Lan tỏa phong trào thanh niên lập nghiệp từ nông sản địa phương

Bằng sự đam mê và quyết tâm dám nghĩ dám làm, nhiều mô hình khởi nghiệp, lập nghiệp từ nông sản địa phương của thanh niên Quảng Trị đã thành công. Qua đó, không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn góp phần đưa nông nghiệp của tỉnh từng bước chuyển đổi theo hướng hiện đại, phát triển bền vững.

Anh Nguyễn Đăng Tôn Cảnh, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong giới thiệu sản phẩm với khách hàng - Ảnh: FBNV

Bên cạnh việc duy trì sản xuất bún tươi từ nhiều năm nay, vào năm 2022 cơ sở sản xuất bún Vạn Linh của anh Nguyễn Đăng Tôn Cảnh ở xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong đã sản xuất thêm sản phẩm mới là bún sấy khô từ bún tươi. Anh Cảnh cho biết, xuất phát từ thực tế các nhà hàng, quán ăn nhập bún tươi với số lượng lớn nhưng không sử dụng hết trong ngày dẫn đến phải vứt bỏ rất lãng phí, anh đã nghĩ đến việc nghiên cứu, tạo ra sản phẩm bún khô để có thể tiếp cận được thị trường rộng lớn hơn.

Sau nhiều lần thử nghiệm, cuối năm 2022 sản phẩm bún khô của cơ sở anh Cảnh đã thành công và xuất bán ra thị trường với nhãn hiệu bún khô Nhất Linh. Hiện nay sản phẩm bún sấy khô nhãn hiệu Nhất Linh đang cung ứng cho các siêu thị minimart của tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, TP. Đà Nẵng và được tiêu thụ ổn định.

Đến nay, cơ sở bún Vạn Linh sản xuất, cung ứng ra ra thị trường từ 12-13 tấn bún tươi và bún khô/tháng, mỗi năm khoảng 150 tấn. Anh Cảnh cho biết: “Tôi cũng đã nhận được những phản hồi tích cực, nhất là về chất lượng, sự tiện lợi của sản phẩm bún khô nhãn hiệu Nhất Linh. Dựa trên những tín hiệu vui đó, thời gian tới chúng tôi sẽ đẩy mạnh quảng bá, mở rộng sản lượng tiêu thụ ra thị trường sản phẩm bún khô này”.

Được biết, những năm gần đây, bình quân mỗi năm, doanh thu của cơ sở sản xuất bún Vạn Linh đạt khoảng 5 tỉ đồng, sau khi trừ các chi phí có lãi khoảng 500 triệu đồng. Cơ sở cũng tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động với mức thu nhập 5 triệu đồng/tháng và hàng chục lao động thời vụ.

Từ công sức, nhiệt huyết của anh Cảnh và cộng sự, những sản phẩm bún tạo nên từ hạt gạo của đồng đất quê nhà đã ngày càng vươn xa, đứng vững trên thị trường.

Các sản phẩm được chế biến sâu từ nông sản địa phương của các cơ sở do thanh niên làm chủ trên địa bàn tỉnh đã giúp nâng cao giá trị và giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Dù vậy khâu quảng bá thương hiệu, kết nối cung cầu sản phẩm vẫn là điều mà các bạn trẻ trăn trở nhất hiện nay.

Chị Trần Lan, Công ty TNHH sản xuất và thương mại nông sản Trần Lan, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong cũng đã khởi nghiệp khá thành công với những sản phẩm như: tinh bột nghệ, mầm đậu nành, mầm đậu xanh, bột sắn dây, trà gạo; các sản phẩm từ hạt sen, củ sen; mì sợi rau củ quả...

Chị Lan chia sẻ: “Thực tế các sản phẩm của cơ sở chúng tôi đã đạt chất lượng nhưng đầu ra hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Vấn đề đầu ra của sản phẩm nông sản địa phương gặp khó không chỉ riêng cơ sở tôi mà còn là thực trạng chung của nhiều doanh nghiệp trong toàn tỉnh.

Vì vậy, tôi mong muốn được tạo điều kiện hỗ trợ kết nối với các siêu thị, cửa hàng nông sản sạch tại địa phương trong và ngoài tỉnh để quảng bá, nâng tầm thương hiệu cho các sản phẩm”.

