn tay luôn chân, máy móc hoạt động hết công suất. Như cơ sở của tôi bình thường có hơn 50 lao động, những lúc cao điểm vẫn phải huy động thêm người mới kịp tiến độ để phục vụ Tết”, anh Chung chia sẻ.

Theo anh Chung, để làm ra một bộ sản phẩm phải trải qua nhiều công đoạn như xẻ gỗ, pha gỗ, vẽ phác thảo, đục, phơi sơn…

Một sản phẩm được vẽ phác thảo.

Gia đình anh Chung chuyên sản xuất bàn thờ, hoành phi, câu đối, cửa võng.

Trung bình mỗi tháng, gia đình anh cung ứng ra thị trường khoảng 200 bộ đồ thờ. Vào những tháng cuối năm, số lượng tiêu thụ tăng lên khoảng 300 bộ.

Giá bán mỗi bộ đồ thờ dao động từ 70 đến hơn 100 triệu đồng, tùy chất liệu gỗ, sơn, kích thước… Hiện thị trường tiêu thụ sản phẩm của gia đình anh Chung chủ yếu ở trong và ngoài tỉnh.

Cách đó không xa, cơ sở sản xuất đồ thờ của gia đình anh Vũ Đình Thủy cũng đang tranh thủ thời gian, hoạt động sản xuất tích cực nhằm đảm bảo số lượng phục vụ thị trường dịp cuối năm.

Anh Thủy chia sẻ, gia đình anh sản xuất đủ các mặt hàng liên quan đến đồ thờ, nhưng chủ lực vẫn là ngai thờ, khám thờ. Thời gian này, cơ sở đang vào giai đoạn sản xuất cao điểm với số lượng đơn hàng nhiều. Do đó, cơ sở phải tăng cường liên kết với nhiều thợ mộc trong làng để đẩy nhanh các khâu sản xuất.

"Nhà tôi hiện có 4 máy đục công nghệ cao, cũng là cơ sở có số máy nhiều nhất làng, một máy sẽ nhanh hơn rất nhiều người nhưng chỉ đục được đến cơ bản, còn những chi tiết tinh vi, hoàn thiện vẫn phải tay người làm. Vì vậy trong giai đoạn này phải nhờ tối đa thợ mộc", anh Thủy nói.

“Hiện nay, gia đình tôi đang bán ngai thờ với giá dao động từ 2 đến 4 triệu đồng, khám thờ từ 5 tới hơn 10 triệu đồng, tùy theo kích cỡ, chất liệu gỗ, sơn…”, anh kể.

Các mặt hàng đồ thờ ở làng nghề mộc truyền thống thôn Đằng Chương được phun sơn đảm bảo kỹ thuật, với chất liệu sơn PU hoặc sơn son thếp vàng.

Những năm qua, kinh tế bị ảnh hưởng nhiều do dịch bệnh. Tuy nhiên, theo người dân thôn Đằng Chương, nơi đây công việc vẫn luôn đều tay. Kể cả trong giai đoạn dịch bệnh, số lượng đơn hàng không bị giảm, tạo được công ăn việc làm ổn định cho người dân trong làng và khu vực lân cận.

Phạm Trọng Tùng

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/lang-hang-mau-nam-dinh-tat-bat-phuc-vu-tet-nguyen-dan-2024-a648432.html