Lan tỏa phong trào hiến đất làm đường ở vùng biên Ia Grai

Những năm gần đây, từ các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế- xã hội vùng dân tộc thiểu số, hạ tầng nông thôn, nhất là đường sá ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của tỉnh Gia Lai đang ngày càng được đầu tư khang trang, thuận tiện hơn. Có được thành quả này, có một phần đóng góp lớn lao từ phong trào người dân hiến đất làm đường.

Đi trên con đường bê tông gần 1km, rộng 4m, nối từ làng làng Myah sang khu sản xuất, ông Ksor Jinh (sinh năm 1950, ở xã Ia Krai, huyện Ia Grai) cho biết, chỉ cách đây 1 năm, đây là con đường mòn đất, rộng vỏn vẹn 2 mét, bụi bẩn vào mùa nắng, trơn trượt khiến nhiều người té xe khi chuyên chở nông sản vào mùa mưa.

Con đường nối làng Myah ra khu sản xuất (ảnh Nguyễn Thảo)

Ngay khi được chính quyền xã thông báo về việc nhà nước hỗ trợ dân làng làm đường bê tông, ông Ksor Jinh đã tiên phong hiến 100m2, nhiều người dân trong làng tin tưởng, tự nguyện hiến hàng trăm m2 đất để mở rộng và hoàn thiện con đường: “Trước đây đường đi lại khó khăn lắm, con cái đi học cực lắm, người lớn những lần đi ra chợ mua gạo gùi về đường lầy lội rất là khó đi. Từ sau cái đợt tiếp xúc cử tri, xã cũng xuống tận nơi để xem và qua khảo sát thực tế, xã cũng đã có cái dự án làm đường, sau đó vận động bà con hiến đất, phá bớt cây cà phê, điều để mở rộng đường, chúng tôi cũng rất vui làm theo. Cho đến nay đường đã được mở rộng, nhìn con cái đi học cũng rất yên tâm và thuận tiện cho bà con nông dân vận chuyển nông sản, điều này làm cho mọi người vui mừng lắm”.

Còn tại làng Nú, xã Ia Khai, huyện Ia Grai, cũng từ phong trào hiến đất làm đường, mà đầu năm 2023, con đường bê tông dài 800 mét, rộng 4 mét đã kịp hoàn thành trước vụ thu hoạch điều. Ông Rơ Châm H'Monh, người uy tín làng Nú cho biết, khi chính quyền địa phương vận động bà con hiến đất, mở rộng đường, nhiều hộ phản đối vì hiến đất thì phải chặt hàng trăm cây điều đang cho thu quả hàng năm. Ông H'Monh xung phong làm gương, chặt 19 cây của gia đình mình, rồi vận động anh em, con cháu trong dòng họ làm theo. Từ đó, cùng với sự vận động tích cực của ban dân thôn, 20 hộ dân đã chặt 300 cây điều dọc 2 bên để con đường khang trang được hoàn thiện.

Con đường mới làm xong của làng Nú, xã Ia Khai. (ảnh: Nguyễn Thảo)

Ông H'Monh cho biết: “Từ ngày xây dựng nông thôn mới, trong làng có rất nhiều đổi mới, được nhà nước quan tâm, hỗ trợ xây dựng mở rộng đường xá. Hiện nay, nhiều con đường trong thôn xóm được bê tông hóa. Riêng gia đình tôi cũng đã hiến một phần đất và đã chặt bỏ mấy chục cây trồng để mở rộng đường. Còn các hộ khác nếu chính quyền yêu cầu hiến đất, chặt bỏ cây cối thì bà con cũng đều tự giác làm theo, vì người dân hiểu rằng nhà nước cũng muốn tạo điều kiện để người dân có đường xá đi lại sạch đẹp. Tôi rất vui và cảm ơn sự quan tâm từ chính quyền”.

Nhằm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế- xã hội vùng dân tộc thiểu số, nhiều năm nay, cấp ủy, chính quyền huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai đã kêu gọi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp. Trong đó, mục tiêu trọng tâm của huyện là ưu tiên vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn; ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, làm tiền đề cho phát triển kinh tế, xã hội. Qua đó, phong trào hiến đất làm đường, để thực hiện các chương trình, được người dân đồng tình, hưởng ứng. Riêng từ năm 2020 đến nay, toàn huyện ước tính đã vận động hàng chục nghìn hộ dân, hiến tổng số trên 20.000 m2 đất. Trong số đó, các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số như Ia Krai, Ia Khai, Ia Yok, Ia O,... là những nơi có nhiều cách làm hay, hiệu quả. Theo đó, cán bộ, đảng viên, người uy tín, già làng tiêu biểu luôn là lực lượng tiên phong trong phong trào vận động, từ đó tạo sự đồng thuận, tin tưởng và làm theo của nhân dân.

Bà Nguyễn Mai Lương- Chủ tịch UBND xã Ia Khai, huyện Ia Khai cho biết: “Xã đã họp cũng mời già làng, bí thư chi bộ và đặc biệt là người uy tín trên địa bàn. Trong quá trình thực hiện, phương châm là mưa dầm thấm lâu, hôm nay họ chưa hiểu thì ngày mai chúng tôi lại xuống tiếp, hôm nay phân công đồng chí này xuống động viên thì ngày mai lại phân công đồng chí khác. Nếu như gia đình đó có hội viên Hội Nông dân thì chúng tôi mời Hội Nông dân, thành viên Hội phụ nữ thì chúng tôi cử hội trưởng chi hội phụ nữ, phân tích cho bà con hiểu”.

Hạ tầng giao thông ngày càng khang trang đã giúp việc giao thương giữa các thôn, làng vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số thuận tiện hơn, là tiền đề để đảng bộ, chính quyền và nhân dân vùng biên nghèo Ia Grai nỗ lực xây dựng đời sống ngày càng no ấm, tốt đẹp.

Nguyễn Thảo/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/lan-toa-phong-trao-hien-dat-lam-duong-o-vung-bien-ia-grai-post1042735.vov