Chị Trần Lan giới thiệu các sản phẩm do Công ty TNHH sản xuất và thương mại nông sản Trần Lan, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong sản xuất - Ảnh: FBNV

Chị Lê Thị Thu Hường, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh Hải Linh ở xã Hải Quy, huyện Hải Lăng nhiều năm nay cũng được biết đến là một thanh niên trẻ tiêu biểu trong kinh doanh online và thành công với sản phẩm bột ngũ cốc mang thương hiệu Hải Linh.

Chị Hường cho biết, từ năm 2016 đã khởi nghiệp bán bột ngũ cốc bằng hình thức online do nhận thấy tiềm năng vô cùng to lớn từ mạng xã hội facebook. Xác định chất lượng sản phẩm là điều quan trọng hơn cả nên chị đầu tư làm ra sản phẩm ngũ cốc từ nguyên liệu được tuyển lựa kỹ.

Chị thu mua các loại đỗ đậu, ngũ cốc sạch được nông dân canh tác ngay ở quê nhà. Chủ yếu kinh doanh theo hình thức online nên chị Hường ngoài chú trọng đầu tư chất lượng sản phẩm còn quan tâm đến mẫu mã, hình thức bắt mắt cho sản phẩm.

Cùng với đó, chị Hường không ngừng tích lũy kinh nghiệm, trau dồi kỹ năng bán hàng trên không gian mạng một cách khéo léo. Với sự năng động, cầu tiến và phương châm bán hàng uy tín đã dần tạo dựng được thương hiệu cho sản phẩm ngũ cốc Hải Linh. Sản phẩm chủ lực này đã dần nhận được sự tin tưởng của khách hàng gần xa.

Hiện sản phẩm bột ngũ cốc Hải Linh của chị Hường được giới thiệu, tiếp cận và cung ứng cho khách hàng chủ yếu thông qua các trang bán hàng trên facebook, zalo, tiktok và một số sàn thương mại điện tử uy tín...

Nhờ những nỗ lực không ngừng, đến nay sản phẩm ngũ cốc của chị đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Chị Hường cũng đã xây dựng được hệ thống bán hàng ở nhiều tỉnh, thành phố trên toàn quốc với khoảng 30 địa chỉ phân phối chuỗi sản phẩm gồm bột ngũ cốc, tinh dầu tràm, sản phẩm từ các loại hạt.

Chị Hường cho biết, sau khi trừ các chi phí, mỗi năm cơ sở của chị mang lại thu nhập khoảng 200 triệu đồng, trong đó 80% doanh thu kinh doanh của chị đến từ các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, các hội, nhóm khách hàng. Ngoài tạo thu nhập cho gia đình mình, cơ sở của chị Hường còn tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động tại địa phương.

Chị Lê Thị Thu Hường bên gian hàng trưng bày sản phẩm do cơ sở sản xuất kinh doanh Hải Linh ở xã Hải Quy, huyện Hải Lăng sản xuất -Ảnh: Đ.V

Phong trào khởi nghiệp từ nông sản địa phương đã thực sự lan tỏa trong trong đoàn viên, thanh niên. Toàn tỉnh hiện có 3 tổ hợp tác, 85 CLB thanh niên phát triển kinh tế; 576 mô hình kinh tế trong thanh niên cho thu nhập trên 50 triệu đồng/năm, trong đó có 487 mô hình cho thu nhập trên 100 triệu đồng/ năm.

Phó Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Quốc Toản cho biết: “Ban Thường vụ Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục duy trì, thành lập mới các CLB, mô hình thanh niên, HTX thanh niên khởi nghiệp. Chú trọng phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt có hiệu quả và tiềm năng cao như nuôi bò 3B thâm canh, nuôi dê thâm canh, mô hình trồng cây ăn quả, trồng cây dược liệu... để tạo nguồn nguyên liệu bền vững nhằm phục vụ chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp”.

Để tạo đà cho các mô hình thanh niên khởi nghiệp ngày càng phát triển rất cần sự quan tâm, hỗ trợ về các cơ chế, chính sách, nguồn vốn, khoa học kỹ thuật, quảng bá thương hiệu từ các cấp, ngành, địa phương. Đặc biệt là việc kết nối cung cầu sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên đến với người tiêu dùng, khách hàng và doanh nghiệp.

Hiếu Giang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/lan-toa-phong-trao-thanh-nien-lap-nghiep-tu-nong-san-dia-phuong/184377.htm