Lan tỏa những cách làm sáng tạo trong phổ biến, giáo dục pháp luật

Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) theo hướng lấy người dân làm trung tâm; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong công tác PBGDPL… là những yêu cầu quan trọng trong văn bản hướng dẫn thực hiện công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2024 do Hội đồng phối hợp PBGDPL TP Hà Nội vừa ban hành.

UBND quận Hoàn Kiếm sôi nổi hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2023. Ảnh:Bạch Dương

Theo đó, Hội đồng phối hợp PBGDPL TP đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP và các tổ chức chính trị- xã hội, các sở, ban, ngành, đơn vị của TP, Tòa án Nhân dân TP; Viện kiểm sát Nhân dân TP; Hội Luật gia TP; Đoàn Luật sư TP; UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục đổi mới, thực hiện có hiệu quả công tác PBGDPL.

Căn cứ nội dung quy định của Kết luận số 80-KL/TW, Luật PBGDPL và các văn bản quy định chi tiết tiển khai hướng dẫn thi hành, khảo sát, nắm bắt nhu cầu thực tiễn và căn cứ điều kiện, yêu cầu của từng ngành, lĩnh vực, địa phương chủ động xây dựng, tổ chức thực hiện các kế hoạch, chương trình, đề án về PBGDPL bảo đảm chất lượng, hiệu lực, hiệu quả.

Trong đó cần ưu tiên các nhóm đối tượng đặc thù, địa bàn trọng yếu về quốc phòng, an ninh gắn với thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, đề án phát triển kinh tế - xã hội; triển khai điểm một số hoạt động PBGDPL nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho một số đối tượng cụ thể trong xã hội…

Đồng thời, chú trọng thực hiện truyền thông dự thảo chính sách, nhất là những vấn đề nóng hoặc có nhiều ý kiến khác nhau cần định hướng dư luận xã hội; gắn PBGDPL với xây dựng, hoàn thiện thể chế và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thi hành pháp luật.

Tiếp tục có các giải pháp đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL theo hướng lấy người dân làm trung tâm; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong PBGDPL, vận hành có hiệu quả Cổng/Trang thông tin điện tử PBGDPL của cơ quan, tổ chức; khai thác triệt để các ứng dụng, phần mềm có tính năng trực tuyến, tương tác và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, mạng xã hội để thực hiện PBGDPL.

Cùng với đó, tăng cường các hoạt động truyền thông, PBGDPL trên các phương tiện thông tin đại chúng; đối thoại, giải đáp vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành pháp luật; chủ động áp dụng các cách làm hay, sáng tạo, có hiệu quả và nhân rộng việc thực hiện; xây dựng mô hình điểm về phổ biến, thực hiện pháp luật tại cơ sở gắn với việc thực hiện hương ước, quy ước và mô hình tự quản tại cộng đồng.

Để Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2024 tiếp tục được thực hiện sâu rộng, thực chất, hiệu quả, TP yêu cầu các cơ quan, đơn vị căn cứ điều kiện thực tiễn chủ động, linh hoạt tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam. Về nội dung, gắn việc hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam với phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Về hình thức, lựa chọn hình thức hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam phù hợp, hiệu quả, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, trọng tâm là triển khai các hoạt động hưởng ứng thiết thực tại cơ sở bằng những hình thức phù hợp, cụ thể; đẩy mạnh thông tin pháp luật, PBGDPL trên các phương tiện thông tin đại chúng, Cổng/Trang thông tin điện tử, mạng viễn thông, mạng xã hội;

Thông qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, tọa đàm giao lưu, đối thoại chính sách, pháp luật, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hoạt động thanh niên tình nguyện, giáo dục pháp luật ngoại khóa; lồng ghép trong các hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở... Các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam cần tổ chức thường xuyên, liên tục trong cả năm, đặc biệt tập trung trong 2 tháng cao điểm là tháng 10, 11/2024.

“Hội đồng yêu cầu tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân”; Đề án “Tổ chức truyền thông dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027”; Đề án “Tuyên truyền, phổ biến trong cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân về nội dung của Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn” (Đề án CAT); Đề án “Truyền thông về quyền con người giai đoạn 2023-2028”; Đề án “Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL”…”.

Bạch Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/lan-toa-nhung-cach-lam-sang-tao-trong-pho-bien-giao-duc-phap-luat-373820.html