Lần sau tên lửa Tomahawk của Mỹ sẽ bay theo hướng nào?

Washington tiếp tục thực thi chính sách đối ngoại dựa trên sức mạnh và người ta tự hỏi: Lần sau các tên lửa Tomahawk của Mỹ sẽ bay theo hướng nào?

Ngoại trưởng Rex Tillerson nói Mỹ không chờ đợi đòn đáp trả của Moscow sau vụ tấn công tên lửa Tomahawk vào căn cứ không quân Syria, bởi vì các cơ sở của Nga không phải là mục tiêu tấn công.

Tàu chiến Mỹ phóng tên lửa hành trình Tomahawk tấn công sân bay quân sự Syria. Ảnh: AP

Nhưng Nga đã có động thái đáp trả đầu tiên, tuyên bố đình chỉ thỏa thuận tránh va chạm trên không với Mỹ ở Syria. Tàu khu trục tên lửa Đô đốc Grigorovich, chiếc tàu hiện đại nhất có trang bị tên lửa Kalibr và Onyx, đã tiến ra Địa Trung Hải.

Trong khi đó, ở khu vực Thái Bình Dương, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ đang tiến đến bán đảo Triều Tiên. Nhiều người trên thế giới có lý do để cho rằng, cuộc đối đầu quân sự giữa phương Tây và phương Đông sẽ tiếp tục.

Quan sát viên Alexander Khrolenko của đài Sputnik viết:

“Rõ ràng là Mỹ tiếp tục thực thi chính sách đối ngoại dựa trên sức mạnh. Nước này sở hữu khoảng 5.000 tên lửa Tomahawk và các tên lửa này đã được sản xuất không phải để bảo quản mãi mãi trong kho. Tuy nhiên, không ai muốn chết trong Chiến tranh thế giới thứ ba, vì vậy để đạt thành công trong chính sách đối ngoại, Mỹ đã tiến hành những vụ tấn công tên lửa Tomahawk theo từng đợt. Các chiến dịch quân sự tại Nam Tư, Iraq, Afghanistan cho thấy rõ điều đó. Thế thì lần sau các tên lửa Tomahawk sẽ bay theo hướng nào?

Để nâng cao uy tín và củng cố ảnh hưởng của Mỹ trong những khu vực khác nhau trên thế giới, Washington có thể sử dụng vũ lực, ví dụ, trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Ở khu vực này, Washington có những mâu thuẫn gay gắt với Bắc Kinh, còn Bình Nhưỡng tiếp tục theo đuổi tham vọng hạt nhân.

Và ở đây có thể tổ chức màn trình diễn ngoạn mục: đòn tấn công tên lửa cục bộ vào các cơ sở quân sự ở miền bắc Triều Tiên trong thời gian cuộc gặp của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov ở Moscow . Có chú ý đến những kinh nghiệm của bữa ăn tối gần đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago.

Còn diễn biến sự kiện ở Syria sẽ phát triển như thế nào? Nếu Mỹ ‘không để ý’ đến lợi ích của Nga ở Syria, thì cuộc gặp ở Moscow không thể làm dịu tình hình và không thể mang lại những thay đổi mang tính nguyên tắc. Ngày 9/4, trong một cuộc phỏng vấn với CNN, đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley đã thông báo rằng Tổng thống Donald Trump đang thảo luận với các thành viên nội các khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga và Iran vì ‘tội’ hỗ trợ Assad. Tóm lại, Mỹ tiếp tục chính sách ‘dùi cui’?

Cần phải đáp trả mỗi hành động phô trương sức mạnh bằng những hành động tương tự. Điều đó đặc biệt quan trọng ở khu vực Trung Đông, vì ở đó người ta đều tôn thờ sức mạnh. Cả thế giới sẽ bị đe dọa nếu Nga đáp trả bằng ngôn ngữ ‘Tomahawk’. Không ngẫu nhiên mà nhà văn Israel Shamir nhận xét rằng, hôm nay người Mỹ đã ném bom xuống Syria, họ cũng có thể bắt đầu ném bom xuống Nga nếu không bị ngăn chặn. Mặc dù rất khó, nhưng chúng ta vẫn có thể ngăn chặn một cuộc chiến tranh lớn. Nhưng, không phải bằng cách buộc Nga phải rút lui…"

Quan sát viên của đài Sputnik Alexander Khrolenko viết tiếp: “Nhiều người thấy rằng, Tổng thống Trump đang thay đổi dưới sức ép của các điều kiện chính trị trong nội bộ Mỹ. Ông đã bỏ lời hứa chính trong cuộc vận động tranh cử để duy trì quyền lực. Nếu ông hành động linh hoạt và tìm được sự hiểu biết lẫn nhau với Quốc hội Mỹ thì sẽ có thể điều chỉnh ‘đường lối dựa trên sức mạnh’ trong chính sách đối ngoại. Là người đứng đầu nhà nước, Donald Trump không thể bỏ qua tiềm năng chính trị và quân sự của Nga. Và tàu khu trục Đô đốc Grigorovich ở vùng Địa Trung Hải sẽ là một trong những lý lẽ mang tính đối xứng của Moscow”.

Minh Châu (Theo Sputnik)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/the-gioi/lan-sau-ten-lua-tomahawk-cua-my-se-bay-theo-huong-nao-853898.html