Lan tỏa văn hóa đọc trên mạng xã hội

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, đặc biệt là mạng xã hội đã dấy lên nhiều tranh cãi, lo ngại về nguy cơ mai một của văn hóa đọc. Tuy nhiên, bên cạnh một bộ phận bạn trẻ còn thờ ơ, hời hợt với sách thì rất nhiều người trẻ khác đang cố gắng lan tỏa văn hóa đọc một cách tâm huyết qua mạng xã hội.

Chỉ với một chiếc micro không dây, một chiếc điện thoại thông minh, suốt hơn nửa năm nay, anh Nguyễn Tuấn Bình, quận Cầu Giấy đã sản xuất được rất nhiều những video giới thiệu những cuốn sách mới và hay tới độc giả.

Xuất phát là một kỹ sư cầu đường, nhưng với tình yêu với sách, anh Bình đã quyết định gắn bó với công việc bán sách khoảng 3 năm nay. Nắm bắt những ưu thế của công nghệ và mạng xã hội, anh đã đăng tải lên mạng những bài viết, video giới thiệu sách, với nickname Bình Bán Book. Từ hàng nghìn đầu sách được các nhà xuất bản gửi tới, anh đã chọn ra 20 cuốn sách tiêu biểu nhất để giới thiệu tới bạn đọc.

Lan tỏa văn hóa đọc trên mạng xã hội

Anh Nguyễn Tuấn Bình chia sẻ: "Bán sách bây giờ rất khác xưa. Bán sách bây giờ không phải chụp ảnh một cuốn sách mà bán sách là bán một câu chuyện. Thói quen mua hàng đã khác, mọi thứ đã khác. Bán hàng online giờ là thời của IT và công nghệ."

Khác với thế hệ trước đọc sách và nghiềm ngẫm, thế hệ trẻ hiện nay có nhu cầu chia sẻ và kết nối những người cùng sở thích.

Nằm bắt được nhu cầu đó, các công ty phần mềm tạo nên các ứng dụng đọc sách online, xây dựng các trang mạng xã hội để giao lưu, kết nối. Tiện ích hơn nữa, mạng xã hội còn giúp người dùng theo dõi, ghi chép lại thời gian đọc để từ đó hình thành thói quen đọc sách.

Một số mạng xã hội còn tổ chức các hoạt động đọc sách trực tuyến, bình chọn sách hay. Nhiều người nổi tiếng như Hoa hậu Thùy Tiên, MC Khánh Vy cũng là người truyền cảm hứng đọc sách tới giới trẻ khi thường xuyên đăng tải những video bình luận về sách trên trang cá nhân.

Các Hoa hậu truyền cảm hứng đọc sách tới giới trẻ qua MXH

Trên thực tế, đã có những lo ngại về việc sự phát triển của công nghệ, mạng xã hội sẽ lấn át việc đọc sách và văn hóa đọc.

Tuy nhiên, để có thể lôi kéo độc giả mới, ngành xuất bản thời đại 4.0 đã có những phương thức mới. Đó là sách điện tử, sách nói. Những phương thức này giúp người đọc không chỉ đọc sách bằng thị giác, mà còn tiếp cận bằng hình ảnh và âm thanh.

Điều này vừa là cơ hội, đồng thời cũng là thách thức không nhỏ đối với các đơn vị xuất bản, trong việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động xuất bản, để thu hút được độc giả trên nền tảng online.

Anh Nguyễn Xuân Minh, GĐ Kế hoạch và Bản quyền, CTCP VH&TT Nhã Nam cho biết: "Phát hành sách trên nền tảng số tạo cơ hội rất lớn cho sách mới, tác giả trẻ. Chúng ta đã tiếp cận được rất nhiều độc giả mới".

Thế hệ trẻ hiện nay có nhu cầu chia sẻ và kết nối những người cùng sở thích.

Anh Trương Việt Anh, Trưởng Phòng CNTT, NXB Kim Đồng cho hay, điều quan ngại là tỉ lệ sách giả, sách nhái kinh doanh trên nền tảng số rất nhiều. Độc giả mua sách trên mạng rất khó có thể xác định mình mua phải sách giả hay không.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã thay đổi rất nhiều thói quen của con người trong đó có cả việc đọc sách. Để thúc đẩy văn hóa đọc phát triển, điều quan trọng nằm ở việc nâng cao chất lượng sách từ tác giả đến các nhà xuất bản. Và độc giả cũng nên chọn lọc những thông tin bổ ích trên mạng xã hội, để văn hóa đọc được tiếp nối, lan tỏa một cách ý nghĩa và trọn vẹn nhất.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/lan-toa-van-hoa-doc-tren-mang-xa-hoi-207480.htm